Dạy trực tuyến cho học sinh tiểu học: Nội dung tinh giản, thời gian linh hoạt

Trải qua một tuần học trực tuyến, dù còn nhiều khó khăn do là học kỳ đầu tiên dạy học hoàn toàn qua internet nhưng với sự chủ động và sáng tạo, các thầy cô giáo ở bậc tiểu học đã tạo nên những giờ học sinh động, mới lạ tạo sự thích thú cho học sinh.

Tạo không khí học tập thoải mái

Có mặt tại một giờ học trực tuyến của học sinh lớp 1/1, Trường Tiểu học Đống Đa (quận Tân Bình), ghi nhận cho thấy không khí lớp học sôi nổi ngay phút đầu tiên. Cô Phạm Minh Trang, giáo viên chủ nhiệm khởi động tiết học bằng một bài nhảy tập thể trên nền nhạc của bài hát được nhiều học sinh yêu thích là Baby Shark.

Cô và trò đều bật camera, cùng nhau vỗ tay, nhún nhảy theo tiết tấu sôi động của bài hát. Cô Trang cho biết, để giúp học sinh có trạng thái tinh thần tốt nhất, giáo viên đã nhờ phụ huynh hỗ trợ nhắc nhở các con dậy sớm, ăn sáng đầy đủ, mặc trang phục lịch sự ngồi vào bàn học, tránh tâm lý buồn ngủ, uể oải. 

Suốt thời gian diễn ra tiết học, các hoạt động học tập liên tục được triển khai thông qua hình thức trò chơi giúp học sinh không cảm thấy nhàm chán. Đơn cử, với phép tính 1+1 = 2, thay vì cho học sinh thụ động ngồi trước màn hình máy tính gõ đáp án, giáo viên đã lồng ghép hoạt động vẽ tranh qua việc yêu cầu các em cắt 2 bảng trả lời hình tam giác và hình tròn, trang trí và tô màu theo sở thích.

Sau đó, học sinh nào chọn kết quả của phép tính là “2” sẽ giơ bảng trả lời hình tam giác, bạn nào chọn đáp án là “3” sẽ đưa hình tròn. Tiết học càng trở nên sôi động với nhiều trò chơi tương tác như ghép chữ tìm kho báu, thu hoạch câu trả lời đúng để xây dựng nông trại… Tất cả câu hỏi, hình ảnh và hiệu ứng trên các trò chơi đều được giáo viên thiết kế theo hình thức hoạt hình, tạo cho trẻ sự thích thú.

“Thời điểm này, tâm lý và sự hợp tác của học sinh quan trọng hơn kiến thức. Phụ huynh không nên tạo áp lực cho con mà cần phối hợp với giáo viên tạo không khí học tập thoải mái, động viên để tạo sự yêu thích học tập cho học sinh”, cô Minh Trang bày tỏ. 

Dạy trực tuyến cho học sinh tiểu học: Nội dung tinh giản, thời gian linh hoạt ảnh 1 Giáo viên tiểu học ở TP Thủ Đức dạy học qua internet 

Với cô Nguyễn Thị Đan Thùy, giáo viên lớp 3, Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc (quận Bình Thạnh), để chuẩn bị cho tiết Tập viết tuần 7 với chủ đề “Chữ hoa E và Ê”, giáo viên này đã đầu tư nhiều hình ảnh trực quan sinh động cho bài giảng. Song song với việc trình chiếu các file Power Point, cô Thùy còn lồng ghép một số đoạn phim ngắn hướng dẫn cách viết chữ.

Ngoài ra, sau khi học sinh ghi nhớ được cách viết chữ hoa E và Ê, cô Thùy đã kết hợp cho học sinh luyện viết từ ứng dụng “Ê - đê”, kết hợp giới thiệu sơ lược về dân tộc này nhằm tạo sự hứng thú và kích thích khả năng ham học hỏi của học sinh. Tương tự, với môn Tập làm văn với chủ điểm “Tình cảm gia đình”, cô Thùy trình chiếu một đoạn phim hoạt hình, sau đó đặt câu hỏi khơi gợi khả năng suy nghĩ của học sinh.

Giáo viên này chia sẻ, bí quyết để dạy học trực tuyến hiệu quả là cô - trò thống nhất nội quy lớp học trước khi vào học trực tuyến để duy trì sự nghiêm túc nhưng không gây căng thẳng cho học sinh. 

Đa dạng hóa hình thức dạy học

Theo cô Tống Thị Mai Hương, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Hòa Bình (quận 1), để có được một clip dạy học cô đọng kiến thức trong 15 - 20 phút, giáo viên phải họp bàn để chốt mạch kiến thức theo chủ đề, từ đó xây dựng giáo án, lên ý tưởng tổ chức, sưu tầm phim ảnh, thiết kế bài dạy trình chiếu. Sau khi chuẩn bị chỉn chu, kỹ lưỡng tư liệu bài giảng, giáo viên mới tiến hành ghi âm, ghi hình.

Trong suốt quá trình chuẩn bị giáo án, thầy cô phải liên tục tìm tòi, sáng tạo những ý tưởng mới nhằm mang đến tài liệu học tập cô đọng, hấp dẫn nhất với học sinh. Để việc học tập và tiếp thu kiến thức của học sinh đạt hiệu quả, phụ huynh cần đồng hành trong việc hỗ trợ con học tập tại nhà thông qua tự học như xem video clip bài giảng trên truyền hình, YouTube, sách giáo khoa, sách tham khảo...  

Đối với môn tiếng Anh, cô Nguyễn Hồ Thụy Anh, nguyên cán bộ phụ trách tiếng Anh, Phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD-ĐT TPHCM) bày tỏ, sách giáo khoa chậm đến tay học sinh do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng qua đó giúp giáo viên linh hoạt dạy học theo tinh thần chương trình giáo dục phổ thông mới.

Cô phân tích, giáo viên cần sắp xếp nội dung dạy học theo chủ đề, chủ điểm, không lệ thuộc vào sách giáo khoa, thay vào đó tận dụng kho tàng truyện tranh, bài hát, trò chơi khổng lồ trên internet, dạy học theo kiểu “đóng gói kiến thức” các mẫu câu, từ vựng tiếng Anh, sau đó hướng dẫn sử dụng nhờ phụ huynh hỗ trợ trẻ tại nhà.

Việc hỗ trợ không đòi hỏi phụ huynh phải giỏi tiếng Anh mà chỉ cần mở các bài nhạc, tạo điều kiện cho trẻ tiếp xúc với mẫu câu, từ vựng tiếng Anh, kết hợp trò chơi như tô màu, tìm thẻ chữ, thử thách trẻ liên hệ từ vựng tìm đồ vật trong nhà...

“Phụ huynh không nên nóng ruột, không bắt trẻ lặp lại theo mình, không đóng vai phiên dịch mà hãy để trẻ tự tiếp thu một cách tự nhiên và làm chủ kiến thức”, cô Thụy Anh chia sẻ.

Sở GD-ĐT TPHCM lưu ý, giáo viên hạn chế sử dụng thời gian dạy qua internet yêu cầu học sinh viết hay làm bài tập vào vở, thay vào đó tổ chức hoạt động đa dạng, không bắt buộc học sinh quan sát trong thời gian dài trên màn hình máy tính hoặc thiết bị kỹ thuật số, ưu tiên dạy học với nội dung kiến thức mới, giải đáp thắc mắc, tổ chức hoạt động tương tác, không gây áp lực đối với học sinh…

Tin cùng chuyên mục