ĐBQH mang cả túi thuốc lá lậu đến nghị trường Quốc hội

Mang đến nghị trường Quốc hội túi thuốc lá lậu mua được trong 3 ngày đi thực tế các tỉnh phía Nam, ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương cho rằng Trung ương rất quyết liệt nhưng một số địa phương dường như buông lỏng. Buôn lậu đang diễn ra sôi động cả trên biển và đất liền, nhưng chưa có giải pháp hữu hiệu.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương

Hôm nay, 31-10, Quốc hội bắt đầu phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tại hội trường. Phiên thảo luận kéo dài 2,5 ngày và được phát thanh truyền hình trực tiếp cho cử tri, nhân dân cả nước theo dõi. Trong quá trình thảo luận, các thành viên Chính phủ sẽ giải trình một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Báo cáo Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày tại phiên khai mạc Quốc hội cho biết, tất cả 13 mục tiêu Quốc hội phê duyệt năm 2017 sẽ hoàn thành, trong đó 8 chỉ tiêu đạt và 5 chỉ tiêu vượt. Tăng trưởng GDP năm 2017 dự kiến là 6,7%, vừa khớp chỉ tiêu Quốc hội giao. Sau nhiều năm, dự trữ ngoại hối đạt trên 45 tỷ USD; dư nợ công hiện khoảng 62,6%, nợ Chính phủ 51,8%, nợ nước ngoài của quốc gia 45,2% GDP.

Năm 2018, Chính phủ đặt mục tiêu GDP tăng 6,5 - 6,7%, xuất khẩu 7-8%, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội là 33 - 34% GDP. Cùng với đó, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị khống chế dưới 4%, lao động qua đào tạo 58-60%; dân số tham gia bảo hiểm y tế 85,2%...

Khi thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế yêu cầu Chính phủ đánh giá rõ hơn chất lượng các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn. Cơ quan này cũng lưu ý, các chính sách đưa ra cần tránh những rủi ro phát sinh như "bong bóng" trên thị trường chứng khoán, bất động sản…

Phần phát biểu của ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) đáng chú ý khi cho rằng, điểm nổi bật căn bản nhất của năm 2017 là dự kiến 13 chỉ tiêu đều đạt và vượt, đây là nỗ lực  rất lớn trong điều hành của Chính phủ, là niềm vui của toàn xã hội. Tuy nhiên, theo ĐB Nguyễn Sỹ Cương, ưu điểm thì lớn, hạn chế cũng rất nhiều trong bộ máy nhà nước. Đặc biệt là tình trạng "trên nóng, dưới lạnh", nhiều nơi bộ máy thờ ơ, không làm tròn nhiệm vụ. Điển hình là trong phòng chống buôn lậu, phá rừng.

Về công tác phòng chống buôn lậu, ĐB Nguyễn Sỹ Cương cho rằng Trung ương rất quyết liệt nhưng một số địa phương dường như buông lỏng, nhất là gần tới Tết Âm lịch. Buôn lậu đang diễn ra rất sôi động cả trên biển và đất liền, nhưng chưa có con số thống kê nào của cơ quan quản lý về tác động của buôn lậu đối với nền kinh tế để có giải pháp hữu hiệu.

ĐB Nguyễn Sỹ Cương kể lại chuyện tự mình mục sở thị buôn lậu thuốc lá: "Thuốc lá lậu bán công khai ở nhiều nơi ở Kiên Giang, Long An, TPHCM. Ai muốn mua thuốc lá gì cũng có. Có những điểm buôn lậu thuốc lá công khai vào những thời điểm nhất định trong ngày. Như ở Châu Đốc (Kiên Giang), xe máy chở thuốc lá công khai từng tốp từ 1-4 giờ sáng. Khi ở Châu Đốc, anh em nói phải qua Long An trước 13 giờ, chúng tôi phải hoãn ăn trưa để đến thị trấn Kiến Tường. Đó là khung giờ buôn lậu diễn ra sầm uất, xe máy chở thuốc lá buôn lậu chạy rầm rầm".
ĐBQH mang cả túi thuốc lá lậu đến nghị trường Quốc hội ảnh 2 Ngang nhiên chở thuốc lá lậu giữa ban ngày
Mang đến nghị trường Quốc hội cả túi to thuốc lá mua được trong 3 ngày đi thực tế ở các tỉnh phía Nam, ĐB Nguyễn Sỹ Cương phản ánh: Trong 3 ngày đi thực tế, chỉ mong gặp được cảnh sát hay lực lượng chống buôn lậu, nhưng tuyệt nhiên không có. “Nếu không tăng cường lực lượng chống buôn lậu thì chống buôn lậu làm sao ngăn được”, ĐB Nguyễn Sỹ Cương nêu câu hỏi.
Bên cạnh việc tăng cường chống buôn lậu, ông cho rằng, cần cân nhắc các giải pháp khác. “Chúng ta cứ đề nghị tăng thuế thuốc lá, nhưng hiện tại thuốc sản xuất trong nước 10.000 đồng/bao, nhưng thuốc lậu chỉ 4.000 đồng/bao. Vậy tăng giá trị thuốc lá vô tình kích cầu cho buôn lậu, trong khi công tác chống buôn lậu chưa mang lại kết quả. Hay đề nghị tiêu thụ trong nước và tái xuất thuốc lá lậu thì không biết tiêu thụ trong nước được bao nhiêu nhưng cơ hội để hợp thức hóa thuốc lá lậu mang lại tác hại vô cùng lớn. Còn tái xuất thì có khi chưa qua tới biên giới đã trở lại Việt Nam, vì có nhiều loại thuốc lá sản xuất chỉ để buôn bán lậu ở thị trường Việt Nam mà thôi. Chính phủ cần sáng suốt trong việc thực thi những giải pháp tăng cường chống buôn lậu”, ĐB này kiến nghị.
ĐBQH mang cả túi thuốc lá lậu đến nghị trường Quốc hội ảnh 3 Biên phòng Mỹ Quý Tây (huyện Đức Huệ - Long An) bắt giữ hàng chục ngàn gói thuốc lá lậu

Nối tiếp về tình trạng "trên nóng, dưới lạnh" mà ĐB Nguyễn Sỹ Cương đưa ra là câu chuyện đóng cửa rừng tự nhiên. “Những vụ phá rừng lớn vừa qua nói lên sự vô hiệu hóa các quyết định của Chính phủ. Tiếp xúc với các chủ rừng thì họ nói nếu không có tiếp tay của chính quyền sở tại và kiểm lâm bảo kê thì lâm lặc không thể phá rừng ghê gớm đến như vậy. Một cây to từ 70 đến 100 năm tuổi bị hạ trong mấy phút. Một trạm kiểm lâm đóng gần đó nhưng mỗi đêm có khoảng 80-100 xe máy chở 4 xúc gỗ/xe đi qua, mỗi xe phải nộp 300-400.000 đồng "tiền tiêu cực" cho kiểm lâm. Thậm chí, chính quyền chủ động phá rừng càng đáng sợ hơn.

“Không biết bao giờ lệnh đóng cửa rừng tự nhiên của Thủ tướng mới thành hiện thực?”, ĐB Nguyễn Sỹ Cương bức xúc.

Tin cùng chuyên mục