Đẩy mạnh phân cấp mua sắm thuốc

Chiều 23-6, tại trụ sở Chính phủ, Thường trực Chính phủ họp về cung ứng thuốc, vật tư y tế và các giải pháp bảo đảm nguồn nhân lực cho ngành y tế. 
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: VIẾT CHUNG

Thí điểm đấu thầu thuốc tập trung theo khung giá trần

Theo Bộ Y tế, có 28/34 sở y tế và 12/21 bệnh viện tuyến Trung ương báo cáo có tình trạng thiếu thuốc; 26/34 sở y tế và 15/21 bệnh viện tuyến Trung ương báo cáo thiếu vật tư tiêu hao, hóa chất; 14/34 sở y tế và 8/21 bệnh viện tuyến Trung ương báo cáo thiếu trang thiết bị y tế chuyên sâu như: thiết bị phòng mổ; thiết bị chuyên ngành thần kinh, tim mạch, nội soi tai mũi họng, mắt, tiêu hóa, hô hấp, hồi sức tích cực, thiết bị chẩn đoán hình ảnh, thiết bị xét nghiệm chuyên sâu.

Bên cạnh các nguyên nhân khách quan, Bộ Y tế cho rằng, nguyên nhân chủ quan của tình trạng này là do có tâm lý lo ngại, sợ sai, sợ thanh tra, kiểm tra, không dám làm, không dám mua sắm của một số địa phương và đơn vị. Một số địa phương giao cho các đơn vị chủ động tự đấu thầu, thay vì đấu thầu tập trung như trước, tuy nhiên các đơn vị vẫn lúng túng hoặc e ngại trong tổ chức thực hiện. 

Từ thực tế trên, Bộ Y tế kiến nghị Chính phủ cho phép Bộ Y tế thí điểm thực hiện đấu thầu thuốc tập trung theo hướng đấu thầu khung giá trần để cơ sở y tế căn cứ đàm phán ký hợp đồng mua thuốc trực tiếp; phê duyệt cơ chế áp dụng các hình thức mua sắm đặc thù cho việc mua sắm các thuốc ít cạnh tranh. Bộ Y tế cũng đề nghị Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể quy định về cấu thành giá trang thiết bị y tế để hạn chế việc “nâng khống giá” và mua bán lòng vòng; phối hợp kiểm soát về thông tin giá vốn nhập khẩu. Trường hợp cần thiết, quy định định mức về chi phí hợp lý và lợi nhuận đối với trang thiết bị y tế để hướng dẫn cụ thể cho các đơn vị thực hiện.

Rà soát tất cả quy định về mua sắm thuốc

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, lãnh đạo Đảng, Nhà nước ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao những kết quả, thành tựu của ngành y tế, Bộ Y tế thời gian qua trong việc kiểm soát dịch bệnh, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Ngành y tế cần nhanh chóng kiện toàn các chức danh, rà soát các quy định để làm tốt hơn, tránh tâm lý sợ sai, không dám làm.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị, trước mắt Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ: Tư pháp, KH-ĐT, Tài chính, các bộ, ngành liên quan khẩn trương rà soát tổng thể các quy định hiện hành liên quan việc mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế. Trên cơ sở đó chủ động, tích cực xử lý, ban hành các văn bản theo thẩm quyền, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền, chỉ rõ các nội dung vướng mắc, ở đâu, ai giải quyết. 

Người bệnh khám cận lâm sàng để kiểm tra sức khỏe tổng quát. Ảnh: THÀNH SƠN

Bộ Y tế khẩn trương triển khai các nội dung trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội dành cho ngành y tế với kinh phí khoảng 14.000 tỷ đồng. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trực tiếp chỉ đạo Bộ Y tế và các bộ triển khai theo đúng tinh thần các nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ. Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các bộ ngành liên quan báo cáo Chính phủ các nội dung vượt thẩm quyền, xây dựng dự thảo nghị quyết để Chính phủ có nghị quyết chỉ đạo ngay về vấn đề này.

Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Y tế rà soát, cùng các cơ quan tổ chức thực hiện nghiêm các quy định hiện hành về đấu thầu tập trung tại Trung ương và địa phương. Nếu có vướng mắc thì tham khảo ý kiến các bộ ngành, bảo đảm cung ứng thuốc đầy đủ cho các cơ sở y tế, trên tinh thần  công khai, minh bạch, rõ ràng, chống tiêu cực. Bộ Y tế rà soát lại, chỉ đạo tăng cường quản lý nhà nước tại các đơn vị liên quan tới lĩnh vực dược, bảo đảm không chậm trễ cấp phép thuốc; kịp thời sửa đổi, bổ sung các quy định, cắt giảm, đơn giản hóa tối đa các thủ tục hành chính, trên tinh thần bảo đảm an toàn cho người dân, người bệnh là trên hết, trước hết, theo các quy luật của cơ chế thị trường, góp phần giảm chi phí đầu vào, giá thành sản phẩm; đẩy mạnh phân cấp mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế trên cơ sở ban hành tiêu chuẩn, tiêu chí, quy trình, nâng cao năng lực cán bộ thực thi và tăng cường kiểm tra, giám sát; quy định rõ ràng, minh bạch danh mục mua sắm tập trung và mua sắm phân cấp để các cấp, các đơn vị liên quan dễ thực hiện.

Các bộ: KH-ĐT, Tài chính, Tư pháp, KH-CN cùng các bộ, ngành liên quan phối hợp với Bộ Y tế xem xét, bổ sung các văn bản, quy định liên quan theo thẩm quyền và quy định của pháp luật, như quy định về đấu thầu, giá cả…; hướng dẫn cụ thể, chặt chẽ để người thực hiện yên tâm; khuyến khích người dám nghĩ dám làm và xử lý nghiêm người trục lợi; vận dụng hết công cụ quản lý giá để phục vụ mua sắm, đấu thầu và chống thất thoát, lãng phí, tiêu cực.

Về tình hình thôi việc, nghỉ việc của cán bộ y tế khu vực công lập, Bộ Y tế cho biết, theo báo cáo của các địa phương, đơn vị (tính đến tháng 12-2021), có 5.284 viên chức y tế xin thôi việc hoặc nghỉ việc. Các tỉnh thành có số lượng viên chức y tế xin thôi việc, bỏ việc nhiều là TPHCM (1.069 người), Hà Nội (540 người), Đồng Nai (372 người), Bình Dương (202 người)... Có 420 viên chức y tế công tác tại các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế xin thôi việc hoặc bỏ việc.

Thủ tướng giao các cơ quan nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Nghị định 56/2011/NĐ-CP; sớm ban hành chính sách hỗ trợ nhân viên y tế bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Bộ Y tế xây dựng phương án tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế để tăng nguồn thu cho các đơn vị sự nghiệp y tế công lập, trên cơ sở khoa học và thực tiễn, tầm nhìn dài hạn.

Tin cùng chuyên mục