ĐBQH, Luật sư Trương Trọng Nghĩa: Nâng cao chất lượng xem xét giám đốc thẩm là rất quan trọng

“Các ủy ban hay hội đồng thẩm phán khi xét xử giám đốc thẩm phải hết sức công minh, trí tuệ và khách quan để sửa chữa những sai phạm, thiếu sót của bản án sơ, phúc thẩm, từ đó có những bản án giám đốc thẩm có sức thuyết phục cao, làm mẫu mực cho các tòa án cấp dưới, tạo được sự “tâm phục, khẩu phục” của đương sự và công luận xã hội”, ông Trương Trọng Nghĩa chia sẻ với phóng viên.

ĐBQH, Luật sư Trương Trọng Nghĩa
ĐBQH, Luật sư Trương Trọng Nghĩa

Ngày 19-6, ngày cuối cùng của Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, trao đổi với phóng viên xung quanh việc xem xét giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải, vụ án đang được ĐBQH và cử tri đặc biệt quan tâm, Luật sư Trương Trọng Nghĩa, ĐBQH TPHCM cho biết, theo luật, bản án hình sự phúc thẩm có hiệu lực thi hành ngay. Tuy nhiên, ở đa số các quốc gia, trong đó có Việt Nam, pháp luật tố tụng luôn dành cho các bị cáo hay đương sự quyền kiến nghị xem xét lại bản án phúc thẩm bằng thủ tục giám đốc thẩm.

Giám đốc thẩm là xét lại bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong thủ tục tố tụng, có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật trong việc giải quyết vụ án hoặc kết luận trong bản án, quyết định của tòa án không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án. Giám đốc thẩm là cơ hội cuối cùng của bị cáo, đương sự khi cho rằng bản án phúc thẩm bất hợp lý, trái pháp luật, gây thiệt hại cho họ.

Nếu việc xét xử sơ thẩm, phúc thẩm làm tốt thì đơn đề nghị giám đốc thẩm sẽ giảm bớt. Tuy nhiên, số lượng đơn này lại tăng lên trong các năm qua, gây áp lực cho việc xét đơn và xét xử giám đốc thẩm của tòa cấp trên, tỷ lệ giải quyết đơn chưa đạt chỉ tiêu do Quốc hội đề ra. Về chất lượng, trên nguyên tắc, bản án giám đốc thẩm phải là một sản phẩm thể hiện được tinh hoa trí tuệ, công minh, khách quan, có sức thuyết phục cao. Vừa qua, một số bản án giám đốc thẩm hình sự chẳng những các bị cáo, đương sự, mà cả các đại biểu Quốc hội cũng không đồng tình, gây bức xúc trong dư luận, như vụ án “trộm cây gỗ trắc chết khô” ở Gia Lai và vụ án Hồ Duy Hải. Thậm chí, có hai đoàn đại biểu Quốc hội gửi văn bản chính thức về một số vụ giám đốc thẩm.

Không chỉ giám đốc thẩm án hình sự, ĐB Trương Trọng Nghĩa cho biết thêm, một số trường hợp giám đốc thẩm án dân sự cũng gây "sóng gió" dư luận, thậm chí “tình hình đáng lo ngại hơn, vì nhiều bản án dân sự sơ và phúc thẩm có biểu hiện tùy tiện, trái hoặc bỏ qua các quy định pháp luật, trong khi yêu cầu cao nhất đối với thẩm phán là “độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”.

Thậm chí, có vụ, giám đốc thẩm đã hủy án sơ, phúc thẩm, chỉ rõ những sai phạm và yêu cầu khắc phục khi xét xử sơ thẩm lại, nhưng thẩm phán cấp dưới vẫn giữ nguyên quan điểm, lặp lại sai lầm khi xét xử sơ thẩm lại.

“Trước tình hình xét xử phúc thẩm dân sự có xu hướng tùy tiện, chất lượng không cao, khiến cho nhu cầu xử lý đơn kiến nghị và xét xử giám đốc thẩm đang tăng nhanh. Từ đó, vai trò xét xử giám đốc thẩm trong tố tụng dân sự ngày càng quan trọng”, Luật sư Trương Trọng Nghĩa thẳng thắn nhận định. Luật sự Trương Trọng Nghĩa nêu ví dụ điển hình là vụ án ly hôn của hai vợ chồng chủ Tập đoàn Trung Nguyên.

Theo ĐBQH, Luật sư Trương Trọng Nghĩa, nền kinh tế nước ta đã tăng trưởng mạnh trong nhiều năm qua, tầng lớp doanh nhân trung bình và “đại gia” tăng lên đáng kể. Không ít người sở hữu tài sản hàng chục ngàn tỷ, hay nắm giữ các các tập đoàn kinh tế lớn hàng trăm ngàn tỷ, với hàng vạn cổ đông lớn, nhỏ, trong và ngoài nước. Không chỉ các vụ xét xử tranh chấp về kinh doanh, thương mại mà các vụ án dân sự như thừa kế, ly hôn liên quan đến họ cũng có tác động trực tiếp, chẳng những đến quan hệ gia đình, thân tộc, đến tình cảm, danh dự, mà còn có thể gây thiệt hại không nhỏ về uy tín, về thương hiệu, ảnh hưởng các lợi ích vật chất, tài sản rất lớn.

“Các ủy ban hay hội đồng thẩm phán khi xét xử giám đốc thẩm phải hết sức công minh, trí tuệ và khách quan để sửa chữa những sai phạm, thiếu sót của bản án sơ, phúc thẩm, từ đó có những bản án giám đốc thẩm có sức thuyết phục cao, làm mẫu mực cho các tòa án cấp dưới, tạo được sự “tâm phục, khẩu phục” của đương sự và công luận xã hội”, ông Trương Trọng Nghĩa chia sẻ với phóng viên.

Tin cùng chuyên mục