Dạy học tích hợp trong điều kiện “bình thường mới”

Nhiều năm trở lại đây, giáo dục STEM (hoạt động giáo dục tích hợp các môn Toán, Khoa học, Kỹ thuật và Công nghệ) được triển khai rộng rãi tại các trường học. Trong bối cảnh học sinh đến trường còn hạn chế, hoạt động này cần môi trường giảng dạy linh hoạt hơn, trong đó người thầy đóng vai trò chủ động để trang bị kiến thức, kỹ năng cho học sinh, đáp ứng yêu cầu đổi mới.
Dạy học tích hợp trong điều kiện “bình thường mới”

Nỗ lực duy trì hoạt động

Mới đây, vòng thi phản biện cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp trường lần thứ XI năm học 2021-2022 do Trường THPT Gia Định (quận Bình Thạnh, TPHCM) tổ chức đã diễn ra sôi nổi với sự tham gia tranh tài của 75 học sinh với 38 đề tài nghiên cứu ở các lĩnh vực Hóa - Sinh, Khoa học xã hội - hành vi và Tin học - Vật lý.

Điểm mới của cuộc thi năm nay là tất cả phần thi đều diễn ra theo hình thức trực tuyến, học sinh trả lời câu hỏi phản biện của hội đồng giám khảo thông qua màn hình máy tính được kết nối internet.

Theo một thành viên trong ban tổ chức, số lượng đề tài dự thi năm nay không giảm so với các năm trước, dù thời điểm triển khai cuộc thi (cuối tháng 10-2021) học sinh chưa đến trường học trực tiếp do ảnh hưởng của dịch bệnh. Đây là một trong những nỗ lực của nhà trường trong việc duy trì các hoạt động trải nghiệm cho học sinh trong bối cảnh dạy học trực tuyến còn hạn chế. 

Tương tự, tại Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (quận 1, TPHCM), cuối tuần qua đã diễn ra vòng chung kết cuộc thi “Học sinh nghiên cứu khoa học cấp trường” dành cho học sinh từ khối 6 đến khối 12. Nhiều học sinh đánh giá, cuộc thi thay đổi hình thức tham gia từ trực tiếp sang trực tuyến để phù hợp bối cảnh dịch bệnh buộc các em phải đầu tư, chuẩn bị tốt hơn trong việc truyền đạt nội dung đề tài nghiên cứu, vì mọi tương tác đều diễn ra gián tiếp qua màn hình máy tính.

Dạy học tích hợp trong điều kiện “bình thường mới” ảnh 1 Vòng chung kết cuộc thi “Học sinh nghiên cứu khoa học cấp trường” do Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa vừa tổ chức trực tuyến

Ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở GD-ĐT TPHCM, cho biết, khó khăn lớn nhất hiện nay đối với giáo dục STEM là thời gian học sinh đến trường còn hạn chế. Trong khi đó, hoạt động giáo dục này ngoài việc yêu cầu học sinh nghiên cứu lý thuyết, còn đòi hỏi người học phải thực hành, vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết vấn đề đặt ra trong thực tế. Hiện nay, các trường đang triển khai giáo dục STEM theo nhiều hình thức, cấp độ khác nhau. Ở mức độ cơ bản là tích hợp các hoạt động trò chơi trên lớp, cao hơn là giáo án bài dạy liên môn, hoặc dạy học theo chủ đề, dự án.

“Tùy vào điều kiện thực tế tại đơn vị, trường học có thể triển khai hoạt động theo nhiều mức độ. Tuy nhiên, cần tránh tình trạng làm theo lối mòn là dạy học theo một giáo án có sẵn, yêu cầu học sinh thao tác mà không kèm hướng dẫn, không truyền được đam mê nghiên cứu khoa học cho các em”, ông Lê Duy Tân bày tỏ. 

Linh hoạt và thích ứng trong tình hình mới

Giáo viên Nguyễn Minh Lý, Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (quận Tân Bình, TPHCM) nêu thực tế, so với học trực tiếp trên lớp, dạy học qua internet khiến thời gian tương tác giữa giáo viên và học sinh ít đi. Trong khi đó, giáo dục STEM đòi hỏi cả người dạy lẫn người học phải đầu tư kiến thức nhiều hơn.

Trước băn khoăn này, đại diện Phòng Giáo dục trung học (Sở GD-ĐT) cho biết, chương trình giáo dục mới trao quyền chủ động cho giáo viên. Căn cứ vào mục tiêu môn học, giáo viên hoàn toàn chủ động trong việc hướng dẫn học sinh tìm hiểu kiến thức thông qua nhiều nguồn học liệu khác nhau. 

Dạy học tích hợp trong điều kiện “bình thường mới” ảnh 2

Theo bà Trần Thị Kim Thanh, Phó Trưởng phòng Giáo dục thường xuyên (Sở GD-ĐT), trên cơ sở khung chương trình của Bộ GD-ĐT, giáo viên phải sáng tạo trong việc thiết kế các hoạt động giảng dạy. Tuy nhiên, thầy, cô giáo trước đây đều được đào tạo đơn môn, đổi mới giáo dục theo hướng liên môn, tích hợp trở thành thách thức không nhỏ đối với đội ngũ. 

TS Nguyễn Thanh Hải, Viện Nghiên cứu giáo dục STEM, Đại học Missouri (Mỹ) chia sẻ, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, học sinh có thể tiếp cận giáo dục STEM thông qua hình thức mới là online. Trong đó, yêu cầu thực hành cần được hiểu theo hướng mở là không chỉ hướng dẫn người học thao tác đơn thuần mà giáo viên cần đặt những câu hỏi gợi mở, qua đó kích thích khả năng tư duy và sáng tạo của học sinh. Tuy nhiên, chuyên gia này cũng thừa nhận, đây là giải pháp học tập tạm thời, về lâu dài, học sinh cần được đến trường để tương tác trực tiếp với giáo viên, phát triển các kỹ năng quan sát, nghiên cứu, thực nghiệm… 

Tại Mỹ, giáo viên tham gia bồi dưỡng, tập huấn phương pháp giáo dục STEM được cấp kinh phí để sau khi tập huấn trở về đơn vị có đủ điều kiện trang bị công cụ, tài liệu triển khai trong thực tế. Trong khi đó, ở Việt Nam, nhiều khóa bồi dưỡng STEM giáo viên phải đóng tiền mới được tham gia, nhiều trường hợp sau khi bồi dưỡng xong trở về không thể áp dụng do “không bột khó gột nên hồ”.  
TS NGUYỄN THANH HẢI, Viện Nghiên cứu giáo dục STEM, 
Đại học Missouri, Mỹ

Ông Hung Chuan Khoo, Giám đốc cấp cao về Chuyển đổi số và Phát triển giáo dục, khu vực châu Á - Thái Bình Dương dự báo, trong tương lai, những tiến bộ về công nghệ tự động hóa và trí tuệ nhân tạo sẽ ảnh hưởng đến hầu hết các nhóm nghề nghiệp, đòi hỏi kỹ năng nhận thức cao hơn về hợp tác, giao tiếp, giải quyết vấn đề, tư duy phản biện và sáng tạo của người học.

Vì vậy, chương trình giáo dục phổ thông mới tại Việt Nam buộc phải đổi mới theo hướng tiếp cận phẩm chất, năng lực người học, qua đó tạo môi trường học tập thực tế, sinh động, nhiều cơ hội trải nghiệm giúp học sinh thích ứng với thay đổi của xã hội.

Tin cùng chuyên mục