Đẩy mạnh đào tạo nghề để đối phó thiếu hụt lao động

Dịch Covid-19 cho thấy sự phụ thuộc vào lao động nhập cư của Australia trong một số ngành nghề. Do vậy, nhiều ý kiến cho rằng, cần đẩy mạnh đào tạo nghề cho người đang tìm việc làm trong nước, góp phần giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động.
Nghề đầu bếp tại Australia đang thiếu hụt lao động
Nghề đầu bếp tại Australia đang thiếu hụt lao động

Lĩnh vực xây dựng được dự báo thiếu hụt 100.000 lao động trong năm 2023. Y tế và chăm sóc trẻ em cần thêm 250.000 lao động từ nay đến năm 2025. Trong khi đó, công nghệ thông tin đang gặp khó khăn khi thiếu hụt lao động có trình độ… Để đáp ứng cho lượng lao động thiếu hụt, chương trình di dân lâu dài của Australia cho năm 2022-2023 được giới hạn ở 160.000 suất (giai đoạn 2021-2022, cũng ở mức 160.000 suất, được phân chia gần như đồng đều giữa di dân có tay nghề cao và di dân diện gia đình). Theo kế hoạch mới nhất của Chính phủ Australia, di dân tay nghề cao sẽ được ưu tiên. Năm tới, hơn 2/3 số di dân dự kiến đến Australia thuộc về các loại visa tay nghề. 

Dù vậy, các nhóm vận động hành lang doanh nghiệp và nghiệp đoàn đều kêu gọi nâng định mức di dân lên 200.000 trong 2 năm tới để giảm bớt tình trạng thiếu hụt lao động. Trước sức ép trên, Thủ tướng Australia Anthony Albanese khẳng định, lao động nhập cư chỉ là một phần của giải pháp cho tình trạng thiếu hụt lao động kỹ năng hiện nay. Chính phủ Australia sẽ tập trung đầu tư cho lĩnh vực dạy và đào tạo nghề, gồm cung cấp 465.000 suất học nghề miễn phí cho người lao động Australia có nhu cầu và nâng cấp hạ tầng thiết yếu cho các hoạt động này. Thủ tướng Anthony Albanese nhấn mạnh: Không có gì sai khi nói rằng di cư là một phần của giải pháp, nhưng đó không phải là duy nhất. Chúng ta phải đào tạo và cung cấp kỹ năng cho người Australia; phải mang những cơ hội đó đến với người Australia.

Pi-Shen Seet, Giáo sư về khởi nghiệp và đổi mới tại Đại học Edith Cowan, Tây Australia, cho biết, Australia có lịch sử lâu đời trong việc đào tạo lao động tại địa phương và sử dụng di dân có tay nghề cao để lấp đầy khoảng trống trong các ngành nghề khác nhau. Điều đó phần lớn phụ thuộc vào cung và cầu. 

Danh sách 10 ngành nghề đang thiếu nhân lực có kỹ năng nhất ở xứ sở chuột túi do chính phủ nước này công bố được xây dựng dựa trên nhu cầu của người sử dụng lao động gồm: quản lý xây dựng, kỹ thuật dân dụng, giáo viên mầm non, y tá (điều dưỡng), phân tích hệ thống và kinh doanh công nghệ thông tin và viễn thông (ICT), lập trình phần mềm và ứng dụng, thợ điện, đầu bếp, chăm sóc trẻ, chăm sóc người già và người khuyết tật. Theo Chủ tịch Tuần lễ Kỹ năng quốc gia Brian Wexham, đây là thời điểm để những sinh viên mới tốt nghiệp ra trường, những người muốn học cân nhắc các lựa chọn của mình và xem xét những ngành nghề có nhu cầu trong tương lai.

Việc công bố danh sách diễn ra ngay trước thềm hội nghị thượng đỉnh về việc làm và kỹ năng của Chính phủ Australia, dự kiến được tổ chức tại Canberra vào ngày 1 và 2-9. Thủ tướng Albanese cho biết, hội nghị kéo dài 2 ngày, tập hợp các nghiệp đoàn, tập đoàn kinh doanh và những người giúp điều hành lĩnh vực VET (giáo dục - đào tạo nghề) sẽ là nơi thảo luận để đưa ra các giải pháp tức thì cho tình trạng thiếu hụt lao động mà Australia đang đối mặt. Hội nghị lần này được xem là con đường phát triển và cải thiện thị trường lao động của xứ sở chuột túi.

Tin cùng chuyên mục