Đẩy mạnh tiêm vaccine để ứng phó biến thể phụ của Omicron

Ngày 20-6, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp trực tuyến toàn quốc về công tác y tế và phòng chống dịch bệnh. Tham dự tại điểm cầu TPHCM có Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức và các đồng chí Phó Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh TPHCM, thủ trưởng các sở, ngành.

Tăng cường tiêm liều nhắc lại

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng phụ trách điều hành hoạt động của Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, trên thế giới, thời gian gần đây, biến thể Omicron đã ghi nhận chiếm chủ đạo với các nhánh phụ BA.2, BA.2.3, BA.2.3.2, trong khi biến thể phụ BA.5 đã ghi nhận ở nhiều quốc gia có nguy cơ xâm nhập vào nước ta và có thể dẫn đến sự gia tăng các ca mắc Covid-19 trong thời gian tới. “Với diễn biến dịch bệnh trên thế giới có thể xảy ra 2 tình huống. Thứ nhất, chủng virus vẫn tiếp tục tiến hóa, tuy nhiên do cộng đồng đã có miễn dịch nên số trường hợp nặng và tử vong ở mức thấp, dịch không còn nghiêm trọng hoặc xuất hiện biến thể mới nhưng ít nghiêm trọng. Thứ hai, xuất hiện biến thể mới nguy hiểm hơn có khả năng làm giảm hiệu quả vaccine hoặc miễn dịch, khiến ca nặng hoặc tử vong tăng lên, dịch có nguy cơ bùng phát mạnh, trên diện rộng, vượt quá năng lực của hệ thống y tế”, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên chỉ rõ.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cũng đề nghị cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, tiêm vaccine tăng cường, nhắc lại cho những nhóm có nguy cơ mắc bệnh; tiếp tục truyền thông để người dân luôn có ý thức phòng chống dịch. Thứ trưởng Bộ Y tế cũng lưu ý, tốc độ tiêm chủng vaccine Covid-19 còn chậm, nhất là tiêm mũi 3, mũi cho người trên 50 tuổi và tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. “Có tình trạng tồn đọng nhiều vaccine Covid-19 tại Trung ương và các địa phương dẫn tới nguy cơ hết hạn phải hủy bỏ nếu không đẩy mạnh tiếp nhận vaccine và triển khai tiêm chủng trong thời gian tới”, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, đến nay Tổ chức Y tế thế giới và các quốc gia đều xác định vaccine là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng chống dịch Covid-19. Trên thế giới, nhiều nước đã tiêm vaccine Covid-19 mũi 3, mũi 4 cho người dân và hơn 80 quốc gia đã triển khai tiêm vaccine cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi cùng một số quốc gia đã tiêm cho trẻ dưới 5 tuổi. Hiện chưa có bất cứ một bằng chứng khoa học nào khẳng định vaccine Covid-19 ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe người dân, trong khi hiệu lực của vaccine giảm tương đối nhanh. Vì vậy, để duy trì hiệu quả bảo vệ, cần phải tiêm mũi 3, mũi 4 theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Thông tin rõ tác dụng phụ của vaccine

