ĐBSCL: F0 tăng, hệ thống y tế quá tải

Chiều 29-11, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Cà Mau cho biết, trong một tuần trở lại đây số mắc ca F0 ghi nhận luôn ở mức cao. Hiện đang điều trị 4.158 người, số lượng bệnh đã vượt ngưỡng công suất tiếp nhận điều trị tại các cơ sở y tế trong tỉnh.

ĐBSCL: F0 tăng, hệ thống y tế quá tải ảnh 1 Phân loại thuốc hỗ trợ người dân Cà Mau điều trị F0 tại nhà. Ảnh: TẤN THÁI 

Bà N.T.T. (hiện đang điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 5, TP Cà Mau) cho biết: “Việc sinh hoạt tại bệnh viện dã chiến có phần bất tiện. Nguyên nhân, số lượng F0 điều trị đông, trong khi nhà vệ sinh lúc hư, lúc nghẹt nên không đảm bảo”.

Để giảm tải áp lực trong tình thế ca mắc mới tăng cao, Cà Mau chủ trương và thí điểm cách ly, điều trị F0 không triệu chứng (hoặc triệu chứng nhẹ) tại nhà. Đến nay, toàn tỉnh có 1.215 ca F0 điều trị tại nhà.

ĐBSCL: F0 tăng, hệ thống y tế quá tải ảnh 2 Ngành chức năng tỉnh Cà Mau kiểm tra hoạt động Bệnh viện dã chiến số 5, TP Cà Mau. Ảnh: TẤN THÁI 

Tỉnh Cà Mau thành lập 101 trạm y tế lưu động (mỗi trạm tối thiểu 5 người), được cung cấp trang thiết bị cần thiết để hỗ trợ người dân. Cụ thể, các F0 tại nhà được cấp túi thuốc A (gồm thuốc hạ sốt, giảm đau, vitamin C, thuốc cân bằng điện giải, thuốc sát khuẩn hầu họng); hàng ngày được người của trạm lưu động liên hệ trao đổi thông tin, hướng dẫn theo dõi sức khỏe. Dù vậy, nhiều thân nhân F0 cũng cho biết, việc phản ánh đến trạm y tế các vấn đề liên quan phòng chống dịch, nhưng xử lý chậm. Một lãnh đạo trạm Y tế trên địa bàn TP Cà Mau phân trần: “Nhân lực y tế thì có hạn, nhưng số F0 tăng nhanh nên việc đưa đi cách ly hoặc hỗ trợ điều trị tại nhà, cấp phát túi thuốc… không làm ngay kịp, do quá tải”.

Theo BS CKII Chung Tấn Định, Giám đốc Bệnh viện điều trị Covid-19 tỉnh Sóc Trăng: “Các cơ sở điều trị Covid-19 ở tỉnh rơi vào cảnh quá tải. Thứ nhất, do F0 tăng khiến các trung tâm y tế quá tải. Thứ hai, xét nghiệm PCR vẫn còn tồn đọng, khiến thời gian trả kết quả chậm, kéo theo một số ca F0 có thể cho xuất viện được, nhưng chưa có kết quả PCR nên vẫn phải chờ ở bệnh viện”.

Ghi nhận tại Bệnh viện điều trị Covid-19 tỉnh Sóc Trăng cho thấy, số lượng giường bệnh tại tầng 3 chỉ có 28-30 giường, nhưng phải tiếp nhận 34 bệnh nhân; tầng 2 có 60 giường thì tiếp nhận 70 bệnh nhân; tầng 1 có 150 giường nhưng hiện có 231 bệnh nhân…

BS CKII Chung Tấn Định cho biết thêm, tình hình vật tư y tế cơ bản ổn, tuy nhiên thuốc men đang gặp khó. Lý do, trước đó tỉnh có dự trù 100% thuốc, nhưng do tốc độ dịch tăng hơn 200% nên về lâu dài bị thiếu; hiện tỉnh khẩn trương bổ sung để đảm bảo điều trị.

