ĐBQH lo cơ chế xin - cho, lợi ích nhóm khi áp dụng chỉ định thầu

Để phòng, chống tham nhũng, tránh lợi dụng chính sách trục lợi, lợi ích nhóm, dự thảo cần quy định cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực trong các nội dung của chương trình. Cần quy định cụ thể về việc Chính phủ báo cáo tình hình, tiến độ thực hiện chương trình đến với Quốc hội hàng năm.
Các đại biểu tham dự phiên thảo luận: Ảnh: VIẾT CHUNG
Các đại biểu tham dự phiên thảo luận: Ảnh: VIẾT CHUNG

Ngày 7-1, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Các ĐB đều bày tỏ tin tưởng với việc quyết định triển khai chính sách hỗ trợ đặc biệt, kịp thời đột phá, có sức lan tỏa sẽ giúp sớm phục hồi kinh tế, tạo nền tảng cho sự phát triển những năm tới, là tiền đề để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân 6,5% -7%/năm trong giai đoạn 2021-2025 như Quốc hội đề ra.

Thảo luận tại Quốc hội, nhiều ĐBQH băn khoăn các vấn đề trong dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Đối với cơ chế thí điểm cơ chế đặc thù, theo ĐB Trần Đình Văn (Lâm Đồng), chỉ áp dụng đối với các dự án hạ tầng chiến lược quy mô lớn, tương tự các dự án có tác dụng lan tỏa liên kết vùng, thúc đẩy tăng trưởng, có khả năng hấp thụ vốn và triển khai nhanh. Và chỉ nên áp dụng đối với một số dự án và phải đưa ra tiêu chí, điều kiện cụ thể, tùy loại dự án, giới hạn thời gian áp dụng nhằm hạn chế việc chỉ định thầu tràn lan.

“Thí điểm áp dụng chỉ định thầu, đấu thầu rộng rãi về lý thuyết là rất tốt, nhằm lựa chọn nhà thầu có năng lực, bảo đảm minh bạch cao, có khả năng hấp dẫn nhà đầu tư. Tuy nhiên, đấu thầu không phải là chìa khóa vạn năng. Hiện nay tình trạng "quân xanh quân đỏ", sự bất công giữa bên trúng thầu và người thực hiện thầu là những vấn đề tiêu cực đã được minh chứng trong thời gian qua”, ĐB Trần Đình Văn nói.

Do đó, chỉ định thầu chỉ nên trong một số trường hợp cần thiết, nếu thực sự cần có tư duy mạnh mẽ, đổi mới hoàn thành các dự án trọng điểm cấp bách để tránh tiêu cực như cơ chế xin - cho, lợi ích nhóm dễ phát sinh tình trạng thông thầu, đặc biệt là đối với dự án giao thông.

ĐB Trần Đình Văn đồng ý với phương án chỉ định thầu trong dự thảo Nghị quyết, nhưng không coi là hình thức thay thế hoàn toàn đấu thầu.

ĐB Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) nêu ý kiến, nguồn lực tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là khá lớn, quy định thời gian thực hiện khá ngắn, chủ yếu trong 2 năm 2022-2023. Do đó, cần đưa ra các tiêu chí, nguyên tắc rõ ràng, cần quy định thứ tự ưu tiên, các nội dung cụ thể cần làm ngay, nội dung cần triển khai từng bước để đảm bảo tính khả thi. Đồng thời, để phòng, chống tham nhũng, tránh lợi dụng chính sách trục lợi, lợi ích nhóm, dự thảo cần quy định cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực trong các nội dung của chương trình. Đồng thời, cần quy định cụ thể về việc Chính phủ báo cáo tình hình, tiến độ thực hiện chương trình đến với Quốc hội hàng năm.

ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, việc tiếp tục miễn, giảm thuế phí là phù hợp, góp phần tạo điều kiện cho doanh nghiệp tái hoạt động, giải quyết việc làm, kích thích nhu cầu phát triển kinh tế, sản xuất kinh doanh là cần thiết trong trạng thái bình thường mới. Tuy nhiên, cần quy định cụ thể áp dụng với đối tượng nào? doanh nghiệp nào?.

“Chỉ nên áp dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp có nhiều lao động, hợp tác xã, các doanh nghiệp có sức lan tỏa, nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp kích thích hoạt động, tăng vốn đầu tư yên tâm sản xuất kinh doanh…”, ĐB Phạm Văn Hòa phát biểu.

ĐBQH lo cơ chế xin - cho, lợi ích nhóm khi áp dụng chỉ định thầu ảnh 1 ĐB Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội). Ảnh: VIẾT CHUNG

Trong khi đó, ĐB Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội), Nguyễn Thị Sửu (Thừa Thiên-Huế) và các ý kiến đều kiến nghị Chính phủ bổ sung, làm rõ hơn mối quan hệ biện chứng của chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ trong việc tạo ra khả năng chống chịu, thích ứng hấp thụ nguồn lực trong hạn định 2 năm, để trên cơ sở đó dự báo những rủi ro nguy cấp của nền kinh tế - xã hội và cần phải vượt qua.

Các ĐB đồng tình với 5 nhóm giải pháp đã được Chính phủ đưa ra, nhất là các giải pháp về đầu tư để nâng cao năng lực y tế dự phòng, y tế cơ sở, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, khơi thông nguồn lực cho đầu tư phát triển. Đối với chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, đại biểu kiến nghị bổ sung miễn, giảm tiền thuê đất đối với lĩnh vực du lịch, dịch vụ để kích cầu phục hồi một cách tích cực và hiệu quả, vì đây là một trong những lĩnh vực chịu tác động lớn do dịch Covid-19 thời gian qua.

Các ĐB cũng đồng tình với việc chi đầu tư phát triển tối đa là 176.000 tỷ đồng để tập trung triển khai trong 2 năm 2022-2023. Đại biểu cho rằng, phải đảm bảo nguyên tắc điều hòa nguồn vốn đầu tư công trong chương trình ưu tiên vốn cho các dự án trọng điểm có tác dụng lan tỏa liên kết vùng, thúc đẩy tăng trưởng, có khả năng hấp thụ vốn để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành trong hai năm 2022, 2023. Đồng thời đồng tình bổ sung 102.000 tỷ đồng để bổ sung kế hoạch đầu tư công của năm 2022 cho các chương trình, dự án thuộc chương trình phục hồi phát triển kinh tế-xã hội đã có đủ thủ tục theo quy định.

Đáng chú ý, nhiều ĐB đều có chung đề nghị Quốc hội, Chính phủ dành nhiều sự quan tâm đầu tư xây dựng các tuyến đường cao tốc, vì đó là mạch máu của nền kinh tế, góp phần khơi thông nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Tin cùng chuyên mục