Đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch nông sản vào thị trường khó tính

Giá trị xuất khẩu nông sản năm 2018 ước đạt hơn 40 tỷ USD. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia kinh tế, kim ngạch xuất khẩu nông sản Việt Nam có thể đạt hơn số trên nếu đáp ứng tốt hơn các tiêu chuẩn kỹ thuật của các thị trường nhập khẩu, nhất là thị trường của các nước phát triển. 
Đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch nông sản vào thị trường khó tính

Đó là khẳng định của nhiều chuyên gia tham dự chuỗi diễn đàn “Đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch nông sản vào thị trường khó tính” diễn ra tại TPHCM ngày 21-12, do Hội Hàng Việt Nam chất lượng cao phối hợp với Bộ Công thương tổ chức.

Mới 5% nông sản đạt tiêu chuẩn toàn cầu

Phân tích thực trạng xuất khẩu nông sản Việt Nam tại các thị trường quốc tế, bà Vũ Thị Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Hàng Việt Nam chất lượng cao, cho biết mặc dù tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản thực phẩm Việt Nam đạt trên 40 tỷ USD, cán cân thương mại xuất siêu gần 8 tỷ USD, đặc biệt Việt Nam đang được xếp thứ hạng 15 trên toàn cầu về xuất khẩu nông sản thực phẩm, nhưng tăng trưởng ngành nông nghiệp vẫn bị đánh giá là thiếu bền vững.

Phần lớn nông sản nước ta xuất khẩu tiểu ngạch vào thị trường Trung Quốc. Chỉ có 5% nông sản xuất khẩu Việt Nam đạt tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế và xuất khẩu chính ngạch vào thị trường các nước khó tính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Theo các báo cáo nghiên cứu khảo sát, tình trạng được mùa mất giá hoặc được giá mất mùa vẫn thường xuyên xảy ra tại nhiều địa phương. Thậm chí, ngành nông nghiệp Việt Nam còn được ví von là ngành nông nghiệp “giải cứu”. Chỉ cần thương lái Trung Quốc ngưng nhập khẩu nông sản thì tình trạng tồn dư, rớt giá nông sản lại tái diễn.

Về phía chính quyền địa phương cũng chưa có sự tính toán nhu cầu thị trường đủ sát để tư vấn người dân và doanh nghiệp (DN) chủ động lập kế hoạch trồng trọt và sản xuất. Hơn nữa, những tiêu chuẩn rào cản kỹ thuật tại các nước trên thế giới thường xuyên thay đổi nhưng các cơ quan chức năng liên quan lại chậm cập nhật. Do đó, có tình trạng người dân và DN trồng trọt và sản xuất ồ ạt, đến khi vào vụ thì không thể tiêu thụ hết trong thị trường nội địa và không thể xuất khẩu vì không đáp ứng tiêu chuẩn toàn cầu cũng như tiêu chuẩn của từng thị trường.

Đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch nông sản vào thị trường khó tính ảnh 1 Thanh long tươi được phép xuất khẩu vào Hàn Quốc. Ảnh: CAO THĂNG
Ở một góc độ khác, các chuyên gia tư vấn thực hành sản xuất sạch theo tiêu chuẩn GlobalGAP tại Việt Nam cho rằng, các nông dân, DN sản xuất nông sản tại Việt Nam vẫn chưa chủ động tiếp cận được các giải pháp thực hành trồng trọt đạt chuẩn toàn cầu ngay từ đầu. Mặt khác, trở ngại lớn nhất của DN và nông dân Việt Nam chính là tâm lý gắng đạt chứng nhận tiêu chuẩn nhằm đối phó với các cơ quan kiểm tra hoặc tổ chức, đối tác yêu cầu.

Do vậy, ngay sau khi đã đạt được các chứng nhận tiêu chuẩn cần thì không tuân thủ các cam kết về chất lượng, tiêu chuẩn an toàn về môi trường. Trên thực tế, có rất ít sản phẩm nông sản Việt Nam tham gia được vào trong chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu.

