Đẩy mạnh tiết kiệm năng lượng trong ngành công nghiệp

Trong giai đoạn 2011-2015, tổng mức tiêu thụ năng lượng của cả nước đã đạt được mục tiêu tiết kiệm 5% - 8%, tương đương với việc tiết kiệm khoảng 11 - 17 triệu TOE (đơn vị tiêu thụ năng lượng). Để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tiết kiệm năng lượng hiệu quả, Chính phủ đã phê duyệt Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030, đề ra mục tiêu đạt mức tiết kiệm năng lượng 8% - 10%. 

Tiềm năng tiết kiệm cao

Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công thương đã khẳng định việc phải xây dựng và ban hành các chính sách, quy định về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả của nền kinh tế là rất cấp thiết trong bối cảnh thiếu hụt nguồn cung năng lượng.

Đặc biệt là tốc độ tăng trưởng tiêu thụ điện hàng năm bằng 1,5 - 1,6 lần so với tốc độ tăng trưởng GDP. Bên cạnh đó, cường độ năng lượng (lượng năng lượng cần sử dụng trên một đơn vị GDP) hiện nay đang cao gấp 5 lần so với các quốc gia phát triển (như Nhật Bản, châu Âu) và cao hơn các nước ASEAN (như Thái Lan) khoảng 20% - 30%.

Trong khi, lĩnh vực công nghiệp bao gồm các ngành có mức tiêu thụ năng lượng chủ yếu chiếm gần 50% tổng nhu cầu  năng lượng quốc gia, theo đánh giá vẫn còn nhiều dư địa để cải thiện năng suất và hiệu quả năng lượng. Ví dụ như ngành xi măng (27%), giấy và bột giấy (14%), thép (20%) và dệt may khoảng 20%.

Đã đến lúc phải thay đổi tư duy và cách tiếp cận chiến lược năng lượng. Bên cạnh sự nỗ lực từ phía nguồn cung điện, thì tiết kiệm năng lượng trong sản xuất và tiêu dùng phải là bắt buộc chứ không còn là khuyến khích nữa. Phải thúc đẩy việc tiêu thụ năng lượng trong một nền kinh tế thông minh, công nghệ hiện đại áp dụng vào cả sản xuất năng lượng và tiêu thụ năng lượng để giảm thiểu chi phí. 

Đẩy mạnh tiết kiệm năng lượng trong ngành công nghiệp ảnh 1 Ngành dệt may có thể cải thiện năng suất và hiệu quả năng lượng 20%. Ảnh: CAO THĂNG

Trong thực tế, hiện nay cũng đã có nhiều doanh nghiệp thực hiện triển khai việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả thông qua việc thay đổi dây chuyền, công nghệ lạc hậu bằng dây chuyền công nghệ tiên tiến hiệu suất cao tiết kiệm năng lượng; xây dựng quy chuẩn và tiêu chuẩn về hiệu suất năng lượng tối thiểu đối với các thiết bị tiêu tốn nhiều năng lượng, hiệu suất thấp.

Những giải pháp này đã và đang mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Đơn cử như Tập đoàn Hòa Phát với đặc thù sản xuất công nghiệp đa ngành, đa lĩnh vực, trong đó sản xuất gang thép là lĩnh vực sử dụng lớn điện, than. Tuy nhiên, với việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất, nhiều nhà máy của tập đoàn đã có thể chủ động nhu cầu sử dụng điện gần 50%, thậm chí lên đến 70%.

Đại diện Công ty Việt Thắng (đơn vị thành viên của Tập đoàn Dệt may Việt Nam) cũng cho biết, với các giải pháp như thay bộ truyền động dây curoa bằng truyền động trục, hoặc sử dụng động cơ có công suất nhỏ hơn so với  động cơ hiện tại đã giúp giảm chi phí đầu tư động cơ và điện năng tiêu thụ. Sau khi áp dụng, điện năng tiết kiệm được 498.960kWh/năm, chi phí tiết kiệm 831 triệu đồng/năm.

Hướng đến nền công nghiệp phát thải thấp

Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức lớn về nhu cầu năng lượng tăng cao, bên cạnh đó là các ràng buộc về mặt môi trường, nguồn vốn đầu tư cho ngành năng lượng. Do đó, việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, cung cấp đầy đủ năng lượng cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ.

Để giảm thiểu tình trạng thiếu hụt nguồn cung năng lượng trong tương lai, Chính phủ đã và đang đẩy mạnh kêu gọi cũng như triển khai các biện pháp nhằm thực hiện có hiệu quả việc sử dụng năng lượng tiết kiệm.

Theo ông Trịnh Quốc Vũ, Phó vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công thương), các chương trình, hoạt động về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả nếu được tổ chức và thực hiện tốt sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn nguồn năng lượng của quốc gia, giúp cho nền kinh tế phát triển bền vững và bảo vệ môi trường; giúp thực hiện cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện sử dụng tiết kiệm năng lượng và hiệu quả, Bộ Công thương đã phối hợp với Cơ quan Hợp tác phát triển Hoa Kỳ (USAID) triển khai dự án “Chương trình Năng lượng phát thải thấp Việt Nam”. Dự án tập trung thực hiện rà soát và lựa chọn 4 ngành trọng tâm (sắt thép, xi măng, dệt may và mía đường) để hỗ trợ kiểm toán năng lượng, nhằm xác định tiềm năng và giải pháp sử dụng năng lượng hiệu quả cho các doanh nghiệp.

Chương trình cũng nhằm thúc đẩy dự án ESCO (dịch vụ năng lượng) tại các doanh nghiệp công nghiệp; làm việc với các cơ quan tín dụng để xây dựng cơ chế phối hợp nhằm cung cấp hỗ trợ kỹ thuật trong việc rà soát các đề xuất vay vốn cho những dự án tiết kiệm năng lượng.

Tin cùng chuyên mục