ĐBSCL phát triển nông nghiệp theo ba trục “nông nghiệp sinh thái - nông thôn hiện đại - nông dân thông minh"

Chiều 18-2, UBND tỉnh Đồng Tháp phối hợp với Bộ NN-PTNT và Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF), tổ chức “Diễn đàn cấp cao về phương pháp tiếp cận mới cho cảnh quan nông nghiệp bền vững”. 

ĐBSCL phát triển nông nghiệp theo ba trục “nông nghiệp sinh thái - nông thôn hiện đại - nông dân thông minh" ảnh 1 Quang cảnh diễn đàn . Ảnh - QUỐC AN 

Tại diễn đàn, thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh khẳng định quyết tâm của ngành nông nghiệp thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh, có trách nhiệm, chuyển đổi mô hình nông nghiệp theo ba trục “nông nghiệp sinh thái - nông thôn hiện đại - nông dân thông minh”.

Cũng theo thứ trưởng Lê Quốc Doanh, trong bối cảnh phát triển mới, với xu hướng sử dụng cách tiếp cận đa ngành, nông nghiệp tích hợp đa giá trị, tiếp cận mới về quản lý cảnh quan nông nghiệp bền vững trong sự tương tác của con người; động thực vật và môi trường, nhằm đảm bảo sức khỏe cho con người và hành tinh… đang được nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm. Đặc biệt, Việt Nam là nước đang phát triển vì hai mục tiêu: phát triển kinh tế và bền vững. Do đó, để đạt được nông nghiệp sinh thái, xanh, hiện đại trong mối tương quan với sự phát triển, tương tác với các hoạt động khác nhưng vẫn đảm bảo cảnh quan thiên nhiên bền vững, Việt Nam cần có những tri thức mới, những bài học về lý luận và thực tiễn tốt nhất trên thế giới. 

Theo ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, định hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn ở ĐBSCL cần tôn trọng quy luật tự nhiên, tránh can thiệp quá mức vào tự nhiên; chủ động và tích cực thích ứng với biến đổi khí hậu; chuyển từ nền nông nghiệp sản lượng sang nền nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái, trách nhiệm, bền vững; xây dựng nông thôn mới hướng tới đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn giàu có, thịnh vượng.

ĐBSCL phát triển nông nghiệp theo ba trục “nông nghiệp sinh thái - nông thôn hiện đại - nông dân thông minh" ảnh 2 Ông Prasana De Silva, Giám đốc Điều hành WWF Toàn cầu phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: QUỐC AN

Ông Prasana De Silva, Giám đốc điều hành WWF Toàn cầu nhấn mạnh, đa dạng sinh học của ĐBSCL đang bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu và các tác động của con người, nên cần có những kế hoạch hành động tích hợp được nhiều yếu tố từ tầm nhìn, chính sách, sự huy động tài chính và can thiệp ở quy mô lớn, để duy trì, tạo dựng và phục hồi lại hệ sinh thái.  

“Vườn Quốc gia Tràm Chim được thế giới công nhận ấn tượng và quan trọng không chỉ với Đồng Tháp, mà còn với ĐBSCL; không chỉ với Việt Nam mà còn với thế giới. Di sản này là một phần quan trọng của sinh quyển thế giới, cần tiếp tục duy trì và phát triển những vùng đa dạng sinh học như tài sản thiên nhiên, là những vũ khí và giải pháp dựa vào thiên nhiên tuyệt vời để giúp Việt Nam kiên cường với biến đổi khí hậu nhằm phát triển bền vững,…”, ông Prasana De Silva chia sẻ.

ĐBSCL phát triển nông nghiệp theo ba trục “nông nghiệp sinh thái - nông thôn hiện đại - nông dân thông minh" ảnh 3 Vườn quốc gia Tràm Chim được thế giới công nhận ấn tượng

Tại diễn đàn, các đại biểu được tiếp cận những kiến thức tiên tiến, thực tiễn tốt nhất để phát triển cảnh quan nông nghiệp bền vững, do các chuyên gia hàng đầu của các tổ chức trên thế giới chia sẻ. Trên cơ sở đó, Bộ NN-PTNT và các địa phương thấy rõ tính cấp thiết, nhu cầu cần thay đổi trong lĩnh vực nông nghiệp, từ đó xây dựng tầm nhìn và đưa ra các quyết sách trong việc chuyển đổi, phát triển nông nghiệp xanh, bền vững nhằm bảo vệ môi trường, tôn tạo cảnh quan nông nghiệp…

Tin cùng chuyên mục