Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường

Trong bối cảnh khó khăn chung, tỉnh Long An vẫn đang  tích cực triển khai thực hiện công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm gắn với xây dựng thương hiệu, hàng hóa của tỉnh. 
Long An có ưu thế trong cung cấp gạo chất lượng cao cho TPHCM, các tỉnh thành trong nước và xuất khẩu
Long An có ưu thế trong cung cấp gạo chất lượng cao cho TPHCM, các tỉnh thành trong nước và xuất khẩu

Ngoài ra, việc kết nối cung cầu với các tỉnh, thành nhất là TPHCM để thúc đẩy tiêu thụ nông sản, sản phẩm tiêu biểu, sản phẩm OCOP… được tỉnh quan tâm dù gặp không ít trở ngại do dịch Covid-19.

Tìm đầu ra cho nông sản

Bà Châu Thị Lệ, Phó Giám đốc Sở Công thương Long An, cho biết, trên cơ sở tìm hiểu nhu cầu của các doanh nghiệp (DN), Sở Công thương xây dựng chương trình xúc tiến thương mại, tổ chức các chương trình khảo sát thị trường, kết nối tiêu thụ, gặp gỡ đối tác… để xúc tiến tiêu thụ nông sản, sản phẩm tiêu biểu, sản phẩm OCOP của tỉnh. Qua đó, sở đã hỗ trợ cho nhiều DN, HTX của tỉnh tham gia kết nối giao thương với các DN, HTX của các tỉnh, thành phố trong cả nước; kết nối tiêu thụ với bếp ăn tập thể có đông công nhân trên địa bàn tỉnh; tham gia khảo sát thị trường, hội chợ thương mại.

Nhờ đó mà công tác xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ hàng hóa góp phần quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, nhất là nông sản của tỉnh; nhiều DN, HTX đã ký hợp đồng tiêu thụ, phát triển kênh phân phối, trong đó, nhiều hợp đồng đã duy trì ổn định và tăng về số lượng. Đến nay đã có hơn 200 hợp đồng được ký kết với TPHCM, chợ đầu mối Dầu Giây (Đồng Nai), siêu thị Tứ Sơn (An Giang), siêu thị Thiên Đường (Tây Ninh)… 

Hiện Sở Công thương Long An cũng đã triển khai kết nối vào hệ thống siêu thị Bách hóa Xanh; đưa sản phẩm từ nông sản như rượu, đậu phộng xuất qua thị trường Campuchia; kết nối tiêu thụ chuối vào hệ thống siêu thị Aeon tại Malaysia. Chưa hết, nhiều chương trình kết nối với các tỉnh, thành phố khác trong cả nước như Lào Cai, Lạng Sơn, Hà Nội… cũng được triển khai thực hiện.
Ngoài ra, ngành chức năng còn tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến tiêu thụ nông sản trên sàn giao dịch thương mại điện tử. Kết nối mở gian hàng trên các trang bán hàng online như Lazada.vn, Sendo.vn; thường xuyên cập nhật thông tin về chủ trương, cơ chế, chính sách, thông tin thị trường lên trang thông tin điện tử của Sở Công thương và triển khai trực tiếp đến các DN, HTX trên địa bàn tỉnh. 

Cũng theo bà Châu Thị Lệ, ngoài tập trung đẩy mạnh xúc tiến thương mại trong nước để tìm đầu ra cho nông sản, việc xúc tiến kết nối với các DN, hệ thống phân phối nước ngoài cũng được quan tâm thực hiện từ năm 2016 đến nay. 

Năm 2021, tỉnh tổ chức hội nghị thông tin thị trường Trung Quốc và cẩm nang xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc; cung cấp thông tin về thị trường thực phẩm Halal; xét chọn DN xuất khẩu uy tín năm 2020 (gồm 12 DN)… Tiếp tục thực hiện chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030; tích cực phối hợp hỗ trợ DN cung cấp tài liệu làm luận chứng chống lại cáo buộc bán phá giá và trợ cấp liên quan đến các DN xuất khẩu trên địa bàn tỉnh.

“Thời gian tới, tỉnh Long An chủ trương tiếp tục triển khai thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại trong tình hình mới, đặc biệt là phát triển thương mại điện tử; liên kết với các sàn thương mại điện tử, tận dụng group kết nối zalo với DN, với các tỉnh thành; đặc biệt kết nối các hộ dân, HTX với hệ thống phân phối nhất là thị trường TPHCM. Bởi nói cho cùng, sản xuất nông sản sạch là cơ sở cho đầu ra ổn định; phát triển thương mại điện tử là xu thế tất yếu. Các chương trình này cũng được hộ dân, HTX, DN tham gia đồng hành”.

Ông Nguyễn Minh Lâm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An

Xây dựng chuỗi sản xuất, cung cứng hàng hóa

Có thể nói chương trình kết nối cung cầu hàng hóa giữa TPHCM và các tỉnh đã trở thành hoạt động thiết thực hỗ trợ các DN kết nối tiêu thụ sản phẩm. Nhờ sự kết nối này, nhiều sản phẩm hàng hóa của Long An được quảng bá, kết nối đến các kênh phân phối và người tiêu dùng ở TPHCM.

Bà Tống Ngọc Mỹ Linh, chủ cơ sở sản xuất lạp xưởng, nem nướng Mỹ Linh ở thị trấn Tầm Vu (huyện Châu Thành, Long An) cho biết, TPHCM là thị trường lớn, nhờ chương trình kết nối cung cầu hàng hóa mà nhiều DN, hộ sản xuất kinh doanh… có cơ hội đẩy mạnh bán hàng, mở rộng thị phần tại TPHCM. 

