Đẩy nhanh xã hội hóa thoát nước, xử lý nước thải

Biến đổi khí hậu đã và đang tác động tới nhiều ngành nghề, lĩnh vực, khu vực. Ở đô thị, một trong các vấn đề cấp thiết, nhiều thách thức hiện nay là kiểm soát thoát nước, chống ngập úng và xử lý nước thải (XLNT). Theo Hội Cấp thoát nước Việt Nam, để có thể đáp ứng yêu cầu công tác thoát và xử lý nước thải đô thị, Việt Nam cần một nguồn vốn đầu tư khoảng 8-10 tỷ USD. 
Dự án cống điều tiết Cây Khô (địa phận 2 huyện Bình Chánh và Nhà Bè) chống ngập úng cho khu vực TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Dự án cống điều tiết Cây Khô (địa phận 2 huyện Bình Chánh và Nhà Bè) chống ngập úng cho khu vực TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Mới xử lý 12,5-15% nước thải đô thị 

Theo Bộ Xây dựng, phần lớn ở các đô thị Việt Nam, hệ thống thoát nước chủ yếu là hệ thống thoát nước chung (một vài đô thị có một phần hệ thống thoát nước riêng là Huế, Đà Lạt, Bình Dương, Cần Thơ). Tỷ lệ đấu nối, thu gom và XLNT của hệ thống thoát nước hiện nay còn thấp. Hệ thống thoát nước đô thị được đầu tư xây dựng qua nhiều thời kỳ khác nhau, không hoàn chỉnh, không đồng bộ, nhiều tuyến cống xuống cấp nên khả năng tiêu thoát nước thấp; việc bê tông hóa kênh mương cũng đang góp phần vào việc hạn chế thoát nước gây ra tình trạng ngập úng đô thị. Nước thải hầu như chưa được xử lý và xả thẳng ra kênh, rạch. Đến nay, tỷ lệ thu gom XLNT sinh hoạt đô thị chỉ đạt 12,5%-15%. 

Theo một số công ty cấp thoát nước đô thị, việc thu gom và XLNT hiện nay vẫn còn những khó khăn do thiếu các công trình đầu tư xử lý. Tốc độ phát triển đô thị nhanh nên việc thu gom, XLNT không theo kịp, còn chồng chéo giữa các đơn vị dẫn đến hiệu quả chưa cao. Đại diện Công ty Thoát nước Hà Nội cho rằng, quy hoạch hạ tầng đô thị Hà Nội, trong đó có quy hoạch thoát nước đã được phê duyệt nhưng quá trình thực hiện không đồng bộ, không phát huy hiệu quả. Nhiều khu vực đô thị đầu tư hệ thống thoát nước hoàn chỉnh nhưng không có nguồn tiêu. Đặc biệt, các công trình đầu mối, hệ thống thoát nước chưa theo kịp tốc độ đô thị hóa. 

Tại TPHCM, ông Lý Thọ Đắc, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Đô thị TPHCM, cho biết Quy hoạch 1547 và Quy hoạch 752 về thoát nước đô thị đã không còn phù hợp, bởi lượng mưa và triều cường ngày càng diễn biến phức tạp, thường cao hơn so với dự báo. Ngoài ra, công tác quản lý hệ thống thoát nước phân cấp cho nhiều đơn vị dẫn đến sự chồng chéo, thiếu sự phối hợp linh hoạt. Đơn cử, với hệ thống thoát nước cấp 1 (sông, kênh, rạch) có tới 4 đơn vị phụ trách là Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật, Sở NN-PTNT, UBND quận huyện và Khu quản lý đường thủy.

Ông Lý Thọ Đắc kiến nghị, TPHCM cần xem xét thêm việc điều chỉnh và đồng bộ các quy hoạch thoát nước sao cho phù hợp với thực tế. Theo đó, cần xây dựng các quy hoạch thoát nước chi tiết cho khu vực vùng ven đồng thời, cần xem xét thật kỹ lưỡng quy hoạch cốt nền khi phát triển đô thị. Công tác quản lý cũng cần được nghiên cứu mô hình phù hợp hơn. Hệ thống thoát nước phải được quản lý theo lưu vực và trên mỗi lưu vực cần thống nhất một đơn vị quản lý vận hành, nhất là đề xuất các cơ chế đặc thù dành cho lĩnh vực hoạt động công ích. 

Thu hút đầu tư tư nhân 

Giải pháp xã hội hóa để thu hút đầu tư trong ngành nước là việc cấp thiết hiện nay. Theo đó, việc xã hội hóa trong đầu tư không chỉ giảm được gánh nặng tài chính cho Nhà nước mà còn nâng cao năng lực cung cấp các dịch vụ xử lý nước cho cộng đồng.

Ông Nguyễn Ngọc Điệp, Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam, lý giải, hiện tỷ lệ XLNT qua các trạm xử lý tập trung còn thấp, mới đạt khoảng 15%. Nhiều năm qua, việc kêu gọi thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân rất khó khăn. Trên thực tế, những công trình đầu tư XLNT, công trình thoát nước đòi hỏi vốn rất lớn trong khi giá dịch vụ còn thấp (khoảng 10%-15% hóa đơn tiền nước) nên chưa hấp dẫn nhà đầu tư. Do vậy, để khuyến khích doanh nghiệp tham gia lĩnh vực này cần xây dựng chính sách khuyến khích đầu tư dài hạn, cần cơ chế tuyển chọn nhà đầu tư công khai, minh bạch để tìm nhà đầu tư có năng lực về tài chính, kỹ thuật và quản lý.

Cùng chia sẻ, ông Lương Ngọc Khánh, Trưởng phòng Quản lý Thoát nước và Xử lý nước thải, Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng, cho biết hiện Chính phủ đang ưu tiên quan tâm, nỗ lực tiến hành các hoạt động cải thiện thu gom thoát nước và XLNT. Thủ tướng đã giao Bộ Xây dựng chủ trì xây dựng Luật Cấp thoát nước. Việc xây dựng Luật Cấp thoát nước là hết sức cần thiết, là công cụ pháp lý, quản lý nhà nước có hiệu quả góp phần đẩy mạnh xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại cho ngành nước.

Hiện nay, có khoảng 50 nhà máy XLNT tổng công suất thiết kế khoảng 1,8 triệu m3/ngày đang thiết kế và xây dựng, trong đó khoảng 80% nhà máy thiết kế, xây dựng áp dụng công nghệ bùn hoạt tính. Thời gian tới, bộ sẽ tính toán để điều chỉnh các yếu tố về giá, quy trình đầu tư… nhằm tạo điều kiện để thu hút mạnh mẽ doanh nghiệp tham gia, góp phần cải thiện hạ tầng thoát nước cho tỉnh thành, nhất là các thành phố lớn.

Tin cùng chuyên mục