Dạy văn hóa trong trường nghề - Gỡ khó cho chương trình 9+

Học văn hóa trong trường nghề ra sao hiện là mối quan tâm lớn của phụ huynh, học sinh. Có học sinh xác định học nghề là định hướng đi vòng để lên các bậc học cao hơn. Vì vậy việc liên thông kiến thức có thuận lợi hay không, cũng là một tiêu chí để người học chọn nghề lập nghiệp.

Lợi kép

 Cầm tấm bằng tốt nghiệp nghề điện công nghiệp và dân dụng, Nguyễn Thành Công (quận 6), phấn khởi chia sẻ năm 2017, Công tốt nghiệp THCS. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên em không thi THPT mà ở nhà phụ giúp việc buôn bán của gia đình. Gần 1 năm ở nhà, Công nhận ra mình cần có nghề để lập nghiệp nên quyết định đi học nghề tại Trường Cao đẳng Kinh tế - kỹ thuật TPHCM. Quá trình học hệ 9+ trung cấp, Công tham gia học chương trình GDTX cấp THPT. Sau kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020, Công tiếp tục học liên thông lên hệ cao đẳng.

Khác với Công, bạn Lê Nguyễn Thiên Kim (huyện Củ Chi) sau tốt nghiệp THCS 2010, đi làm công nhân tại Khu công nghiệp Tân Phú Trung. Công việc bấp bênh, thu nhập không ổn định, Kim rẽ hướng học nghề tại Trường Cao đẳng Nghề TPHCM. Sau 4 năm, vừa có bằng tốt nghiệp THPT hệ GDTX vừa có bằng kế toán doanh nghiệp đã giúp Kim công việc ổn định với mức thu nhập hơn 10 triệu đồng/tháng. 

Cũng xác định đi học nghề khi còn là học sinh THCS, Trần Thành Chung Bảo, lớp 9/8 Trường THCS Tân Tạo A (Bình Tân) và các bạn tìm hiểu thông tin hệ 9+ trung cấp rồi mạnh dạn làm hồ sơ đăng ký học nghề du lịch tại Trường Cao đẳng Quốc tế TPHCM.

Bảo kể, thấy chị gái khi học xong trung cấp, có việc làm ổn định nên em quyết định theo học hệ trung cấp song song với chương trình GDTX cấp THPT. “Lớp của em có 50 bạn thì có 7 bạn cũng chọn học nghề như em. Sau này, có điều kiện em sẽ học tiếp lên cao hơn”, Bảo chia sẻ.

Thực tế đào tạo tại các trường thuộc khối GDNN (trung cấp và cao đẳng) cho thấy, lợi ích lớn nhất đối với học sinh sau THCS khi học hệ 9+, sau từ 2,5 - 4 năm học ra trường, học sinh có trong tay bằng trung cấp hoặc cao đẳng và bằng tốt nghiệp THPT thay vì phải mất 3 năm học THPT cộng với 2 năm học nghề.

Chia sẻ về việc này, TS Phạm Đức Khiêm, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật TPHCM, cho biết, thời gian qua nhà trường vẫn thực hiện việc đào tạo các môn văn hóa cho học sinh tốt nghiệp THCS học nghề theo Thông tư 16 của Bộ GD-ĐT bằng việc liên kết với Trung tâm GDNN-GDTX quận 6 và quận 11. Trong 2,5 năm, học sinh được học chuyên ngành, đồng thời với 4 môn văn hóa (Toán, Văn, Lý, Hóa). Chỉ cần hoàn thành 4 môn này và có bằng trung cấp, học sinh đã có thể học liên thông lên bậc cao hơn. Học sinh nào muốn dự thi tốt nghiệp THPT thì đăng ký 7 môn văn hóa thay vì học 12 môn như ở trường THPT.

“Việc này giúp học sinh tiết kiệm thời gian để ôn thi tốt nghiệp THPT và rèn kỹ năng nghề. Mặt khác, học sinh THCS học nghề còn được miễn 100% học phí học chương trình GDTX cấp THPT và trung cấp”, TS Phạm Đức Khiêm nói thêm. 

