Dạy ngoại ngữ thời chuyển đổi số

Chuyển đổi số chẳng phải câu chuyện xa vời, mà hiện diện ngay trong từng giáo án bài giảng, từng tiết học của thầy và trò. Mỗi một sự dịch chuyển trong nhận thức và hành động của các thầy cô giáo, cơ sở giáo dục là từng bước chất lượng giáo dục đang chuyển mình.
Học sinh Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa học tiếng Anh tại thư viện trực tuyến của trường
Học sinh Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa học tiếng Anh tại thư viện trực tuyến của trường

Thầy và trò “gặp nhau” nhiều hơn 

Việc học tiếng Anh của học sinh Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa trong 2 năm nay thay đổi rất nhiều. Trước khi học bài mới, học sinh đăng nhập vào thư viện trực tuyến của trường xem trước bài giảng, không thích bài giảng này có thể “click chuột” bỏ qua, chọn cách giảng khác. Đến giờ học trên lớp, thầy cô dành trọn thời gian để dạy kiến thức mới, mở rộng vấn đề và giải đáp thắc mắc, bài tập được giao vào Google classroom. Còn chỗ nào không hiểu, trò lại “réo” thầy. Giờ đây, mỗi bài học không chỉ gói gọn trong 45 phút, thay vào đó tìm hiểu nhiều hơn, tương tác nhiều hơn, vốn từ vì thế cũng nhiều lên đáng kể. 

Từ ngày Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa số hóa bài giảng, học liệu, ngân hàng câu hỏi thì học sinh được giao quyền quyết định việc học của chính mình. Trong đó, tiếng Anh là môn học có nhiều sự “lột xác” nhất.  

Thầy Lại Huy Hoàng, giáo viên tiếng Anh Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, cho biết: “Tổ ngoại ngữ đã bắt đầu số hóa các tài liệu học tập từ năm học 2020-2021 nhưng đến năm học 2021-2022 mới chuyển đổi mạnh mẽ, đưa toàn bộ học liệu, bài giảng lên thư viện trực tuyến thành kho học liệu chung cho thầy và trò sử dụng. Bài giảng điện tử có 3 hình thức (gồm power point và prezi, clip, ghi âm bài giảng) để học sinh lựa chọn. Ngoài ra, thầy cô còn xây dựng ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm với format giống các kỳ thi như thi tốt nghiệp THPT, thi học sinh giỏi… để học sinh rèn luyện”.

Theo thầy Hoàng, sự biến chuyển lớn nhất là cả thầy và trò đều đặt mình vào trạng thái chủ động, người học thấy hứng thú và tích cực hơn.  

Phải nghĩ lớn để đi xa!

Năm học 2019-2020, EMG Education - đơn vị triển khai chương trình tiếng Anh tích hợp tại TPHCM - đã đầu tư triển khai hệ thống học liệu trực tuyến LMS (Learning Management System). Hệ thống cho phép học sinh truy cập kho học liệu trực tuyến mọi lúc, mọi nơi với những tài liệu số được thiết kế riêng cho từng bậc học để các em có thể ôn tập nội dung đã học, tìm hiểu trước về bài giảng tiếp theo. Đối với giáo dục đại học, hệ thống học liệu trực tuyến này không có gì lạ nhưng ở nhà trường phổ thông, thời điểm đó, nhiều thầy cô vẫn còn lạ lẫm. 

Chưa dừng lại đây, năm học 2021-2022, học sinh được ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) vào học ngoại ngữ. Các em luyện tập phát âm từ vựng và cấu trúc câu tiếng Anh với một hệ thống AI có khả năng đánh giá và đưa ra những phản hồi chi tiết giúp người học điều chỉnh để nghe nói tiếng Anh một cách tự nhiên và chuẩn xác.

Ông Nguyễn Đức Trung, Giám đốc phát triển công nghệ của EMG Eduaction, cho biết, trong năm học 2022-2023, chúng tôi sẽ đưa công nghệ blockchain và metaverse vào giảng dạy. Đó là môi trường học tập trong thế giới ảo, với tính năng cho phép giáo viên giảng dạy dựa trên các mô hình xây dựng trong không gian 3D nhằm tăng tính thực tế và trực quan cho trải nghiệm học tập của học sinh. 

Khi không còn bị giới hạn bởi những điều kiện về vật lý của mô hình giảng dạy truyền thống, học sinh có quyền lựa chọn và tự quyết định quá trình học tập của bản thân”, ông Trung cho biết.

Không phải ngẫu nhiên mà TPHCM đã 6 năm liên tục đều dẫn đầu về tiếng Anh. TPHCM có điểm trung bình môn tiếng Anh tại kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 cao nhất nước với 6,4 điểm. Theo các chuyên gia giáo dục, việc TPHCM có điểm trung bình môn tiếng Anh cao nhất nước là phù hợp với thực tế dạy và học ngoại ngữ hiện nay.

Tin cùng chuyên mục