ĐBSCL: Phòng chống mặn xâm nhập ngay từ đầu mùa khô

Mặn xâm nhập tại các cửa sông chính Cửu Long từ đầu tháng 1-2018. Mặn có khả năng vượt quá 4g/l và từ giữa tháng 1 và tháng 2-2018 trở đi.
ĐBSCL: Phòng chống mặn xâm nhập ngay từ đầu mùa khô
Theo Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT), mùa khô năm 2018, nguồn nước về ĐBSCL từ thượng nguồn sông Mê Công trong nhiều hơn so cùng kỳ năm 2017. Đây có thể xem là điều kiện thuận lợi cho sản xuất, đặc biệt điều tiết từ Biển Hồ với tổng lượng 39,3 tỷ m³ và lượng trữ từ các hồ thủy điện vào khoảng 40 tỷ m³ nhưng vẫn cần đề phòng khả năng xuất hiện các thời điểm có dòng chảy thấp, biến động khó lường có thể xảy ra.
Nhận định bước đầu, mặn xâm nhập tại các cửa sông chính Cửu Long từ đầu tháng 1-2018. Mặn có khả năng vượt quá 4g/l và từ giữa tháng 1 và tháng 2-2018 trở đi. Đối với các vùng cách biển từ 30 - 50km có khả năng bị mặn 4g/l xâm nhập vào các tháng 2, 3 và 4 (kể cả tháng 5 nếu không có mưa) và các vùng cách biển từ 60 - 65km tuy ít gặp xâm nhập mặn 4g/l nhưng cũng cần cẩn thận trong các đợt triều cường.
Từ thực trạng trên, Tổng cục Thủy lợi khuyến cáo các tỉnh ĐBSCL cần triển khai thực hiện một số công tác trọng tâm như: theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo khí tượng - thủy văn do các cơ quan chuyên ngành cung cấp, thông tin dự báo mặn xâm nhập, thông tin về nguồn nước do các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ NN-PTNT chuyển đến để chủ động thực hiện giải pháp ứng phó, phù hợp với tình hình từng địa phương; tăng cường quan trắc độ mặn tức thời, theo dõi chặt chẽ thông tin xâm nhập mặn, phổ biến rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng đến người dân để chủ động giảm thiểu thiệt hại do hạn mặn gây ra; bố trí cơ cấu sản xuất, cơ cấu cây trồng phù hợp, xác định vùng nuôi thủy sản nước mặn ổn định, có ranh giới mặn - ngọt rõ ràng, chủ động phương án điều tiết nước cho phù hợp; tăng cường nạo vét kênh mương, đắp đập thời vụ ngăn mặn và trữ nước ngọt chống hạn, đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho người dân.

Tin cùng chuyên mục