ĐBQH tranh luận sôi nổi về hình thức đầu tư các dự án đường bộ cao tốc

Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét 3 dự án thành phần chuyển đổi sang đầu tư công gồm: Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Mai Sơn - Quốc lộ 45 và Phan Thiết - Dầu Giây; 5 dự án thành phần còn lại tiếp tục đầu tư theo hình thức đối tác công – tư (PPP).
Phiên họp của Quốc hội ngày 11-6-2020. Ảnh: QUANG PHÚC
Phiên họp của Quốc hội ngày 11-6-2020. Ảnh: QUANG PHÚC

Chiều 11-6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.

Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét 3 dự án thành phần chuyển đổi sang đầu tư công gồm: Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Mai Sơn - Quốc lộ 45 và Phan Thiết - Dầu Giây; 5 dự án thành phần còn lại tiếp tục đầu tư theo hình thức đối tác công – tư (PPP).

Tổng mức đầu tư điều chỉnh là 100.816 tỷ đồng, trong đó: vốn ngân sách Nhà nước (NSNN) khoảng 78.461 tỷ đồng (55.000 tỷ đồng đã bố trí theo Nghị quyết số 52/2017/QH14; cần bổ sung 23.461 tỷ đồng); vốn huy động ngoài ngân sách 22.355 tỷ đồng.

Trong báo cáo thẩm tra của Quốc hội, đa số ý kiến các thành viên Ủy ban Kinh tế cơ bản nhất trí với sự cần thiết phải điều chỉnh chủ trương đầu tư và thống nhất chuyển đổi 3 dự án thành phần sang đầu tư công.

Về lý do chuyển đổi, Chính phủ cho biết, do 7/8 dự án thành phần có từ 2 nhà đầu tư trở lên đã qua vòng sơ tuyển; 1 dự án thành phần (Vĩnh Hảo - Phan Thiết) không có nhà đầu tư qua vòng sơ tuyển.

Các nhà đầu tư qua vòng sơ tuyển chủ yếu là các nhà thầu có năng lực thi công tốt nhưng không có thế mạnh tài chính. Trường hợp đấu thầu không thành công mới báo cáo Quốc hội xin chuyển đổi hình thức đầu tư thì có thể đến năm 2022 mới triển khai thi công được.

Chính phủ cũng cho rằng, việc chuyển đổi hình thức đầu tư từ PPP sang đầu tư sử dụng 100% vốn đầu tư công sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công, hỗ trợ tăng trưởng, đem lại hiệu quả kinh tế-xã hội.

Thảo luận về nội dung này, ĐB Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) trăn trở, sau gần 3 năm Quốc hội đồng ý chủ trương Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, đến thời điểm này Quốc hội lại bàn để chuyển đổi phương thức đầu tư, chắc chắn mục tiêu đến năm 2021 hoàn thành tuyến sẽ không thực hiện được.

Các ĐBQH đều tán thành chuyển đổi phương thức đầu tư nhằm bảo đảm tiến độ dự án, vì nhu cầu đã rất cấp bách. 

ĐBQH tranh luận sôi nổi về hình thức đầu tư các dự án đường bộ cao tốc ảnh 1 ĐB Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) phát biểu tại phiên họp, 11-6-2020. Ảnh: QUOCHOI
Nhưng theo ĐB Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội), Chính phủ cần báo cáo rõ thêm về phương án cân đối vốn, cũng như phải có giải pháp để bảo đảm việc đầu tư công, minh bạch, không thất thoát.

ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cũng cho rằng, Bộ GTVT cần rút kinh nghiệm trong việc xây dựng dự án, tránh tình trạng dự án đã được thông qua rồi lại phải chuyển đổi, nhất là như dự án (Vĩnh Hảo - Phan Thiết) thậm chí không có nhà đầu tư qua vòng sơ tuyển.

Bên cạnh đó là tình trạng một số dự án triển khai nhưng chậm tiến độ, việc thu phí BOT có nhiều lùm xùm. Đây là một bài học lớn cần được rút kinh nghiệm.

Một số ý kiến đề nghị Chính phủ tính toán, đánh giá lại 5 dự án còn lại có phải chuyển đổi sang đầu tư công hay không?

ĐB Tạ Văn Hiện (Bạc Liêu) cho rằng, Chính phủ cần có nghiên cứu rõ về việc “thuyết phục” Quốc hội về các dự án, khi trình đầu tư PPP thì cũng rất thuyết phục, nhưng khi chuyển sang đầu tư công cũng có nhiều lý do. Việc này phải được làm rõ, đánh giá, rút kinh nghiệm trong vấn đề xây dựng dự án, nhất là 5 dự án còn lại, liệu có làm PPP nổi nữa hay không, nhằm bảo đảm sớm hoàn thiện tuyến đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam như người dân đang mong mỏi. Bên cạnh đó cần đánh giá tại sao dự án PPP chưa hấp dẫn các nhà đầu tư, phải chăng chính sách của chúng ta chưa hoàn thiện, không ổn định, nên các nhà đầu tư còn e ngại.