Sản xuất sạch - visa thông hành của nông sản Việt

Để chấm dứt tình trạng “giải cứu nông sản”, từng bước đẩy mạnh xuất khẩu nông sản vào thị trường khó tính, theo các chuyên gia kinh tế, nhất thiết phải chuẩn hóa, nâng chất hàng hóa thông qua thực hành tốt theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, HACCP… ngay từ khâu gieo trồng và sản xuất. Ngoài ra, DN cần chú trọng đúng mức đầu tư cho bao bì, mẫu mã sản phẩm, đăng ký thương hiệu, thực hiện truy xuất nguồn gốc… để gia tăng giá trị và đưa nông sản Việt vươn xa hơn.

Ông Việt Anh, đại diện GlobalGAP tại Việt Nam, cho biết đạt tiêu chuẩn GlobalGAP là một trong những công cụ và tiêu chuẩn để hàng hóa có thể “thông hành” quốc tế. Tiêu chuẩn GlobalGAP có 2 cấp độ khác nhau là cấp độ cơ bản và trung gian. Tiêu chuẩn mỗi cấp độ có khác nhau nên DN và nông dân có thể lựa chọn hình thức phù hợp với khả năng đáp ứng của mình.

Tuy nhiên, nếu chỉ đạt được tiêu chuẩn GlobalGAP không thì chưa đủ, mà tổ chức, cá nhân được chứng nhận cần thực hiện cam kết của mình lâu dài sau khi đạt chứng nhận. Những thông tin chất lượng sản phẩm cam kết sẽ được công khai, minh bạch trên thị trường. Về phía tổ chức GlobalGAP, sau khi chứng nhận đạt tiêu chuẩn cho tổ chức, cá nhân sẽ không cho phép sử dụng logo dán trên sản phẩm mà chỉ cấp mã số.

Mã số này cho phép người tiêu dùng có thể kiểm tra thông tin sản phẩm chỉ với thao tác quét mã số bằng điện thoại thông minh. Ngoài ra, việc không cho phép dán Global GAP còn giúp DN tránh tình trạng hàng giả, hàng nhái và sử dụng logo không kiểm soát trên thị trường.

Các chuyên gia cũng dự báo trong thời gian tới, thị trường bán lẻ nông sản, thực phẩm Việt có nhiều tín hiệu lạc quan. Trong đó, 3 lĩnh vực được ưu tiên hàng đầu của người tiêu dùng liên quan đến an toàn thực phẩm, sức khỏe và các vấn đề về môi trường. Đặc biệt, xu hướng sử dụng sản phẩm hữu cơ, hướng đến những sản phẩm sạch, an toàn tăng lên, nhất là người dân khu vực thành thị.

Ông Nguyễn Công Luận, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang (ANTESCO), cho rằng để có thể bắt kịp xu hướng tiêu dùng, DN cũng như người nông dân cần chủ động ứng dụng công nghệ mới trong hoạt động trồng trọt và sản xuất, đáp ứng yêu cầu vấn đề truy xuất nguồn gốc sản phẩm, tuân thủ tiêu chuẩn ISO, GMP, ISO, HACCP, GlobalGAP, Orangnic… và cao hơn là phải tự giác tuân thủ các quy định về trách nhiệm xã hội.

Ông Nguyễn Quốc Toản, Quyền Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), nhấn mạnh trong thời gian tới, các cơ quan chức năng sẽ sớm định hướng thị trường, gắn với quy hoạch vùng trồng, vùng sản xuất và các giải pháp nhằm bảo đảm sự ổn định cho nông nghiệp Việt Nam.

Trong đó, chú trọng hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản thực phẩm Việt Nam đáp ứng yêu cầu của các thị trường phát triển, tạo nền tảng để sản phẩm Việt tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, từng bước giảm tình trạng xuất khẩu nông sản thô, chưa qua chế biến, không theo chính ngạch. Đồng thời, tăng nội lực sản xuất, chế biến của DN, góp phần tăng giá trị xuất khẩu cho nông sản Việt. 

Tin cùng chuyên mục