Đẩy mạnh thu gom, tái chế giấy đã qua sử dụng

Hiện nay, mỗi năm Việt Nam phải nhập khẩu khoảng 2 triệu tấn nguyên liệu để phục vụ sản xuất giấy trong nước. Con số này được dự báo sẽ tăng cao trong thời gian tới, khi nhu cầu sử dụng giấy và bao bì giấy ngày càng cao.
Giấy đã qua sử dụng được đưa vào nhà máy trong Khu công nghiệp Hiệp Phước để tái chế
Giấy đã qua sử dụng được đưa vào nhà máy trong Khu công nghiệp Hiệp Phước để tái chế

Để tránh phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, đồng thời giảm phát thải rác ra môi trường, các chuyên gia khuyến nghị Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa công tác phân loại tại nguồn, thu gom và tái chế nguồn tài nguyên quý giá này. 

Nguồn tài nguyên quý giá đang bị lãng phí

Theo phân tích của các chuyên gia trong ngành giấy, giấy có thể tái chế 6 lần trước khi chôn lấp hoặc đốt bỏ, nên lợi ích về tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường là rất lớn. Nếu hiểu đúng thì ngành giấy là ngành công nghiệp xanh, công nghiệp tuần hoàn, vì nguồn nguyên liệu chính có thể tái tạo được bằng cách trồng rừng, sản phẩm giấy có thể được thu gom và tái chế 100%, bản thân sản phẩm giấy cũng rất dễ phân hủy trong môi trường tự nhiên.

Vấn đề đặt ra hiện nay đối với các doanh nghiệp (DN) sản xuất giấy, đó là làm thế nào để thu gom được nguồn nguyên liệu một cách có hiệu quả. Trên thực tế, hiện cách thu gom phổ biến nhất vẫn là qua hệ thống thu mua phế liệu đơn lẻ, các trạm thu mua trung gian, chứ chưa có công ty chuyên doanh giấy thu hồi.

Nhìn nhận về vấn đề này, ông Huỳnh Hữu Hải Bình, Tổng Giám đốc DN xã hội Revival Waste, cho biết hiện nay các loại giấy, bao bì có thể tái chế  đang được bỏ chung vào rác thải sinh hoạt của người dân. Đây là sự lãng phí tài nguyên rất lớn.

Nếu biết cách phân loại ngay tại nguồn và đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật để tái chế thì đây sẽ là một nguồn tài nguyên vô cùng hữu ích để phục cho sản xuất giấy trong nước. Ông Bình cũng kiến nghị, cần có cách đánh giá lại về giấy phế thải, nên xem giấy phế thải là nguyên liệu sản xuất chứ không phải là rác. Trong quy hoạch phát triển ngành giấy nên bổ sung nội dung thu gom và tái chế giấy. Bên cạnh đó, phải có chính sách khuyến khích thu gom và tái chế giấy phế liệu. 

Một giải pháp, nhiều mục tiêu

Nhiều ý kiến cho rằng, việc đẩy mạnh công tác phân loại, thu gom và tái chế giấy đã qua sử dụng một mặt ổn định được nguồn cung cấp nguyên liệu cho việc sản xuất giấy mới, mặt khác góp phần rất lớn trong việc hạn chế xả thải rác ra môi trường. Ông Hoàng Trung Sơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bột giấy Việt Nam, cho biết theo dự báo, trong 5-10 năm tới nhu cầu tiêu dùng các loại giấy của Việt Nam sẽ tăng 8%-10%/năm, đặc biệt giấy bao bì đóng gói sẽ tăng khoảng 20%. Ngành giấy và đóng gói bao bì đang phát triển với tốc độ nhanh và có ảnh hưởng đến nhiều ngành trong nền kinh tế Việt Nam.

Các hiệp định thương mại tự do (CPTPP và EVFTA) cũng sẽ mang lại những cơ hội lớn để phát triển. Mặt khác, Chính phủ đang kêu gọi việc giảm thiểu sử dụng sản phẩm nhựa một lần, đây được xem là cơ hội để ngành giấy phát triển cao, đặc biệt là các loại giấy dùng cho đóng gói thực phẩm. Để đáp ứng được các yêu cầu về môi trường, ngành giấy cần đẩy mạnh công tác ứng dụng công nghệ và thực hiện sản xuất sạch hơn. Thực tế, công nghệ sản xuất giấy trong nước còn lạc hậu, máy móc sản xuất không đồng bộ gây lãng phí năng lượng và ô nhiễm môi trường. 

Ông Lê Hùng, Hội Bảo vệ thiên nhiên Việt Nam, cho rằng chúng ta không nên xem các vấn đề môi trường như biến đổi khí hậu hay rác thải một cách riêng lẻ, mà cần phải nhìn trong một tổng thể thống nhất. Để giải quyết được vấn đề này, chúng ta cần phải đạt được mô hình kinh tế tuần hoàn mở, trong đó không chỉ là vấn đề tái chế, tái sử dụng mà còn phải tính cả tác động của carbon trong nguyên liệu và sản xuất.

Để phát triển bền vững, ngành công nghiệp giấy và bao bì Việt Nam cần phải giảm thiểu những tác động tiêu cực lên môi trường bằng việc cẩn trọng trong khâu sản xuất, xử lý nước thải cũng như đưa ra thị trường những sản phẩm thân thiện với môi trường.

Tin cùng chuyên mục