ĐBQH ủng hộ có cơ chế đặc thù cho “đầu tàu” TPHCM

Hầu hết các ĐBQH ủng hộ phải có cơ chế chính sách đặc thù phát triển TPHCM như tờ trình Chính phủ đã nêu. Tuy nhiên, các ĐB cũng còn một số băn khoăn.

Sáng 14-11, sau khi Chính phủ trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, Ủy ban Tài chính ngân sách (TCNS) của Quốc hội thẩm tra Tờ trình, Quốc hội đã tiến hành thảo luận tại tổ về nội dung này.

Hầu hết các ĐBQH ủng hộ phải có cơ chế chính sách đặc thù phát triển TPHCM như Tờ trình Chính phủ đã nêu. Tuy nhiên, các ĐB cũng còn một số băn khoăn.

ĐBQH ủng hộ có cơ chế đặc thù cho “đầu tàu” TPHCM ảnh 1 Nhiều khu dân cư và cao ốc mới được xây dựng tại TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG
ĐB Bùi Minh Châu (Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ) ủng hộ phải có cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Theo ông, khó khăn nhất của các địa phương hiện nay là cơ chế.

“Thực tế ở Phú Thọ, nếu tỉnh ủy quyền cho huyện về cơ chế đầu tư là nhanh lắm, hay ủy quyền đầu tư cho sở y tế cũng vậy, rất nhanh.  Còn đầu tư mà thủ tục liên quan đến bộ ngành Trung ương thì giải quyết rất lâu, nhanh thì 1 năm, lâu cũng phải 3-4 năm. Vì vậy, dự thảo nghị quyết hoàn toàn là vấn đề cơ chế. Nếu Trung ương ủy quyền cho địa phương được chủ động trong cơ chế đầu tư thì chắc chắn sẽ tạo đột phá. Vì dù là Chính phủ kiến tạo nhưng thực tế những thủ tục hành chính rất vướng mắc ở các bước trung gian”, ĐB  Bùi Minh Châu phát biểu.

Các ĐB Phạm Văn Hòa (Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp), ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; ĐB Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội đều đồng tình phải có cơ chế đặc thù cho TPHCM phát triển.

Theo các ĐB,  hiện nay TPHCM đang gặp nhiều khó khăn về hạ tầng giao thông, môi trường ô nhiễm... TPHCM cũng chưa có cơ chế, chính sách đột phá mạnh mẽ để phát triển nhanh, bền vững, xứng đáng là đầu tàu kinh tế của cả nước, là đô thị đặc biệt có tầm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế của cả nước và khu vực.

“Vấn đề có cơ chế riêng cho TPHCM là một nguyện vọng chính đáng của Đảng bộ, nhân dân TP. Muốn để cho một thành phố lớn như TPHCM phát triển mạnh mẽ, đủ điều kiện để trở thành đầu tàu cho cả nước cần có đủ các điều kiện cần thiết để phát huy hết các tiềm năng của TP. Đầu tàu thì không thể để TPHCM thực hiện tất cả các cơ chế giống như các tỉnh thành khác. Đây là trách nhiệm chung của cả nước đối với sự phát triển của TPHCM”, ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa nêu.

ĐB Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng cho rằng, những thí điểm xuất phát từ TPHCM sẽ được triển khai hiệu quả rồi nhân rộng ra các địa phương khác.

“Sức lan tỏa của TPHCM cho cả khu vực phía Nam cũng như cả quốc gia là rất lớn. Nhưng sức lan tỏa đó còn lớn hơn nữa nếu được đầu tư xứng tầm. Đây là đầu tàu để kéo chuyển cả vùng, giúp nâng sức bật quốc gia. Do vậy, phải mạnh dạn đầu tư cho TPHCM để đáp ứng các yêu cầu chính trị đó”, ĐB Đặng Thuần Phong nêu.

Dù ủng hộ tối đa tinh thần phải có cơ chế, chính sách cho TPHCM phát triển, nhưng các ĐBQH cũng đề nghị phải bảo đảm một số nguyên tắc.

ĐBQH ủng hộ có cơ chế đặc thù cho “đầu tàu” TPHCM ảnh 2 ĐBQH Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) . Ảnh: quochoi
ĐB Lê Công Đỉnh (Long An) đề nghị cần làm rõ cơ chế, chính sách đặc thù này sẽ ảnh hưởng thế nào đến kế hoạch ngân sách trung hạn. Rồi việc TPHCM được vay với mức dư nợ vay không vượt quá 90% số thu ngân sách TP được hưởng theo phân cấp thì tác động đến nợ công ra sao. Về quản lý đất đai, đề nghị khi được giao chủ động phải tuân thủ các quy hoạch được duyệt, bảo đảm tổng diện tích đất lúa.

ĐB Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) cũng cho rằng TPHCM là đầu tàu, cần kích thích, nuôi dưỡng nguồn thu, nhưng việc vay này phải bảo đảm trong phạm vi nợ công…

Hầu hết các ĐBQH đều thể hiện sự ủng hộ chủ trương có cơ chế thí điểm phát triển TPHCM. Tuy nhiên, các đại biểu cũng đề nghị, việc thí điểm ban hành các chính sách mới phải được đồng thuận của người dân và doanh nghiệp…

Tin cùng chuyên mục