ĐBSCL: F0 tăng, hệ thống y tế quá tải ảnh 3 Lực lượng tình nguyện viên lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 ở Sóc Trăng. Ảnh:  TUẤN QUANG 

Đối với nguồn nhân lực y tế cũng gặp khó trăm bề. Một phần do số lượng nhân viên y tế bị lây nhiễm ngày càng nhiều, đang phải cách ly, điều trị; phần khác lực lượng y tế còn phải phân bổ ra để triển khai trạm y tế lưu động...

Nguyễn Hoàng Anh, Đội phó Đội tình nguyện viên TPHCM xuống hỗ trợ tỉnh Sóc Trăng phòng chống dịch Covid-19, cho biết: “Những ngày qua, số lượng F0 tăng mạnh. Để tầm soát, khoanh vùng kịp thời các ổ dịch, lực lượng tình nguyện viên đã cùng với địa phương làm việc khẩn trương, có khi phải đến 12 giờ đêm. Nhờ đã có kinh nghiệm qua đợt dịch ở TPHCM nên các tình nguyện viên bắt tay vào công việc rất nhanh…”.

Chiều 29-11, ông Nguyễn Lưu Trung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết, đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị tăng cường kiểm tra phòng chống dịch Covid-19 và các dịch bệnh khác khi thời tiết chuyển mùa cuối năm.

 UBND tỉnh yêu cầu các địa phương rà soát, lập danh sách những trường hợp chưa tiêm vaccine ngừa Covid-19. Nếu để sót đối tượng không được tiêm, thì Chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm. Sau khi rà soát, tổng hợp nhu cầu gửi về Sở Y tế và CDC tỉnh Kiên Giang phân bổ vaccine. Bệnh viện đa khoa tỉnh, Bệnh viện Sản - Nhi và Trung tâm Y tế các huyện… tổ chức điểm tiêm cố định, hoạt động 7 ngày trong tuần để tiêm vaccine cho người dân, hoàn thành trước ngày 7-12.

Sau ngày 31-12, những ai không thuộc đối tượng chống chỉ định tiêm vaccine Covid-19, mà chưa tiêm sẽ bị hạn chế một số hoạt động như: sử dụng phương tiện giao thông công cộng, dự tuyển vào làm việc tại các khu công nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh; hạn chế đi đến các địa điểm, khu vực có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh như chợ, siêu thị, bến tàu, bến xe... không được đi đến các cơ quan nhà nước để liên hệ làm việc… Đến nay, Kiên Giang đã tiêm mũi 1 vaccine ngừa Covid-19 đạt 98,2% và mũi 2 đạt trên 75% dân số từ 18 tuổi trở lên. Ngoài ra, có 97,16% học sinh lớp 12 và 71,58% trẻ em từ 15-17 tuổi được tiêm mũi 1.      

ĐBSCL: F0 tăng, hệ thống y tế quá tải ảnh 4 Tỉnh Kiên Giang đang đẩy nhanh tiêm vaccine ngừa Covid-19 mũi 2 cho người dân. Ảnh:  QUỐC BÌNH 

Tại An Giang, tỉnh này vừa hạ cấp độ dịch từ cấp 3 xuống cấp 2, nhờ độ bao phủ vaccine. Đến nay, An Giang đã tiêm vaccine ngừa Covid-19 mũi 1 cho 96,19%, mũi 2 hơn 88% người dân từ 18 tuổi trở lên; đồng thời tiêm mũi 1 trên 74% trẻ em từ 12-17 tuổi.

 Ông Trần Quang Hiền, Giám đốc Sở Y tế tỉnh An Giang cho hay, để kéo giảm số ca mắc Covid-19 từ hơn 600 ca mỗi ngày xuống mức trên 100 ca là nhờ liên tục tuyên truyền người dân tuân thủ 5K. Khi phát hiện có người mắc thì phong tỏa hẹp theo từng hộ gia đình, vận động các hộ liền kề cùng giám sát. Hiện tại, F1 tiêm đủ 2 mũi chỉ cần tự cách ly tại nhà 7 ngày, tiêm 1 mũi cách ly 14 ngày… 

Tin cùng chuyên mục