ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm: Không thể cào bằng khi phân cấp, phân quyền cho địa phương ​

Đó là ý kiến của ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm khi trả lời phỏng vấn báo chí bên lề phiên họp Quốc hội sáng nay, 30-10.

“Phân cấp, phân quyền phải được phân định bằng luật chứ không phải bằng văn bản dưới luật. Rất nhiều ý kiến ĐBQH đặt ra, ý kiến ĐBQH rất sát với thực tiễn nhưng chưa được tiếp thu. Quốc hội cần có giải pháp khắc phục ngay trong nghị quyết về vấn đề này”, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm thẳng thắn.

Về phía Chính phủ, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm phân tích: “Thủ tướng đã rất mạnh mẽ (trong phân cấp, phân quyền – PV). Tôi thấy có những quyền của Thủ tướng, Thủ tướng mạnh dạn phân cấp cho địa phương, nhưng một số bộ ngành lại không manh dạn và dường như chưa quan tâm đầy đủ đến việc phân cấp, phân quyền. Không thể để các bộ ngành kéo dài việc đó được. Vừa rồi Quốc hội đã giám sát, và nhiều vấn đề đã rõ rồi nên tôi cho rằng đây là cơ hội để Quốc hội quyết định trong nghị quyết của mình”.

Bên cạnh đó, chúng ta nói đến giảm biên chế, hội họp nhiều gây lãng phí về thời gian, kinh phí, quyết định vấn đề chậm, báo cáo có nói đến nhưng chưa phân tích sâu, chưa “điểm huyệt” đúng tình trạng này. Một việc mà cả 4 cấp đều làm, nhiệm vụ chức năng chồng chéo nhau thì đương nhiên phải họp. Cấp này lại phải xin ý kiến cấp kia, cấp kia lại xin ý kiến cấp nọ, không biết bao giờ trả lời, nên thiệt thòi trước hết là người dân và doanh nghiệp.

Một vấn đề đáng lưu ý khác, theo ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm là phải đánh giá đúng vai trò của cấp chính quyền ở phường, xã, thị trấn.

“Đây là cấp chính quyền sát dân nhất, như một cái lu, bao nhiêu nước máng xối đổ về “cái lu” này” – ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm ví von. “Tôi đề nghị cần xác định chức năng nhiệm vụ cho đúng đắn, từ đó bố trí biên chế thế nào cho đủ để làm việc, tránh việc phân biệt chuyên trách và không chuyên trách. Lằn ranh về nhiệm vụ rất mong manh, nhưng chế độ lại rất khác biệt, sinh ra không công bằng. Bên cạnh đó, chúng ta cần nâng cao thu nhập của cán bộ công chức, đủ để mức sống trung bình khá trở lên thì họ mới toàn tâm toàn ý làm việc được. Mức lương hiện nay thực sự quá thấp”, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm bình luận.

Cũng theo ĐB này, cần có cơ chế khoán kinh phí một cách chủ động cho chính quyền địa phương, tự địa phương sẽ quyết định lương cán bộ phù hợp với năng suất lao động, chức năng được giao. Như vậy, công vụ của cán bộ công chức song hành với chế độ mà họ được thụ hưởng.

ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM

Được đề nghị bình luận về nhận xét trong Báo cáo của Chính phủ về việc đội ngũ công chức địa phương, trong đó có TPHCM, vượt quy định, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm trả lời: “Vấn đề ở chỗ thời gian qua chúng ta phân biên chế có tính cào bằng. Nghĩa là không phân định được tính chất của từng địa phương: số dân, địa vị chính trị, điều kiện kinh tế, số lượng công vụ mà bộ máy ở đó phải đáp ứng. TPHCM có trên dưới 10 triệu dân, lượng công vụ ở đó gấp bao nhiêu lần địa phương khác, vậy thì tổ chức bộ máy phải tương thích với nhiệm vụ đó chứ không thể cào bằng. Nói như vậy không có nghĩa là TPHCM đã làm tốt hết, chúng tôi vẫn tính toán sắp xếp lại, theo hướng tinh giản bộ máy, đồng thời có chính sách thu hút người có khả năng vào phục vụ trong bộ máy”.

Tin cùng chuyên mục