Đẩy nhanh tiến độ bàn giao mặt bằng dự án Cảng hàng không Long Thành

Đồng Nai nằm ở trung tâm vùng Đông Nam bộ, có siêu dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (sau đây gọi tắt là sân bay Long Thành) đang được triển khai. Cơ hội mà dự án mang lại cũng như vấn đề đảm bảo giao thông kết nối, phát huy hiệu quả to lớn của dự án đang được nhiều người quan tâm.

Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi cùng ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, xoay quanh vấn đề này. 

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng giới thiệu về tiến độ giải phóng mặt bằng dự án sân bay Long Thành (Ảnh chụp trước ngày 1-4-2020)

- PHÓNG VIÊN: Xin ông cho biết, dự án sân bay Long Thành có ý nghĩa như thế nào đối với sự phát triển của tỉnh Đồng Nai?

Ông CAO TIẾN DŨNG: Đây là công trình trọng điểm quốc gia, có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của tỉnh Đồng Nai, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. Việc triển khai dự án sẽ thúc đẩy tăng trưởng, chuyển đổi cơ cấu kinh tế địa phương và vùng; tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người lao động. Đồng thời giúp phát triển hệ thống giao thông kết nối với TPHCM và vùng phụ cận, phát triển hệ thống các dịch vụ - thương mại phong phú, đặc biệt là có thể phát triển mô hình thành phố sân bay, bao gồm các trung tâm công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, logistics… 

- Các phần việc của dự án liên quan đến tỉnh Đồng Nai hiện đang được triển khai đến đâu, thưa ông?

Dự án sân bay Long Thành đã được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư và tách nội dung thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án độc lập. Tỉnh đang ưu tiên tập trung các nguồn lực thực hiện công tác bồi thường giao đất sạch cho nhà đầu tư, đảm bảo theo tiến độ dự kiến. Cụ thể: Khu vực xây dựng cảng hàng không quốc tế là 5.000ha. Đối với khu vực ưu tiên (1.810ha), tỉnh đã hoàn thành kiểm đếm 1.145 hộ gia đình, cá nhân với diện tích 630ha; còn lại là đất của Tổng công ty Cao su Đồng Nai, đã được UBND tỉnh ban hành quyết định thu hồi đất và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ. Khu vực còn lại (3.190ha), đối với đất của Cao su Đồng Nai, tỉnh đã chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ xong; đơn vị này đã bàn giao mặt bằng sạch. 

Đối với hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn (282,35ha), UBND tỉnh đã phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và tổng dự toán xây dựng các hạng mục ưu tiên, đang tổ chức đấu thầu; các hạng mục công trình còn lại (12 khu vực, điện, cấp nước), dự kiến đấu thầu trong tháng 5-2020. Về các công trình xã hội, tỉnh đang tổ chức điều chỉnh, cập nhật hồ sơ thiết kế cơ sở và tổng mức đầu tư theo Nghị định 68/2019/NĐ-CP để trình duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án thành phần, dự kiến tổ chức đấu thầu trong quý 4-2020.

Với phân khu 3 khu tái định cư Bình Sơn (81,86ha), UBND tỉnh có quyết định phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500; đang điều chỉnh, cập nhật hồ sơ thiết kế cơ sở và tổng mức đầu tư theo Nghị định 68/2019/NĐ-CP để trình duyệt lại Báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án thành phần. Tỉnh cũng đã hoàn chỉnh cập nhật dữ liệu giai đoạn 1 được 9.405/10.000 phiếu điều tra theo dự án đào tạo, dạy nghề. Sau khi có quyết định thu hồi đất và phê duyệt phương án bồi thường, tỉnh sẽ tiến hành triển khai công tác đào tạo nghề theo nhu cầu người dân và theo định hướng nhu cầu tuyển dụng từ đơn vị chủ đầu tư dự án.

- Quốc lộ 51 từ Biên Hòa đi Vũng Tàu đang rất quá tải, vậy khi triển khai dự án cảng hàng không có làm cho con đường thêm quá tải không và giải pháp của tỉnh là gì?

Hiện nay, trên tuyến quốc lộ 51 tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra, đặc biệt là các ngày cuối tuần, lễ, tết. Khi cảng hàng không đưa vào khai thác sẽ gia tăng áp lực phương tiện cho hệ thống giao thông đường bộ tại khu vực, nhất là trên tuyến quốc lộ này. Ngày 7-2, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản đồng ý giao UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, hướng tuyến song song về phía Tây và cách quốc lộ 51 khoảng 1-2km. Tuyến có vai trò kết nối Đồng Nai, sân bay Long Thành với cảng quốc tế Thị Vải - Cái Mép, chia sẻ lưu lượng nên sẽ giải quyết được vấn đề ùn tắc giao thông trên tuyến quốc lộ 51 hiện nay. UBND tỉnh cũng đã kiến nghị Bộ GTVT nghiên cứu đầu tư cải tạo các nút giao trên tuyến quốc lộ 51 với cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, nút giao với đường 25B bằng hình thức cầu vượt hoặc hầm chui, để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông trên quốc lộ 51.

- Tỉnh Đồng Nai có kiến nghị gì với Trung ương về đầu tư phát triển hệ thống giao thông kết nối trong thời gian tới?

Để phát huy hiệu quả của dự án sân bay Long Thành, Quốc hội đã nhất trí bổ sung 2 tuyến giao thông đường bộ kết nối vào cảng hàng không. UBND tỉnh Đồng Nai kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi sân bay Long Thành để có cơ sở triển khai thu hồi đất 2 tuyến kết nối này. Đồng thời kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam đầu tư xây dựng trước tuyến số 1 để làm đường công vụ, phục vụ thi công sân bay; kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT nghiên cứu mở rộng cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây lên 8-10 làn xe, đảm bảo đáp ứng nhu cầu cho việc kết nối sân bay Long Thành với TPHCM; đẩy nhanh việc triển khai xây dựng đường Vành đai 3 đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch, tuyến này sẽ kết hợp với tuyến 25B của đô thị mới Nhơn Trạch nối ra quốc lộ 51.

Tỉnh cũng kiến nghị Bộ GTVT nghiên cứu triển khai thực hiện dự án đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - sân bay Long Thành, đường sắt sân bay Long Thành - sân bay Tân Sơn Nhất, đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam đoạn TPHCM - Nha Trang và đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu để chia sẻ lưu lượng cho hệ thống giao thông đường bộ.

Tin cùng chuyên mục