Dạy văn hóa trong trường nghề - Gỡ khó cho chương trình 9+ ảnh 1 Giờ học văn hóa THPT hệ GDTX tại Trường Cao đẳng Quốc tế TPHCM
“Nút thắt” lớn nhất ở Bộ GD-ĐT

Theo Tổng cục GDNN (Bộ LĐTB-XH), hiện cả nước có hơn 300.000 học sinh THPT vừa học văn hóa vừa học nghề. Kỳ thi THPT vừa qua cho thấy, học sinh học văn hóa tại trường nghề có kết quả cao, đơn cử Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng, hiện có 6.000 học sinh tốt nghiệp THCS theo học hệ 9+, trong đó 500 em đăng ký học văn hóa THPT hệ GDTX thì cả 500 em đều đậu tốt nghiệp; Cao đẳng Quốc tế TPHCM cũng có 50/50 học sinh đậu tốt nghiệp; Cao đẳng Nghề TPHCM có tỷ lệ học sinh đậu tốt nghiệp đạt 95% (trên 200 học sinh); Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật TPHCM hệ trung cấp có 920 học sinh, gần 520 em đăng ký học văn hóa hệ GDTX…

Năm 2020, các cơ sở GDNN của TPHCM đã đào tạo và cung cấp cho thị trường gần 142.000 người; tỷ trọng nguồn nhân lực sau đào tạo GDNN ở TPHCM đạt 14,83% ở 4 ngành công nghiệp trọng yếu, 82,49% ở 9 ngành dịch vụ và 2,67% của 8 nghề tự do dịch chuyển lao động trong khối ASEAN.

Kết quả trên được xã hội đánh giá tích cực, có đóng góp quan trọng từ mô hình 9+. “Đây là giải pháp căn cơ được các cơ sở GDNN khẳng định giúp cởi trói cho các trường trong công tác tuyển sinh, đào tạo nguồn nhân lực. Nhưng riêng việc đào tạo văn hóa ở hệ 9+ vẫn còn là câu chuyện nan giải, bởi vẫn tồn tại suy nghĩ là học sinh không đủ khả năng theo học văn hóa mới đi học nghề”, ông Trần Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hội GDNN TPHCM, chia sẻ. 

Theo ông Tuấn, hiện các trường đại học được tự chủ tuyển sinh, hình thức xét tuyển hồ sơ phổ biến. Luật Giáo dục đại học cũng cho phép các trường được tuyển sinh từ nguồn có bằng trung cấp, cao đẳng. Nhiều trường ký kết với các trường cao đẳng để tiếp nhận học sinh, sinh viên học liên thông. Pháp luật hiện nay cũng không phân biệt bằng cấp chính quy, tại chức hay liên thông nên về cơ bản quyền của người học được đảm bảo. Một số trường đại học cho rằng, học sinh THCS chưa đủ năng lực để học hệ cao đẳng, nên không tiếp nhận học sinh hệ cao đẳng 9+ học liên thông. Ở góc độ xã hội, nhiều phụ huynh cũng có tâm lý e ngại khi cho con theo học chương trình 9+. Lý do, chương trình học nghề cao đẳng thường khá nặng, không phải học sinh nào cũng theo được.

Ông Trần Anh Tuấn khẳng định: “Nút thắt lớn nhất hiện nay chính là việc Bộ GD-ĐT chưa đưa ra văn bản để công nhận, chứng nhận được khối lượng kiến thức văn hóa THPT cho các đối tượng có nhu cầu học liên thông”.

TS Trần Kim Tuyền, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề TPHCM: Trao quyền cho các trường nếu đủ điều kiện



Thời gian qua, Bộ LĐTB-XH đề xuất phát triển các chương trình đào tạo 9+, nhận được sự ủng hộ lớn của xã hội. Rất nhiều gia đình lựa chọn các chương trình này cho con em theo học thay vì học THPT. Nhiều chương trình được thiết kế liên thông tổng thể, tích hợp gồm học nghề, học văn hóa để có bằng cao đẳng cho học sinh tốt nghiệp THCS được đánh giá cao, phù hợp với lứa tuổi của các em. Bộ GD-ĐT nên tạo cơ chế, trao quyền cho các trường nghề được dạy văn hóa cho học sinh theo mô hình 9+ nếu đáp ứng đủ điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và quản trị được chất lượng đầu ra theo quy định. 

Tin cùng chuyên mục