Đẩy mạnh tái chế chất thải, hướng đến kinh tế tuần hoàn

Tái chế chất thải là một bước đi quan trọng trong nền kinh tế tuần hoàn. Thực hiện tái chế sẽ mang lại nhiều lợi ích cho môi trường và cộng đồng, như giảm lượng chất thải được đưa đến các bãi chôn lấp và các lò đốt rác; cung cấp nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất hàng hóa… Phát triển theo xu hướng này, TPHCM đã có nhiều nỗ lực trong nghiên cứu, hoạch định chính sách, quy hoạch và quản lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) theo hướng tăng cường tái chế chất thải. 
Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước, huyện Bình Chánh, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước, huyện Bình Chánh, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Nhiều dư địa để phát triển ngành tái chế

Tổng khối lượng CTRSH trên địa bàn TPHCM hiện nay dao động từ 9.000-9.500 tấn/ngày. Lượng rác xử lý bằng phương pháp đốt, làm phân compost, tái chế chiếm tỷ lệ khoảng 31%. Số còn lại xử lý bằng biện pháp chôn lấp. TPHCM đã phải dành ra 2 khu liên hợp xử lý chất thải rắn là Đa Phước (huyện Bình Chánh) với quy mô 614ha và Phước Hiệp (huyện Củ Chi) có quy mô 687ha để đáp ứng công tác xử lý rác thải. Trong đó, phần lớn quỹ đất là dành cho hoạt động chôn lấp rác. Về lâu dài, thực trạng này gây áp lực rất lớn cho quỹ đất chung của thành phố. 

Tăng tỷ lệ rác tái chế cũng là giải pháp để giảm áp lực gia tăng quỹ đất phục vụ cho chôn lấp rác, nhất là trong bối cảnh quỹ đất tại TPHCM ngày càng hạn hẹp. Tuy nhiên, đi cùng với vấn đề này, hoạt động phân loại CTRSH tại nguồn ở TPHCM phải được triển khai đồng bộ và quyết liệt trong khu dân cư. Các thành phần rác thải đầu vào phải đáp ứng được tiêu chuẩn tái chế làm nguyên liệu sản xuất. 

Theo TS Nguyễn Thanh Hùng, Viện Môi trường và Tài nguyên, tiềm năng đối với lĩnh vực tái chế ở TPHCM vẫn nhiều. Chẳng hạn, lượng CTRSH đang tiếp tục gia tăng do gia tăng dân số, phát triển kinh tế và đô thị hóa nhanh. Trong thành phần CTRSH luôn có sẵn nhiều thứ có thể tái chế như giấy, nhựa, kim loại, thủy tinh, cao su. Tỷ lệ chất thải rắn hữu cơ dễ phân hủy sinh học trong CTRSH ở TPHCM khá cao, dao động từ 59,2%-74,3%. Nếu được phân loại tốt tại nguồn thì đây là một trong những nguồn nguyên liệu đầu vào rất quan trọng cho các nhà máy sản xuất phân compost hoặc ủ kỵ khí thu hồi năng lượng… Quan trọng hơn, chính sách quản lý CTRSH của thành phố tiếp tục theo đuổi việc tăng cường tái chế chất thải với mục tiêu đặt ra đến năm 2025, tỷ lệ xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ mới hiện đại (đốt phát điện) và tái chế đạt ít nhất 80%, hướng đến năm 2030 đạt 100%.

 Thực tế cho thấy, thành phố cũng đã đầu tư một số nhà máy tái chế chất thải, rác thải có quy mô lớn. Đơn cử, nhà máy tái chế chất thải rắn của Công ty cổ phần Vietstar trong Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc (Củ Chi). Đến tháng 5-2021, nhà máy chính thức đưa vào vận hành theo công nghệ đốt phát điện xử lý 2.000 tấn rác/ngày. Ngoài ra, nhà máy này đang tái chế rác thải thành phân compost khoảng 1.000 tấn/tháng. Hay như Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Tâm Sinh Nghĩa đã đầu tư nhà máy xử lý và tái chế chất thải với công suất thiết kế 1.000 tấn/ngày. Ngoài ra, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM đã ký kết với Liên minh tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) biên bản ghi nhớ hợp tác “Xây dựng mạng lưới thu gom và xử lý chất thải tái chế từ chương trình phân loại chất thải rắn tại nguồn”. 

Lợi ích phân loại rác tại nguồn

TS Nguyễn Thanh Hùng cho biết thêm, để đảm bảo cho các hoạt động tái chế thì hệ thống cơ sở hạ tầng về thu gom, vận chuyển, tái chế và xử lý chất thải rắn cần được tăng cường đầu tư để theo kịp tốc độ phát triển của TPHCM. Ngoài ra, thành phố cần áp dụng đồng bộ các giải pháp cơ bản như đẩy mạnh các hoạt động phân loại CTRSH tại nguồn trên cơ sở vừa tiếp tục giáo dục nhận thức qua các kênh truyền thông đại chúng, vừa áp dụng hình thức xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 155/2016/NĐ-CP.

Ở góc độ quản lý, cần tổ chức lại hệ thống thu gom, tái chế phế liệu của các nghiệp đoàn, hợp tác xã thu mua rác phế liệu và hiệp hội các cơ sở tái chế phế liệu... Điều này sẽ giúp thành phố quản lý tốt hơn các dòng nguyên liệu tái chế từ CTRSH trên địa bàn. Đồng thời di dời các cơ sở tái chế chất thải không đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường trong khu vực dân cư. PGS-TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Phát triển kinh tế tuần hoàn, cũng cho rằng, để thúc đẩy hoạt động tái chế trên địa bàn TPHCM theo hướng tiếp cận kinh tế tuần hoàn, thành phố cần có thêm chính sách để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia thị trường này nhiều hơn. Một giải pháp không thể bỏ qua, đó là đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân trong việc thực hiện phân loại rác tại nguồn. 

Ngành tái chế chất thải ở TPHCM đã có những bước phát triển mạnh, dễ thấy nhất là việc thành lập một số nhà máy tái chế CTRSH với quy mô lớn như Công ty cổ phần Vietstar, Công ty cổ phần Tâm Sinh Nghĩa… Tuy nhiên, nếu chỉ chú trọng vào việc xây dựng nhà máy mà không quan tâm đúng mức đến việc phân loại CTRSH tại nguồn để có nguồn nguyên liệu tái chế tốt, thì những nhà máy này không thể vận hành hết công suất, đồng thời làm lãng phí một nguồn tài nguyên vô cùng lớn. 

Ở góc độ nhà đầu tư, ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM, cho rằng, để thị trường tái chế chất thải ở TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung được thành công thì yếu tố quan trọng nhất vẫn là việc thực hiện phân loại rác tại nguồn. Nếu người dân thực hiện phân loại rác ngay tại nguồn thì sẽ giảm được rất nhiều áp lực cho các đơn vị thu gom, vận chuyển và xử lý.

Tin cùng chuyên mục