Đẩy nhanh phương pháp giáo dục trực quan

Ngày 14-5 tới đây, tại Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) sẽ diễn ra Ngày hội STEM 2017 với chủ đề “Hành tinh tương lai”.
Trong bối cảnh hiện nay, giáo dục STEM được coi là phương pháp giáo dục hiện đại, hiệu quả, nhất là trong việc kích thích sự sáng tạo, niềm đam mê nghiên cứu khoa học công nghệ (KH-CN) của học sinh. Từ 3 năm nay, trong khuôn khổ Ngày hội KH-CN Việt Nam, Tạp chí Tia Sáng và cộng đồng giáo dục STEM, dưới sự bảo trợ của Bộ KH-CN đã tổ chức ngày hội STEM như là một cơ hội để học sinh làm quen với việc phát triển ý tưởng sáng tạo và hướng nghiệp ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, còn các nhà quản lý giáo dục và giáo viên thì được tiếp cận phương pháp học qua hành hướng tới từng học sinh.
Đẩy nhanh phương pháp giáo dục trực quan ảnh 1 Học sinh Việt Nam tham dự cuộc thi  Robotics quốc tế. Ảnh: Khánh Bình
Trong ngày hội, học sinh được thăm các phòng thí nghiệm của USTH và thực hiện một số thí nghiệm nhỏ; được trải nghiệm một tiết học định hướng STEM; trải nghiệm một số hoạt động liên quan đến thiết kế chế tạo hay robotics như lắp mô hình ô tô mặt trời, lập trình. Các em sẽ được trực tiếp đề xuất giải pháp cho các vấn đề thực tế của cuộc sống, như tạo ra điện từ thức ăn, hay cùng nhau xem trình diễn robot dò đường, đá bóng… Học sinh cũng sẽ được trải nghiệm một số hoạt động như tập làm index, làm đồ tái chế, giải mật mã, xếp gỗ, làm xe bóng bay, làm con rối, làm thí nghiệm vui như vòi rồng, đĩa nhựa bay, bong bóng xà phòng khổng lồ, pháo dây cháy trong cốc nước, xem trình diễn robot xếp rubic… Đặc biệt, học sinh THPT được làm một số thí nghiệm Vật lý, Hóa học, Sinh học; thử sức giải đáp kiến thức liên quan đến năng lượng tái tạo, phát triển bền vững bằng tiếng Anh…
Giáo dục STEM là phương thức trang bị cho người học những kiến thức và kỹ năng cần thiết liên quan đến các lĩnh vực KH-CN, kỹ thuật và toán học. Giáo dục STEM thiên về ứng dụng thực hành giúp học sinh vận dụng được các kiến thức và kỹ năng của 4 lĩnh vực trên để tạo ra những sản phẩm thiết thực cho cuộc sống hàng ngày, từ đơn sơ nhất như giày dép, mỹ phẩm, quần áo, sách vở đến các sản phẩm phức tạp như máy điện quang, laser, điện thoại, máy tính… Ở Việt Nam, Bộ GD-ĐT đã lựa chọn 16 trường để dạy thí điểm môn STEM. Từ năm 2016 đến  nay, hơn 1.000 lượt giáo viên ở Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh... đã được tập huấn dạy các môn STEM.
Có thể thấy, với phương pháp giáo dục trực quan sinh động như vậy, học sinh sẽ được kích thích khả năng sáng tạo, tìm hiểu khoa học. Thật thú vị khi các em học sinh có thể sẽ trải nghiệm cách tạo ra điện từ một số thức ăn như khoai tây, chanh, giấm, nước muối, coca... hay lắp mô hình ô tô chạy bằng năng lượng mặt trời và các mạch điện thông minh. Ngoài ra, các em được trải nghiệm những thí nghiệm khó xảy ra trong cuộc sống. Như vậy, học sinh có thể áp dụng kiến thức toán - lý - hóa vào những công việc hàng ngày, hiểu hơn bản chất của những môn học, từ đó không “sợ” nó nữa.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký Chỉ thị 16/CT-TTg về việc tăng cường năng lực tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó nêu rõ cần tập trung vào thúc đẩy đào tạo về KHCN, kỹ thuật và toán học (STEM) trong chương trình giáo dục phổ thông. Vai trò của giáo dục STEM trong cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ rất rõ ràng. Điều đó đòi hỏi ngành giáo dục cần tăng tốc hơn trong việc vận dụng nhiều hơn phương pháp giáo dục hấp dẫn này, nhất là trong quá trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới tới đây. Đây cũng là hoạt động giáo dục trang bị kiến thức và kỹ năng sống để học sinh có thể phát triển ý tưởng sáng tạo và hướng nghiệp ngay từ tuổi học trò. Tuy nhiên, muốn làm tốt phương pháp giáo dục này thì cần phải đầu tư cơ sở vật chất trường lớp, cũng như  tập huấn kỹ cho lực lượng giáo viên. 

Tin cùng chuyên mục