Theo Sở Công Thương tỉnh Long An, lợi thế lớn nhất của Long An trong việc xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu dùng là tiếp giáp với TPHCM và là cửa ngõ của khu vực ĐBSCL. Nhờ đó, mà nhiều năm qua, quan hệ thương mại 2 chiều giữa Long An và TPHCM ngày càng phát triển, sản phẩm hàng hóa của tỉnh luôn chiếm tỷ trọng lớn tại thị trường TPHCM. 

Với việc kết nối cung cầu từ nhiều năm qua, nhiều sản phẩm hàng hóa của Long An đã cung cấp ổn định cho người tiêu dùng TPHCM, đặc biệt trên lĩnh vực tiêu thụ nông sản. Cũng từ đây, từng bước xây dựng “chuẩn hóa” hàng hóa khi đưa vào thị trường TPHCM phải bảo đảm an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, yêu cầu về bao bì, sơ chế... đã tác động tích cực đến người sản xuất, làm thay đổi hành vi của người sản xuất.

Cũng nhờ tác động từ thị trường TPHCM mà Long An đã xây dựng được 17 chuỗi cung ứng nông sản an toàn cho các mặt hàng rau, gạo, thịt gà, thịt heo, thịt bò, thủy sản và đang tiếp tục xây dựng 3 chuỗi cho thanh long, rau, nấm. Nhiều mô hình sản xuất sạch, sản xuất theo hướng hữu cơ đang được triển khai. 

Đẩy mạnh thương mại điện tử

Để mở rộng kênh phân phối, tiêu thụ sản phẩm, xúc tiến thương mại, Long An đã hỗ trợ các DN, HTX bán hàng trên sàn thương mại điện tử. Hàng năm, tỉnh tổ chức tập huấn kiến thức về thương mại điện tử cho các DN, HTX. Duy trì, hỗ trợ DN, HTX tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử. Phối hợp Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam hỗ trợ DN, HTX tham gia bán hàng trực tuyến trên Lazada, Alibaba và Amazon. Xây dựng Bộ Thương hiệu trực tuyến cho 12 DN của tỉnh để hỗ trợ DN, HTX tiếp cận và tăng cường quảng bá trực tuyến. Hỗ trợ DN, HTX kết nối, tham gia gian hàng Việt trực tuyến trên các trang thương mại điện tử. Hỗ trợ DN, HTX kết nối trực tuyến với các đối tác nước ngoài theo chương trình của Bộ Công thương.

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều chuỗi cung ứng sản xuất hàng hóa bị đứt gãy (trong nước nhiều chợ, DN, cửa hàng dừng hoạt động; lưu thông khó khăn kể cả trong nội tỉnh; sức mua thấp; thị trường xuất khẩu gặp khó khăn), trong khi nhiều nông sản đến mùa thu hoạch với sản lượng lớn khó tìm đầu ra.

Sở Công thương Long An đã thực hiện nhiều biện pháp để phát triển thị trường trong nước, đẩy mạnh lưu thông hàng hóa, nâng cao tính kết nối giữa sản xuất với thị trường theo chuỗi cung ứng, nhất là chuyển các hoạt động xúc tiến thương mại sang hình thức thương mại điện tử, kết nối trực tuyến. Phát huy tối đa group zalo giao thương các tỉnh, zalo Hiệp hội Doanh nghiệp Long An, zalo Đồng hương Long An… để quảng bá, kết nối tiêu thụ; đưa nông sản giới thiệu lên sàn thương mại điện tử.

Nhờ vậy mà đến nay, rất nhiều nông sản của tỉnh tham gia sàn Postmart, Lazada, Sendo…. Phối hợp với các sàn thương mại điện tử, DN, HTX cung ứng hàng hóa thực hiện đóng hàng tại kho DN, HTX; đang triển khai hỗ trợ các sản phẩm như gạo, thanh long, chanh, chuối tham gia xuất khẩu qua sàn thương mại điện tử Alibaba…

Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là việc kết nối, chuyển từ hợp đồng nguyên tắc sang hợp đồng thương mại còn hạn chế. Như đối với các hệ thống phân phối hiện đại thường yêu cầu đầu mối cung cấp (nguồn hàng lớn, mặt hàng đa dạng), đảm bảo nguồn cung ổn định, tiêu chuẩn chất lượng, quy cách, bao bì, mẫu mã sản phẩm, điều kiện giao hàng (thời gian giao hàng, địa điểm giao tại tổng kho), ràng buộc trách nhiệm của bên cung cấp nên nhiều DN, HTX của tỉnh ngại không dám ký hợp đồng; cũng có DN, HTX không muốn ký hợp đồng tiêu thụ (ít ràng buộc hơn). Cũng có trường hợp giữa các bên chưa đồng thuận về chi phí để hàng hóa vào hệ thống phân phối, về chiết khấu, thanh toán… 

Tuy nhiên, cũng có một số DN, HTX chưa tích cực, chủ động tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, thương mại điện tử (do nguồn lực của DN, HTX còn hạn chế về nhân lực, kinh phí, kỹ năng, điều kiện); chưa chủ động đề xuất thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm hàng hóa theo định hướng thị trường của doanh nghiệp, HTX.

Ước tính mỗi ngày/đêm, thông qua chợ đầu mối Bình Điền và Hóc Môn, lượng hàng hóa nông sản của Long An về TPHCM bình quân 1.300-1.500 tấn. Trong đó, rau củ quả khoảng 600 tấn; thịt gia súc trên 360 tấn; thịt gia cầm 270 tấn; thủy sản khoảng 50 tấn… Hiện nay, TPHCM đóng vai trò quan trọng trong định hướng, dẫn dắt thị trường sản xuất nông sản, cũng như các mặt hàng khác của Long An nói riêng và các tỉnh khác nói chung.

Tin cùng chuyên mục