Đẩy mạnh quảng bá hàng Việt

Bộ Công thương vừa ban hành đề án tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường trong nước. Đề án được công bố nhân dịp tổng kết 10 năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Theo đề án này, các địa phương cần tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại để phát triển thị trường trong nước. Một trong những hoạt động trọng tâm như sự kiện khuyến mãi quy mô lớn, với sự tham gia của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, phân phối trong lĩnh vực, có thương hiệu, uy tín trên thị trường.

Dù là chương trình khuyến mãi kích cầu sức mua, nhưng phải đảm bảo chất lượng, giá cả của hàng hóa phù hợp. Việc tổ chức chương trình khuyến mãi quy mô lớn là để tạo điều kiện cho người dân, các du khách đến địa phương mua sắm, giúp doanh nghiệp tiếp cận khách hàng dễ dàng hơn.

Các hoạt động khuyến mãi quy mô lớn còn giúp tăng cường vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc bình ổn giá cả, ổn định thị trường, kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ năm 2019.

Trên thực tế, việc thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại để thúc đẩy tiêu thụ hàng Việt trong nước đã được các tỉnh, thành phía Nam tích cực triển khai trong suốt thời gian qua.

Theo đó, các sở ban ngành chức năng tại các địa phương đã luân phiên tổ chức những phiên chợ hàng Việt, hội chợ xúc tiến tiêu dùng… để tuyên truyền, giới thiệu và quảng bá hàng Việt.

Như thông tin từ các doanh nghiệp, qua các hoạt động này, doanh số bán hàng của những đơn vị tham gia đã tăng mạnh, hàng hóa được phổ cập rộng rãi hơn. 

Đẩy mạnh quảng bá hàng Việt ảnh 1 Chương trình “Tự hào hàng Việt” được Saigon Co.op tổ chức liên tục trong nhiều năm qua

Theo thống kê của Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TPHCM (ITPC), từ năm 2014-2019, các tỉnh, thành khu vực phía Nam đã nỗ lực tổ chức thực hiện gần 2.450 sự kiện xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá sản phẩm Việt Nam tại nhiều thị trường.

Cụ thể, có gần 90 hội chợ triển lãm tại nước ngoài; khoảng 220 sự kiện xúc tiến khác ngoài nước; hơn 125 hội chợ triển lãm cấp vùng, cấp tỉnh tại các địa phương, thu hút khoảng 294.000 lượt doanh nghiệp tham gia.

Riêng ở thị trường nội địa, trong 5 năm qua đã có trên 780 chương trình xúc tiến được tổ chức, thu hút hơn 9,5 triệu lượt khách tham quan, mua sắm. 

Cũng theo đánh giá của nhiều DN, các chương trình xúc tiến thương mại đã tạo điều kiện thiết thực để doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có cơ hội quảng bá sản phẩm, tiếp cận trực tiếp và nắm được nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng, mở rộng kênh phân phối.

Chẳng hạn như ở TPHCM, đánh giá của Sở Công thương cho thấy, trong thời gian qua, hoạt động xúc tiến thương mại được thực hiện bám sát sự chỉ đạo của UBND TPHCM, mang lại hiệu quả thiết thực cho DN. Chỉ tính riêng trong năm 2018, cơ quan này đã tiếp nhận hàng ngàn thông báo xin chủ trương thực hiện khuyến mãi, tổ chức hội chợ của các DN.

Các chương trình được tổ chức với tần suất ngày càng nhiều, thu hút đa dạng ngành hàng, thành phần DN tham gia. Có thể kể tới những sự kiện tiêu biểu như: Hội chợ xúc tiến công thương, Hội chợ tháng khuyến mại, Hội chợ đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ… 

Ngoài những chương trình của cơ quan quản lý tổ chức, nhiều đơn vị bán lẻ cũng liên tục tổ chức những chương trình khuyến mãi kích cầu hàng Việt. Đơn cử như Saigon Co.op, suốt nhiều năm qua, siêu thị đã tổ chức rất thành công hoạt động “Tự hào hàng Việt”.

Theo lãnh đạo Saigon Co.op, bên cạnh việc ưu tiên, quảng bá cho hàng Việt một cách xuyên suốt, “Tự hào hàng Việt” được xem là chương trình quy mô nhất hàng năm dành cho hàng hóa sản xuất trong nước với mức đầu tư không ngừng tăng lên qua mỗi năm.

Chương trình tập trung thực hiện giảm giá sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm thiết yếu, nhằm hỗ trợ tiêu dùng trực tiếp cho khách hàng.

Qua đó đã giúp nâng cao uy tín và gia tăng sức mua của các mặt hàng sản xuất tại Việt Nam, thu hút sự hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo người tiêu dùng.

Theo Sở Công thương TPHCM, trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt, không chỉ nhà sản xuất, cơ sở sản xuất kinh doanh mà từ các nhà phân phối, đại lý, đến các cửa hàng đều phải đưa ra những chương trình chăm sóc khách hàng, kích cầu sức mua để cải thiện sức mua.

Cũng vì thế, việc thực hiện xúc tiến thương mại dưới nhiều hình thức khác nhau từ lâu đã không còn là mệnh lệnh bắt buộc, mà bản thân các doanh nghiệp, nhà phân phối, cơ sở kinh doanh đều đã tự ý thức được tầm quan trọng và xem đây là cách tiếp cận người tiêu dùng hiệu quả nhất.

Tin cùng chuyên mục