Tại cuộc họp, Bộ Y tế đề nghị các địa phương tiếp tục vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa trong việc điều hành, chỉ đạo, giao chỉ tiêu tiêm vaccine Covid-19 mũi nhắc lại cho từng huyện, xã tại địa phương để khẩn trương hoàn thành triển khai tiêm nhắc vaccine Covid-19 mũi 3 cho đối tượng trên 18 tuổi và tiêm đủ liều cơ bản cho trẻ từ 12-17 tuổi trong quý 2 theo chỉ đạo của Chính phủ. Đồng thời, các địa phương khẩn trương rà soát, tổng hợp đối tượng và đề xuất nhu cầu tiêm mũi 4 vaccine Covid-19 (mũi nhắc lại lần 2) cho người từ 18 tuổi trở lên và báo cáo về Bộ Y tế để xây dựng kế hoạch và phân bổ kịp thời; tích cực triển khai tiêm vaccine Covid-19 liều nhắc lại mũi 4 cho các đối tượng người từ 50 tuổi trở lên; người từ 18 tuổi trở lên có suy giảm miễn dịch và người từ 18 tuổi trở lên thuộc nhóm nguy cơ cao phơi nhiễm với Covid-19. Đồng thời, các địa phương phải chủ động rà soát khu công nghiệp, khu du lịch dịch vụ trên địa bàn, ưu tiên triển khai sớm cho đối tượng công nhân, có nguy cơ lây nhiễm cao, cần được chỉ đạo để đạt độ bao phủ trên 90% ở những nhóm đối tượng này để đảm bảo miễn dịch cộng đồng trong thời gian tới.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp. Ảnh: TTXVN
Chủ trì cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gợi mở về các giải pháp tiêm mũi tăng cường (mũi 3, mũi 4) trước hết cho một số nhóm đối tượng như cán bộ, đảng viên, nhân viên y tế, giáo viên, người làm du lịch, công nhân khu công nghiệp. “Tiêm vaccine để chống dịch nên phải tiêm cho đúng. Bộ Y tế phải có hướng dẫn hết sức chi tiết, mạch lạc, rõ ràng thì địa phương mới làm được”, Phó Thủ tướng chỉ rõ và yêu cầu Bộ Y tế hệ thống lại tất cả các văn bản để hướng dẫn chi tiết việc tiêm vaccine Covid-19 mũi tăng cường cho các nhóm đối tượng khác nhau. Các địa phương thống nhất số lượng mũi tiêm với các nhóm đối tượng cụ thể; tăng cường tuyên truyền các thông tin, đặc biệt về các chủng mới có thể xuất hiện, làm rõ các tác dụng phụ sau khi tiêm vaccine để vận động người dân đi tiêm an toàn trước mắt và lâu dài. Về biện pháp phòng chống dịch V2K (vaccine, khẩu trang, khử khuẩn), Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương rà soát, nêu rõ những nơi bắt buộc thực hiện hoặc khuyến khích, vận động thực hiện.


Tháo gỡ khó khăn về đấu thầu vật tư y tế

Theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, để tháo gỡ phần nào khó khăn cho các bệnh viện, trong 6 tháng đầu năm, Bộ Y tế đã cấp giấy đăng ký lưu hành cho 963 thuốc; công bố danh mục 6.251 thuốc có giấy đăng ký lưu hành hết hiệu lực trước ngày 30-6 và được kéo dài hiệu lực đến ngày 31-12. Đồng thời, bộ đã cấp 738 giấy phép nhập khẩu sinh phẩm xét nghiệm trong phòng thí nghiệm; 21.762 giấy phép nhập khẩu trang thiết bị y tế và 22 số lưu hành trang thiết bị y tế phục vụ phòng chống dịch Covid-19 trong trường hợp cấp bách. 

Đại diện Bộ Y tế cũng cho biết, hiện có khoảng 140.000 thông tin kê khai giá trang thiết bị y tế được công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế để các đơn vị tra cứu, làm cơ sở mua bán trang thiết bị y tế theo quy định. Tuy nhiên, lãnh đạo một số địa phương cho biết, tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế chủ yếu do lo ngại, sợ sai, sợ bị thanh tra, kiểm tra, bị động và phụ thuộc nhiều vào các yếu tố như tình hình dịch bệnh, mô hình bệnh tật; chậm thầu so với dự kiến do tình trạng hết hạn số đăng ký của một số loại thuốc. Cùng với đó là một số khó khăn do chậm có kết quả đấu thầu tập trung quốc gia, đàm phán giá một số thuốc mua sắm tập trung quốc gia, dẫn tới các cơ sở phải thực hiện hình thức mua sắm tại cơ sở, không chủ động được thời gian và số lượng mua sắm. Trước thực trạng này, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Bộ Y tế sẽ sớm làm việc với các bộ, ngành liên quan để phối hợp điều chỉnh, bổ sung, tháo gỡ khó khăn về công tác đấu thầu, mua sắm thuốc men, vật tư y tế. 

Trong khi đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu không được để thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế ảnh hưởng tới người bệnh. Việc giải quyết những khó khăn trong mua sắm, đấu thầu không phải chỉ bằng mệnh lệnh hành chính mà phải được tháo gỡ bằng các biện pháp linh hoạt, cụ thể, nhất là hoạt động đấu thầu tập trung. Trên cơ sở tập hợp mọi vướng mắc của địa phương trong mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, Bộ Y tế khẩn trương làm việc với Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Tài chính và Bộ KH-ĐT để có văn bản tháo gỡ ngay.

Tin cùng chuyên mục