Dạy học bậc mầm non: Lấy trẻ làm trung tâm

Khoảng 2 năm trở lại đây, phương pháp dạy học ở bậc mầm non thay đổi từ việc giáo viên cung cấp kiến thức, học sinh nghe và ghi nhớ chuyển thành học sinh chủ động tìm tòi để phát hiện kiến thức, qua đó phát huy khả năng sáng tạo của trẻ. 
Dạy học bậc mầm non: Lấy trẻ làm trung tâm

Giáo viên hướng dẫn và quan sát

Tại Trường Mầm non Hoa Đào (quận 12), tiết học “Khám phá khoa học vui” được giáo viên Lê Công Sự triển khai qua hoạt động cho học sinh làm thí nghiệm “Hạt tiêu chạy trốn”. Mở đầu tiết dạy, thầy Sự đóng vai nghệ sĩ ảo thuật với chiếc túi thần kỳ, “hô biến” ra các nguyên vật liệu nhằm tạo bất ngờ cho học sinh. Trước câu hỏi gợi mở của giáo viên, học sinh lần lượt chia sẻ ý tưởng của mình về sự kết hợp của các nguyên vật liệu đó. Các con được hướng dẫn đổ nước vào những chiếc đĩa hình tròn, rắc tiêu lên trên mặt nước, sau đó dùng đầu tăm bông chấm vào dung dịch xà phòng rồi chấm vào giữa mặt nước trên đĩa.

“Thầy ơi, tăm bông đuổi hạt tiêu ra phía ngoài hết rồi”, những tiếng “ồ”, “à” của học sinh vang lên đầy hứng khởi. Trước hình ảnh thực tế trước mắt, các con tranh nhau lý giải nguyên nhân của hiện tượng. Sau đó, giáo viên “chốt” lại kiến thức bằng cách dễ hiểu nhất, giúp học sinh nhớ lâu kiến thức… 

Thầy Lê Công Sự chia sẻ, phương pháp dạy học truyền thống trước đây là thầy cô thao tác, học sinh nhìn và làm theo, nay các con sẽ trực tiếp làm thí nghiệm, phát hiện kiến thức. Thầy cô chỉ đóng vai trò quan sát, hướng dẫn và hỗ trợ khi cần thiết. “Sự đổi mới phương pháp giúp học sinh phát triển tốt hơn khả năng tư duy và sáng tạo; đồng thời phát triển các kỹ năng ngôn ngữ, kích thích sự tò mò và khám phá kiến thức của các con”, thầy Sự bày tỏ. 

Thầy Lê Công Sự trong một tiết dạy “lấy trẻ làm trung tâm”

Đối với cô Đinh Tiểu Như Bình, giáo viên Trường Mầm non Long Bình (TP Thủ Đức), để áp dụng phương pháp dạy học lấy trẻ làm trung tâm, giáo viên cần chăm chút từng góc học tập trong lớp, liên tục sáng tạo đồ dùng, đồ chơi mới để mang lại hứng thú cho học sinh. Song song đó, bản thân cô Bình luôn quan sát, tìm hiểu nhu cầu và khả năng tiếp nhận kiến thức của học sinh. “Nhiều tiết học, tôi đã chuẩn bị sẵn đồ dùng dạy học và dự tính các hoạt động, nhưng khi lên lớp thấy học sinh không hứng thú, tôi sẽ chủ động thay đổi cho phù hợp khả năng tiếp nhận của các con”, cô Như Bình cho biết.

Đơn cử, với hoạt động rèn thể lực ngoài trời, học sinh được lựa chọn giữa 2 trò chơi vận động khác nhau. Bạn nào có thể lực tốt, thích vận động sẽ tham gia trò chơi “cướp cờ”, bạn nào thể lực không tốt sẽ chơi trò “Thỏ và chó sói”. Trong cả hai hoạt động, giáo viên đều lồng ghép nội dung giáo dục học sinh như biết tôn trọng luật chơi, kỹ năng phối hợp đồng đội, sẵn sàng hỗ trợ bạn khi cần thiết… 

Trong bối cảnh dạy học mới, cô Phạm Thị Phương Tâm, giáo viên Trường Mầm non 19/5 Thành phố, bày tỏ, giáo viên phải biết kết hợp kiến thức, kỹ năng về chuyên môn và tình huống thực tế trên lớp, đa dạng các hoạt động phù hợp từng đối tượng học sinh. Với cô Hà Tú Uyên, giáo viên Trường Mầm non Rạng Đông 7 (quận 6), dạy học theo phương pháp mới đòi hỏi không thể rập khuôn dạy “a” rồi mới đến “b”, “c” mà phải dạy theo khả năng tiếp thu của trẻ. Hoạt động nào trẻ cảm thấy hứng thú, giáo viên sẽ chủ động tăng cường, mở rộng, thiếu hụt ở đâu thì bổ sung ở đó chứ không cứng nhắc theo kế hoạch dạy học chung của toàn khối. 

Xây dựng môi trường học tập tích cực

Bà Lương Thị Hồng Điệp, Trưởng phòng Giáo dục mầm non (Sở GD-ĐT TPHCM), cho biết, sau dịch Covid-19, để củng cố môi trường giảng dạy, Sở GD-ĐT TPHCM đã đẩy mạnh phong trào xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm. Qua đó, ngoài việc vận dụng kỹ năng, kiến thức đã học ở trường sư phạm, giáo viên còn phát huy khả năng sáng tạo trong việc tổ chức các góc học tập phát triển năng lực cho học sinh.

Các bức tranh, hình ảnh dán trên tường không treo cố định như trước mà có thể tháo gỡ, có sự tham gia của trẻ nhiều hơn. Ngoài ra, trong tất cả hoạt động, trẻ ở các trình độ, khả năng tiếp nhận khác nhau đều được tạo cơ hội tham gia ở nhiều vai trò, mức độ khác nhau nhằm phát huy tối đa khả năng sáng tạo cho trẻ. “Khi vận dụng phương pháp mới, vấn đề quan trọng không phải kinh phí mà là khả năng sáng tạo của giáo viên, chủ động đưa vào sử dụng các góc học tập linh hoạt, đem đến lợi ích tiếp thu cho trẻ”, bà Lương Thị Hồng Điệp nêu ý kiến.

Để tạo ra môi trường học tập tích cực, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Lê Hoài Nam cho rằng, ngoài kỹ năng, trình độ và tâm huyết, giáo viên cần có lòng yêu trẻ, biết lắng nghe, tìm hiểu nhu cầu của trẻ, sẵn sàng áp dụng các phương pháp dạy học tích cực, qua đó giúp trẻ mạnh dạn, tự tin thể hiện khả năng của mình. Đây là một trong những định hướng đúng đắn phát huy tính chủ động, sáng tạo của người học, qua đó góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy của bậc mầm non.

Thầy Lê Công Sự, giáo viên Trường Mầm non Hoa Đào (quận 12), cho biết: Dạy học theo phương pháp lấy trẻ làm trung tâm đòi hỏi giáo viên phải chuẩn bị nhiều học cụ hơn, phục vụ nhu cầu hoạt động cá nhân của từng trẻ. Do đó, để có tiết học đạt hiệu quả, cần sự phối hợp giữa nhà trường, giáo viên và phụ huynh trong việc chuẩn bị các nguyên vật liệu, mang lại tiết học sinh động, hứng thú cho học sinh.

Tin cùng chuyên mục