Đẩy mạnh tái chế phụ phẩm sau sản xuất

Nền kinh tế thế giới đang dần chuyển sang mô hình kinh tế tuần hoàn. Ở đây, tất cả nguyên liệu đầu vào cho đến phụ phẩm đầu ra trong quá trình sản xuất đều được xử lý một cách khép kín, hạn chế xả thải ra môi trường. Tại Việt Nam, mô hình này cũng đã và đang được nhiều doanh nghiệp (DN) triển khai hiệu quả, góp phần hạn chế xả thải phụ phẩm, phế phẩm ra môi trường.
Nhà máy Heineken tái sử dụng và tái chế 99% phế thải, phụ phẩm
Nhà máy Heineken tái sử dụng và tái chế 99% phế thải, phụ phẩm

Nhiều lợi ích cho doanh nghiệp 

Có thể thấy rằng, việc chuyển từ mô hình kinh tế truyền thống sang kinh tế tuần hoàn sẽ giúp ứng phó với sự cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường và hướng tới nền kinh tế phát triển bền vững. Đi theo xu hướng này, nhiều DN Việt Nam đã và đang đẩy mạnh công tác tái chế phụ phẩm trong sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, hướng đến mục tiêu tạo ra những giải pháp ít phát thải carbon nhất, cho hiệu quả cao nhất, giảm thiểu tác động của hoạt động kinh doanh tới môi trường. 

Chia sẻ về lĩnh vực này, đại diện Công ty Heineken Việt Nam cho biết, DN đã tái sử dụng và tái chế 99% phế thải cùng phụ phẩm. Hiện nay, 100% nước thải được xử lý, tái sử dụng để tưới cây, vệ sinh, nuôi cá và một phần nước thải tái sử dụng làm khí sinh học. Ngoài ra, vỏ trấu sẽ được tận dụng để làm nhiên liệu sinh khối phục vụ quy trình sản xuất của nhà máy; bã hèm hiện được tái chế thành thức ăn cho gia súc; bùn sau xử lý nước thải cũng được tái chế thành phân bón và việc sản xuất tại nhà máy cũng dùng điện mặt trời. Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng đã thu gom nắp chai bia, tái chế làm vật liệu xây cầu tại đồng bằng sông Cửu Long. 

Ông Khuất Quang Hưng, Giám đốc đối ngoại Công ty Nestle Việt Nam, cho biết DN này đã và đang đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến cho việc tái chế chất thải sản xuất cà phê làm năng lượng sinh khối. Đến nay, 100% lượng chất thải đã được tái chế và nguồn năng lượng sinh khối này thay thế được khoảng 73% nguồn nhiên liệu làm chất đốt để vận hành lò hơi. Đồng thời, giúp giảm thiểu khoảng 22.600 tấn khí CO2 thải ra môi trường hàng năm. Việc áp dụng mô hình tuần hoàn trên đã giúp DN cắt giảm được nhiều chi phí sản xuất, qua đó hạ giá thành sản phẩm, mang lại lợi ích cho người tiêu dùng.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), trong năm 2018, Việt Nam xếp thứ 69/190 về môi trường kinh doanh; xếp thứ 77/140 về năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, Việt Nam đã xếp hạng 54/162 quốc gia, lọt vào tốp 30% quốc gia dẫn đầu về phát triển bền vững. Như vậy, so với các nước có cùng trình độ phát triển, thì Việt Nam đang vượt lên trong “cuộc đua xanh”.

Xu hướng phát triển tất yếu 

Nhiều chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh tài nguyên thiên nhiên đang ngày càng cạn kiệt, việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn chính là công thức tăng trưởng bền vững mà DN Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc. Nhìn nhận về vấn đề này, PGS-TS Hồ Thị Thanh Vân, Trường Đại học TN-MT TPHCM, cho rằng xu hướng áp dụng công nghệ tiên tiến để đẩy mạnh công tác tái chế phụ phẩm sau sản xuất đang được các nước đặc biệt quan tâm. Đây cũng là xu hướng phát triển chủ đạo trong thời gian tới. Việc đẩy mạnh tái chế, tái sử dụng góp phần giảm nguyên liệu đầu vào cũng như hạn chế chất thải đầu ra. Đối với DN, sẽ mang lại nhiều lợi ích như giảm chi phí, tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm. Đối với môi trường, sẽ hạn chế được một nguồn thải lớn từ các hoạt động sản xuất. Trong thời gian qua, Chính phủ Việt Nam cũng đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững; tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng cường tái chế, tái sử dụng để tạo điều kiện cho phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn. Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển ngành công nghiệp môi trường Việt Nam đến năm 2025 nhằm hình thành nên ngành công nghiệp môi trường, có thể đáp ứng được các nội dung của kinh tế tuần hoàn. Đây sẽ là những tiền đề quan trọng để các DN đẩy mạnh công tác tái chế, tái sử dụng chất thải, hướng đến sự phát triển bền vững. 

Để giải quyết nguy cơ cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm và suy thoái môi trường, Việt Nam cần phải thay đổi cách tiếp cận chuyển đổi từ các mô hình “kinh tế truyền thống” sang “kinh tế tuần hoàn”. Kinh tế tuần hoàn là một xu hướng phát triển bền vững đạt được cả 2 mục tiêu, ứng phó với sự cạn kiệt của tài nguyên đầu vào và tình trạng ô nhiễm môi trường trong phát triển ở đầu ra. Theo ước tính thực tế tại châu Âu, kinh tế tuần hoàn có thể tạo ra lợi ích 600 tỷ EUR mỗi năm, 580.000 việc làm mới và giúp giảm phát thải khí nhà kính.

Tin cùng chuyên mục