Đẩy mạnh hợp tác công tư trong công tác thống kê

Trong bối cảnh thay đổi nhanh chóng do tác động của khoa học - công nghệ, hơn lúc nào hết, dữ liệu thống kê đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc xây dựng và hoạch định chiến lược, dự báo và hỗ trợ ra quyết định. Dịch bệnh Covid-19 là một minh chứng. 

Để thực hiện được mục tiêu cung cấp thông tin thống kê chính xác, khách quan, kịp thời, phản ánh đúng, đầy đủ tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, một trong những yếu tố then chốt là phải công khai hóa, cụ thể hóa các quy trình, điều kiện thu thập dữ liệu thống kê, phương pháp làm thống kê để đảm bảo tính chính xác, đầy đủ và tính mở của các dữ liệu. Trong đó, cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, hợp tác công - tư, tận dụng tối đa hạ tầng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn để thực hiện khảo sát, lưu trữ, phân tích dữ liệu thống kê; tận dụng đội ngũ chuyên gia phân tích dữ liệu để có thể khai thác, cung cấp thông tin dự báo, phân tích so sánh, hỗ trợ ra quyết định.

Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã xác định các mục tiêu cụ thể cho các giai đoạn phát triển của đất nước. Trong đó, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và phát triển mạnh khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh phát triển kinh tế số, xã hội số, là những đột phá quan trọng. Nghị quyết số 16/2021/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 cũng đã đặt chỉ tiêu kinh tế số đạt khoảng 20% GDP. Vì vậy, việc xây dựng các chỉ tiêu liên quan đến nguồn nhân lực, đến lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông phải bám sát các nghị quyết này. 

Về nguồn nhân lực nói chung và nhân lực cho chuyển đổi số nói riêng, hiện chúng ta  mới chỉ có chỉ tiêu “tỷ lệ lao động qua đào tạo”, chưa thấy chỉ tiêu chi đầu tư của nhà nước cho đào tạo nhân lực, nhất là nhân lực có trình độ cao. Vì vậy, cần làm rõ tỷ lệ lao động là chuyên gia có trình độ cao, tỷ lệ lao động có bằng đại học, đặc biệt là tỷ lệ chi đầu tư của nhà nước cũng như tỷ lệ đóng góp vào GDP chung của nhóm lao động này. 

Về chỉ tiêu kinh tế số, hiện nay chúng ta mới chỉ quan tâm đến các chỉ tiêu như doanh thu dịch vụ công nghệ thông tin, doanh thu dịch vụ nền tảng số và kinh doanh trực tuyến, doanh thu dịch vụ bưu chính, viễn thông… Kinh tế số có phải chỉ bao gồm những dịch vụ như vậy hay không? Chúng ta sẽ thực hiện việc thống kê các chỉ tiêu này như thế nào? Vì vậy, cần cụ thể hóa “chi cho chuyển đổi số” theo hướng xác định rõ tỷ lệ hợp tác công - tư trong việc đầu tư xây dựng và cung cấp các dịch vụ công trực tuyến. Và, khi nói đến dịch vụ công trực tuyến, phải nhắc đến phần lõi, là các phần mềm dịch vụ công. Phần mềm giống như một cơ thể sống, luôn đòi hỏi phải có chi phí vận hành, cập nhật, vá lỗi… Nếu không có nguồn thu để thực hiện công việc vận hành, bảo trì và phát triển thì sau một thời gian sử dụng, phần mềm sẽ tự chết. Khu vực kinh tế tư nhân sẽ luôn biết tạo nguồn thu và họ cũng có sẵn nền tảng với rất nhiều người dùng nên chi phí ban đầu ít. 

Đẩy mạnh hợp tác công - tư trong công tác thống kê là yêu cầu tất yếu, và đây cũng là chìa khóa để thực hiện thành công tiến trình chuyển đổi số quốc gia.

Tin cùng chuyên mục