Dạy nghề ở TPHCM: Thành công với mô hình “đào tạo kép”

Giai đoạn 2015-2020, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo nghề trên địa bàn TPHCM đạt 85,2% (chỉ tiêu là 85%). Việc “đào tạo kép” đã thu hẹp khoảng cách giữa đào tạo và sử dụng lao động. Chỉ tiêu về dạy nghề đạt được góp phần quan trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở đô thị lớn như TPHCM.
Học viên ngành Cơ điện tử, Trường Trung cấp nghề Kỹ thuật - Công nghệ Hùng Vương (TPHCM) trong giờ học. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Học viên ngành Cơ điện tử, Trường Trung cấp nghề Kỹ thuật - Công nghệ Hùng Vương (TPHCM) trong giờ học. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Học nghề được “bao” việc làm

Trước khi học nghề, Cao Văn Minh (Trường Trung cấp nghề Kỹ thuật - Công nghệ Hùng Vương, TPHCM) đã học hết năm 2 Trường Đại học Giao thông vận tải TPHCM. Đang học đại học, song Minh cảm thấy bản thân không tìm thấy mục tiêu để tiếp tục nên quyết định rẽ sang học trường nghề. Trong đợt thi tay nghề quốc gia lần thứ 10-2018 được tổ chức tại Hà Nội, Cao Văn Minh đã đoạt Huy chương vàng ngành Bảo trì máy CNC (hệ thống máy tiện cơ khí được điều khiển bằng máy tính).

Vừa tốt nghiệp ra trường, Minh có việc làm ngay tại Công ty TNHH DENSO Việt Nam, với mức lương gần 20 triệu đồng/tháng. Minh tâm sự: “Lúc đầu, tôi phải rất cố gắng để vượt qua rào cản tâm lý của gia đình, họ hàng. Tuy nhiên, sau khi giành huy chương vàng thi tay nghề, ba mẹ tôi rất vui và nhận ra lựa chọn của tôi là đúng. Đến nay, ba mẹ và tôi có thể tự tin trả lời với mọi người rằng, học nghề tại một trường trung cấp cũng có thu nhập cao và công việc ổn định”.

Minh là một trong hàng ngàn học sinh, sinh viên của Trường Trung cấp nghề Kỹ thuật - Công nghệ Hùng Vương có việc làm ngay khi tốt nghiệp, thu nhập ổn định. Không những thế, Minh còn làm cầu nối đưa các bạn học viên, sinh viên của trường tới thực tập, thực hành khi trường này triển khai mô hình “đào tạo kép”. Đây là chương trình có 30% thời lượng lý thuyết học tại trường và 70% thời lượng thực hành tại doanh nghiệp. Theo bà Phạm Quang Trang Thủy, Hiệu trưởng nhà trường, từ năm 2018, cùng với việc được trao quyền tự chủ tuyển sinh, bước đột phá của trường là “đào tạo kép”. Trường đã liên kết với khoảng 500 doanh nghiệp hỗ trợ học viên, sinh viên về học phí, “bao tiêu” đầu ra.

Dạy nghề ở TPHCM: Thành công với mô hình “đào tạo kép” ảnh 1 Học viên ngành Cơ điện tử, Trường Trung cấp nghề Kỹ thuật - Công nghệ Hùng Vương (TPHCM) trong giờ học. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Còn tại Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức (TDC - TPHCM), hàng năm có trên 3.000 học sinh, sinh viên theo học. Đồng thời, hàng năm TDC có khoảng 7.000 học viên theo học hệ sơ cấp và dạy nghề thường xuyên. Để tiếp cận với trình độ đào tạo của khu vực và quốc tế, TDC hiện có 7 ngành đào tạo được đưa vào danh mục các ngành, nghề trọng điểm. Trong đó, trường nhận chuyển giao chương trình đào tạo từ Đức và Nhật Bản. Người học nghề có cơ hội nhận bằng kép của Việt Nam và Đức sau khi tốt nghiệp; được đảm bảo có việc làm trong các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Freesia tại Việt Nam, lãnh thổ Đài Loan, Nhật Bản. “Nhờ tiếp cận với môi trường làm việc thực tế từ 500 doanh nghiệp liên kết qua mô hình đào tạo kép, nên hàng năm có gần 20% học sinh, sinh viên có việc làm khi vẫn còn ngồi trên ghế nhà trường. Tỷ lệ học sinh, sinh viên sau tốt nghiệp có việc làm ngay đạt trên 80%, sau 6 tháng đạt 100%”, ông Phạm Quang Tuấn, Phó Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ. 

