Đẩy nhanh chuyển đổi số, thúc đẩy phát triển

Tuy ngành tài chính thời gian qua đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong ứng dụng công nghệ thông tin như hải quan điện tử, nộp thuế điện tử, thậm chí giám sát cán bộ điện tử… Thế nhưng, để tiếp tục phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2025, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai vẫn yêu cầu ngành tài chính phải đẩy nhanh chuyển đổi số và coi phát triển tài chính điện tử hướng tới tài chính số là nhiệm vụ then chốt của ngành. Bởi theo Thứ trưởng, chuyển đổi số không cần nhiều cơ sở vật chất mà cần thay đổi tư duy…
Doanh nghiệp tại TPHCM thực hiện việc khai thuế qua mạng. Ảnh: CAO THĂNG
Doanh nghiệp tại TPHCM thực hiện việc khai thuế qua mạng. Ảnh: CAO THĂNG

Đi nhanh và đi đầu 

Ngành tài chính đuợc đánh giá là đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào các hoạt động nghiệp vụ tài chính, như quản lý thu chi ngân sách nhà nước, thanh toán điện tử và quản lý trái phiếu Chính phủ, quản lý trong lĩnh vực thuế - hải quan, triển khai thuế điện tử - hải quan điện tử, cơ chế một cửa quốc gia và một cửa ASEAN; quản lý nợ công, quản lý giá, quản lý tài sản công; quản lý giám sát thị trường tài chính và quản lý dự trữ nhà nước cùng các nhiệm vụ, nghiệp vụ quản lý nội ngành.

Lãnh đạo Bộ Tài chính cho rằng, chuyển đổi số là cuộc cách mạng về chính sách và thể chế nhiều hơn là cuộc cách mạng về công nghệ. Cho nên cần thay đổi quan điểm chuyển đổi số là chuyện của các đơn vị làm CNTT mà phải hiểu chuyển đổi số là thời đại. Mở ra cơ hội một cách toàn diện đến từng doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan, người dân ở mọi lĩnh vực. Việt Nam muốn thay đổi thì phải đi nhanh và đi đầu để có lợi thế cạnh tranh. Do vậy, từ nay đến cuối năm, ngành tài chính sẽ tiếp tục đổi mới thể chế, cơ chế chính sách quản lý tài chính theo hướng đơn giản hóa, công khai, minh bạch; đi đôi với việc nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ mới. Cải tiến, đổi mới quy trình nghiệp vụ phải theo hướng tăng tính liên thông thì mới tăng cường hiệu quả, hiệu lực của công tác quản lý. 

Giám sát công vụ qua mạng

Thời gian qua, ngành tài chính triển khai nhiều ứng dụng, công cụ công nghệ thông tin phục vụ doanh nghiệp, người nộp thuế. Nay, Cục Thuế Hà Nội triển khai thí điểm việc hiện đại hóa công tác quản lý nội bộ, kiểm soát việc thực thi công vụ của mỗi cán bộ, công chức thuế thông qua ứng dụng quản trị công việc điện tử (V-Office). Điều này không những minh bạch trong quản lý mà còn giúp lãnh đạo giám sát nhằm hạn chế tiêu cực của cán bộ với người dân, doanh nghiệp.

Thông qua ứng dụng V-Office, các lãnh đạo có thể biết được nhân viên của mình thực thi nhiệm vụ như thế nào. Đồng thời, V-Office còn giúp đơn giản hóa việc trình ký và quản lý văn bản (cán bộ có thể ký duyệt và xem văn bản mọi lúc mọi nơi); trao đổi nội bộ, giúp nhắc nhở và thông tin đến nhân viên một cách kịp thời, nhanh chóng; tạo dựng thư viện tài liệu phục vụ cho công việc theo từng nhóm; quản lý, tra cứu thông tin cá nhân, đơn vị một cách chính xác nhất… 

Theo ông Mai Sơn, Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội, hiện Hà Nội đã có 98% doanh nghiệp kê khai qua mạng, trên 96% doanh nghiệp nộp thuế bằng phương thức điện tử. Đơn vị cũng triển khai đề án đánh giá sự hài lòng của người nộp thuế đối với cơ quan thuế, giúp cơ quan thuế hoàn thiện hơn, hướng tới xây dựng cơ quan thuế hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu lực và hiệu quả.

Thậm chí, Cục Thuế Hà Nội đang có đề án gửi Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính, cho phép thu thuế qua máy chấp nhận thẻ (POS) nhằm hiện đại hóa công tác thu nộp ngân sách nhà nước tại trụ sở cơ quan thuế, tạo thuận tiện nhất cho người nộp thuế. Nếu đề án POS được chấp nhận, cùng với việc thanh toán qua ngân hàng, ví điện tử thì người nộp thuế có thể nộp thuế mọi lúc mọi nơi mà không phải đến kho bạc nộp thuế.

Tin cùng chuyên mục