ĐBSCL - Nhiều nơi không “tiêu” hết vốn đầu tư công

Tại ĐBSCL, do nguồn thu ngân sách còn hạn chế nên nguồn vốn bố trí cho đầu tư công không nhiều. Dù vậy, tiến độ giải ngân tại một số tỉnh thuộc khu vực này vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đề ra, trong khi đó, thời gian còn lại của năm 2020 sắp hết, nguy cơ sẽ không thể “tiêu” hết vốn đầu tư công. 

Công trình trọng điểm chậm tiến độ

Nhiều năm qua, con đường đấu nối vào khu dân cư phía Đông quốc lộ 1A (TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau), do UBND TP Cà Mau làm chủ đầu tư, làm hoài chưa xong. Theo kế hoạch ban đầu, dự án thực hiện từ năm 2016-2017, tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, đến tháng 1-2019, dự án mới được khởi công.

Gói thầu số 6 thi công xây dựng đường, thoát nước mưa, nước thải, theo hợp đồng đến tháng 9-2019 hoàn thành nhưng do vướng mặt bằng nên việc thi công rất chậm và phải gia hạn đến tháng 8-2020. Những ngày đầu tháng 12-2020, có mặt tại công trường, chúng tôi thấy đơn vị thi công (Công ty TNHH Nguyễn Huỳnh) chỉ mới san lấp cát nền đường một đoạn… 

ĐBSCL - Nhiều nơi không “tiêu” hết vốn đầu tư công ảnh 1 Đường đấu nối vào khu dân cư phía Đông quốc lộ 1A (TP Cà Mau) vẫn dang dở

Đối với dự án xây dựng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu, một trong những dự án trọng điểm của tỉnh, có tổng mức đầu tư 175 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2017-2020, vẫn chưa hoàn thiện. Công trình gồm nhiều hạng mục: xây dựng kênh thủy lợi (kênh chứa nước và kênh thải); đường giao thông; hệ thống điện gồm đường dây điện trung thế 3 pha, đường dây hạ thế và hệ thống chiếu sáng cho các tuyến đường; xây dựng hạ tầng kỹ thuật... Do một thời gian dài gặp khó trong khâu mặt bằng đã làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân vốn của dự án. 

Tương tự, dự án xây dựng tuyến đường Hộ Phòng - Gành Hào dài gần 25km, cũng là một trong những dự án trọng điểm của tỉnh Bạc Liêu, có tổng mức đầu tư 1.025 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2017-2020, do vướng mặt bằng nên tiến độ thi công còn dang dở. Người dân bức xúc vì dự án khiến việc đi lại gặp nhiều khó khăn. 

Tiếp đó là dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tỉnh Kiên Giang (VnSAT), có tổng mức đầu tư 313 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2018-2020; kế hoạch vốn năm 2020 gần 46 tỷ đồng.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang, dự kiến đến cuối tháng 12-2020 mới giải ngân hết vốn chuyển nguồn năm 2019 là 31,8 tỷ đồng; trong tháng 11-2020, đã triển khai các gói thầu trong kế hoạch vốn năm 2020. Tuy nhiên, do tác động của dịch Covid-19 nên việc huy động vốn đối ứng từ người dân gặp khó. Hiện nay, chỉ đang thực hiện phần vốn chuyển nguồn từ năm 2019, phần vốn được bố trí năm 2020 phấn đấu giải ngân khoảng 14 tỷ đồng, số vốn còn lại 32 tỷ đồng khó có thể giải ngân hết…

Kiểm soát đặc biệt các dự án kéo dài

Sở KH-ĐT tỉnh Cà Mau cho biết, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 (gồm cả năm 2019 chuyển sang) là trên 3.981 tỷ đồng. Tính đến tháng 11-2020 đã giải ngân 2.921 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 73%. Còn ở Kiên Giang, tổng vốn đầu tư công của tỉnh trên 6.108 tỷ đồng, đến giữa tháng 11-2020, giải ngân được khoản 3.526 tỷ đồng, đạt gần 58% kế hoạch vốn. Trong khi tỉnh Bạc Liêu giải ngân được 1.798/3.443 tỷ đồng, đạt trên 52% kế hoạch vốn… Tương tự, các tỉnh khác ở ĐBSCL tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cũng chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra. 

Mặc dù công tác giải ngân vốn đầu tư công được lãnh đạo các địa phương ĐBSCL chỉ đạo quyết liệt nhưng xem ra tình hình rất nan giải. Điển hình như UBND tỉnh Kiên Giang yêu cầu chủ đầu tư và các địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án; khẩn trương nghiệm thu, lập thủ tục thanh toán để giải ngân vốn.

UBND tỉnh Kiên Giang cũng yêu cầu đoàn công tác liên ngành của tỉnh làm việc với các đơn vị giải ngân thấp để kiểm tra, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ; thực hiện nghiêm cam kết giải ngân đạt 100% vốn đầu tư công của năm 2020 đến cuối năm.

Tại hội nghị chuyên đề về giải ngân vốn đầu tư công mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lâm Văn Bi đánh giá kết quả giải ngân dù có nhiều chuyển biến nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu, chỉ đạo của Chính phủ. Nhiều dự án có tỷ lệ giải ngân thấp hoặc chưa có sự cải thiện.

Trước thực tế trên, ông Lâm Văn Bi yêu cầu các chủ đầu tư rà soát lại tiến độ thực hiện của từng dự án, đối với những dự án chậm phải điều chỉnh nhanh hơn và tập trung quyết liệt để đạt mục tiêu giải ngân 100% vốn được giao.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cũng yêu cầu chủ đầu tư lập danh sách các dự án cần theo dõi và kiểm soát đặc biệt về tiến độ, trong đó nêu rõ từng nội dung công việc phải thực hiện từ nay đến cuối năm 2020 và thời gian thực hiện cụ thể của từng phần việc nhằm hạn chế thấp nhất chuyển nguồn vốn đầu tư công sang năm 2021. Sở KH-ĐT theo sát danh mục dự án cần theo dõi và kiểm soát đặc biệt, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh định kỳ 2 tuần/lần; đôn đốc, phối hợp xử lý ngay những khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền; chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về kết quả giải ngân chung của tỉnh.

Tin cùng chuyên mục