ĐBSCL: Lũ năm nay cao hơn năm 2017

Dự báo trong 2-3 ngày tới, Nam bộ tiếp tục có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và dông nhiều nơi (thời gian mưa tập trung vào chiều và đêm); trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc và gió giật mạnh.
Xả lũ đập Tha La, An Giang
Xả lũ đập Tha La, An Giang

Ngày 14-7, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, do ảnh hưởng dải hội tụ nhiệt đới kết hợp với áp cao cận nhiệt đới đang lấn mạnh về phía Tây, cộng với khu vực Nam bộ chịu ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam đang hoạt động mạnh... Vì vậy những ngày qua ở khu vực Nam bộ liên tục có mưa.

Dự báo trong 2-3 ngày tới, Nam bộ tiếp tục có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và dông nhiều nơi (thời gian mưa tập trung vào chiều và đêm); trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc và gió giật mạnh.

ĐBSCL: Lũ năm nay cao hơn năm 2017 ảnh 1 Năm 2018, dự báo lũ sẽ cao hơn năm 2017 và xấp xỉ trung bình nhiều năm, vì vậy ngành chức năng và người dân cần chủ động phòng chống 

Tại ĐBSCL, mực nước đầu nguồn đang lên nhanh. Hiện tại, mực nước trên sông Tiền ở Tân Châu là 1,88m; trên sông Hậu ở Châu Đốc 1,82m. Trong vài ngày tới, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long tiếp tục lên nhanh sau đó biến đổi chậm. Dự báo đến ngày 18-7, mực nước cao nhất tại Tân Châu ở mức 2,1m; tại Châu Đốc ở mức 1,95m…  

ĐBSCL: Lũ năm nay cao hơn năm 2017 ảnh 2 Sạt lở ở ĐBSCL diễn biến phức tạp, nhất là mùa mưa lũ sắp đến

Theo nhận định, mùa lũ 2018 ở vùng ĐBSCL có khả năng đến sớm hơn so với trung bình nhiều năm. Nước lũ ở đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu và khu vực nội đồng dự báo sẽ cao hơn năm 2017 và xấp xỉ trung bình nhiều năm. Đỉnh lũ cao nhất năm 2018 tại khu vực đầu nguồn xuất hiện vào nửa đầu tháng 10, dao động ở  mức báo động cấp 2 và trên cấp 2; còn đỉnh lũ cao nhất năm tại khu vực Đồng Tháp Mười xuất hiện vào giữa tháng 10, ở mức báo động cấp 2…  

Trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp; vì vậy ngành chức năng các tỉnh ĐBSCL đang triển khai nhiều giải pháp phòng chống nhằm đảm bảo sản xuất, đời sống và an toàn tính mạng người dân.

Ông Nguyễn Văn Công, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Theo kế hoạch toàn tỉnh sẽ xuống giống 130.000 ha lúa thu đông, năng suất từ 5-6 tấn/ha, sản lượng thu hoạch khoảng 728.000 tấn. Tuy nhiên, do sản xuất lúa thu đông năm 2018 ngay đúng thời điểm mùa lũ; trong khi dự báo năm nay mực nước lũ cao hơn năm 2017. Vì vậy, để đề phòng nước lũ gây hại cho lúa, ngành nông nghiệp chỉ khuyến cáo nông dân sản xuất lúa thu đông ở những nơi có đê bao chống lũ triệt để, tuyệt đối không sản xuất lúa tràn lan ngoài qui hoạch, không có đê bao bảo vệ… nhằm đảm bảo thu hoạch an toàn”.

 
ĐBSCL: Lũ năm nay cao hơn năm 2017 ảnh 3 Năm 2017 lũ về sớm, gây hại nhiều diện tích lúa ở Long An. Đây là bài học để ngành nông nghiệp và người dân đề phòng trong mùa lũ 2018 này 

Tại Long An, rút kinh nghiệm của nước lũ về sớm gây hại hàng ngàn héc-ta lúa ở các huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng… vào năm ngoái. Năm nay, ngành nông nghiệp Long An phối hợp cùng chính quyền địa phương tuyên truyền về diễn biến mưa lũ phức tạp để người dân đề phòng; trong đó chỉ nên sản xuất lúa ở những khu vực có đê bao kiên cố, ngăn được lũ.

Thêm vấn đề lo ngại trong mùa mưa lũ hiện nay là tình trạng sạt lở đang lan rộng và vô cùng phức tạp ở rất nhiều nơi như Đồng Tháp, An Giang, Hậu Giang, Bến Tre, Cần Thơ… đe dọa đời sống và tính mạng của người dân.

Các địa phương đang khẩn trương di dời những hộ dân ở khu vực bị sạt lở nguy hiểm đến nơi an toàn; cắm biển cảnh báo sạt lở, tổ chức lực lượng trực đề phòng sạt lở diễn biến khó lường trong mùa mưa lũ… 

Tin cùng chuyên mục