Bám sát các ngành trọng yếu

TPHCM có 4 ngành công nghiệp trọng yếu: Cơ khí; Điện tử - Công nghệ thông tin; Chế biến tinh lương thực - thực phẩm; Hóa chất - nhựa - cao su. Đây là những ngành đang cần nhiều lao động. Để cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho TPHCM, ông Phạm Quang Tuấn cho biết, TDC bám sát 4 nhóm ngành công nghiệp trọng yếu của TPHCM và xây dựng chiến lược đào tạo các ngành, nghề trọng điểm đạt cấp độ quốc tế, ASEAN và cấp độ quốc gia. Các nhóm ngành, nghề trọng điểm bình quân hàng năm thu hút khoảng 1.000 sinh viên theo học. Sau tốt nghiệp, các em có công việc làm đúng ngành nghề với mức lương khởi điểm từ 7-10 triệu đồng/tháng.

Tương tự, Trường Trung cấp nghề Kỹ thuật - Công nghệ Hùng Vương cũng bám sát 4 nhóm ngành công nghiệp trọng yếu của TPHCM và triển khai thành các nghề: Cơ điện tử; Bảo trì hệ thống thiết bị cơ khí (chuẩn quốc tế); Cắt gọt kim loại (chuẩn khu vực); và nhiều nghề đạt chuẩn quốc gia. Người học những ngành nghề này đều có việc làm với mức lương khởi điểm từ 7-15 triệu đồng/tháng, tùy vào từng vị trí công việc cũng như kỹ năng nghề của học viên.

Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM Lê Minh Tấn cho hay, đến nay, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo nghề đạt 85,2%. Trong đó, tỷ lệ qua đào tạo ở các ngành công nghiệp dịch vụ và công nghiệp trọng yếu đạt 87%. TPHCM đã xây dựng được 14 trường chất lượng cao và có nghề trọng điểm gắn với các lĩnh vực mũi nhọn của TPHCM. Chương trình đào tạo từng bước hiện đại, gắn kết nhà trường với doanh nghiệp theo mô hình “đào tạo kép” nên tỷ lệ người học nghề có việc làm đạt rất cao, từ 85% trở lên. 

Để thu hẹp dần khoảng cách giữa đào tạo và nhu cầu lao động của thị trường, ông Lê Minh Tấn cho biết, TPHCM tiếp tục đổi mới đào tạo theo hướng mở, tiếp cận với thực tế sản xuất. Đồng thời, chú trọng đào tạo các kiến thức liên quan đến kỹ năng làm việc (làm việc nhóm, làm việc độc lập, làm việc liên ngành). Cùng với đó, TPHCM chú trọng hình thành tư duy, ý thức khởi nghiệp cho người học nghề; đào tạo đạt chuẩn khu vực và thế giới, có đánh giá trình độ ngoại ngữ. Việc này giúp người lao động có thể thích ứng được với các môi trường làm việc khác nhau, nhất là trong bối cảnh nhiều ngành nghề mà việc làm chưa từng tồn tại trước đó, hay sử dụng công nghệ mới trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Trong 5 năm, TPHCM tạo được hơn 671.200 việc làm mới, vượt chỉ tiêu về việc làm mới mà Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ TPHCM đề ra (chỉ tiêu là 625.000 việc làm mới). Bình quân mỗi năm, TPHCM giải quyết việc làm cho hơn 312.600 lượt lao động, trong đó, có hơn 134.200 việc làm mới (tăng 8,4% so với bình quân nhiệm kỳ 2010-2015). TPHCM đẩy mạnh tổ chức các sàn giao dịch việc làm trực tiếp và trực tuyến, đặc biệt chú trọng tổ chức sàn giao dịch việc làm tại các huyện xa trung tâm TPHCM để người lao động có điều kiện tìm kiếm việc làm. Tư duy việc làm của người lao động cũng thay đổi, không “xin” việc làm, mà “tìm kiếm” việc làm phù hợp theo thị trường lao động.

Tin cùng chuyên mục