ĐB Lý Tiết Hạnh (Bình Định) cho rằng, đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam là công trình trọng điểm quốc gia, đặc biệt quan trọng, vì vậy để bảo đảm việc đồng tình chuyển đổi sang phương thức đầu tư công thì cần có ngay phương án thu hồi vốn để có vốn cho các công trình cấp bách khác. Đồng thời, phải đồng tình phương án nhượng quyền thu phí để bảo đảm thu hồi vốn nhanh, không để đội vốn, không làm tăng nợ công.

ĐB Lý Tiết Hạnh cũng chỉ ra, nếu làm tốt khâu giải phóng mặt bằng của dự án thì sẽ thu hút nhà đầu tư tốt hơn, cũng như không làm khó khăn cuộc sống của người dân, cần coi thời gian chính là một “nguồn vốn” rất quan trọng.

ĐBQH tranh luận sôi nổi về hình thức đầu tư các dự án đường bộ cao tốc ảnh 2 ĐB Đinh Văn Nhã (Phú Yên). Ảnh: QUANG PHÚC

Trong khi đó, ĐB Đinh Văn Nhã (Phú Yên) cũng lo ngại 5 dự án PPP còn lại tuy các nhà đầu tư qua sơ tuyển có năng lực thi công nhưng khả năng huy động tín dụng là khó khăn. Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, khả năng trong những kỳ họp tới, Chính phủ lại trình Quốc hội chuyển sang đầu tư công.

Theo ĐB Đinh Văn Nhã, một dự án quan trọng, rất cần tiến độ nhanh, do đó Quốc hội cần suy nghĩ kỹ về phương thức đầu tư. Với vai trò đặc biệt quan trọng của dự án, đột phá trong đầu tư hạ tầng đường bộ theo định hướng chiến lược, đề nghị Quốc hội xem xét điều chỉnh phương án đầu tư cao tốc Bắc - Nam (giai đoạn 1 và 2) từ phương thức công - tư (PPP) là chính sang phương thức đầu tư công là chủ yếu. Khu vực tư nhân chỉ đầu tư vốn tại một số đoạn với cam kết chất lượng, chấp nhận “lời ăn lỗ chịu”.

“Phương án này có ưu điểm lớn so với phương án có lựa chọn. Toàn tuyến sẽ được xây dựng thông suốt từ Bắc đến Nam, dọc chiều dài đất nước sẽ là một đại công trình quy mô lớn, tạo ra nhiều việc làm, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”, ĐB Đinh Văn Nhã đề nghị. 

Theo ĐB Đinh Văn Nhã, nên xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam bằng vốn ngân sách, trong đó phần lớn là vốn trái phiếu Chính phủ.

ĐBQH tranh luận sôi nổi về hình thức đầu tư các dự án đường bộ cao tốc ảnh 3 ĐB Đặng Thuần Phong (Bến Tre) phát biểu tại hội trường Quốc hội, 11-6-2020. Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Đặng Thuần Phong (Bến Tre) cũng chỉ ra, bên Vân Nam (Trung Quốc) chỉ vài năm người ta làm tới 2.000km đường cao tốc, còn chúng ta mấy chục năm chỉ làm vài trăm km. Dự án đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam là đường huyết mạch quốc gia, dân mơ ước ngày đường làm xong, tại sao chúng ta cứ mãi ì ạch?

“3 dự án chuyển đổi này theo đánh giá chung có mã lực tốt nhất, khả năng sinh lợi và thu hồi vốn nhanh hơn nhiều so với 5 dự án còn lại. Việc phải chuyển sang đầu tư công chứng tỏ không còn đối tác”, ĐB Đặng Thuần Phong lo lắng.

ĐB Đặng Thuần Phong cũng lo nếu Quốc hội đồng ý chủ trương này chắc chắn sẽ tăng nợ công, mất cân đối trong điều hành đầu tư vốn trung hạn mà Quốc hội đã phê duyệt, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế -xã hội ở các lĩnh vực khác, Nghị quyết Quốc hội sẽ không được thực hiện nghiêm.

“Hậu quả pháp lý sẽ chuyển sang Quốc hội gánh chịu, trong khi nỗ lực của Chính phủ về vấn đề này chưa được đánh giá liệu có thỏa đáng hay không”, ĐB Đặng Thuần Phong nêu.

Theo ĐB, cần trả lời rõ 5 dự án PPP còn lại có chuyển sang đầu tư công? Nếu chuyển 3 dự án này sang đầu tư công thì có bao nhiêu dự án khác sẽ phải nhường chỗ? Tại sao chúng ta kêu gọi PPP kém, Bộ GTVT phải báo cáo rõ điều này.

ĐBQH tranh luận sôi nổi về hình thức đầu tư các dự án đường bộ cao tốc ảnh 4                       Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể. Ảnh: QUANG PHÚC

Giải  trình các ý kiến, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, hiện khâu giải phóng mặt bằng đạt khoảng hơn 70%, tuy nhiên việc đấu thầu tìm nhà đầu tư nước ngoài gặp khó khăn. 5 dự án PPP còn lại phải huy động hơn 22.000 tỷ đồng, đó là điều không phải dễ dàng, nếu không huy động được vốn thì lại phải trình Quốc hội chuyển sang đầu tư công.

“Bộ GTVT rất quyết tâm, nếu chuyển sang đầu tư công thì đẩy được tiến độ. Nếu PPP thì thủ tục rất mất thời gian”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.

Tin cùng chuyên mục