Dạy con từ chuyện lì xì

“Ê Thỏ, bác Bình lì xì anh có 50.000 đồng. Keo thấy ghê luôn á!”; “Em cũng y xì vậy nè anh hai. Hông bằng chú Tâm ha, 500.000 đồng nha, mở bao lì xì ra là thấy sướng. Chú Tâm giàu quá xá…”. Sau khi chào em trai để về, ngang qua cổng, anh Bình điếng người nghe mấy đứa cháu xì xầm bên hông nhà. 
Lì xì cho con trẻ là chuyện vui trong ngày tết nhưng cần phải hướng dẫn trẻ tiếp nhận và sử dụng tiền hợp lý
Lì xì cho con trẻ là chuyện vui trong ngày tết nhưng cần phải hướng dẫn trẻ tiếp nhận và sử dụng tiền hợp lý

“Lì xì gì keo thấy ghê!”

Tiếng bàn tán của mấy đứa cháu sau khi được lì xì, bình phẩm các kiểu đến giờ vẫn làm anh Nguyễn Văn Bình (quận 8, TPHCM) chưa hết băn khoăn. Anh nói: “Đám nhỏ giờ hư quá! Đã biết bình phẩm, lấy tiền lì xì làm thước đo giàu nghèo, keo hay sang… Ai đã tập cho tụi nó cái thói quen xấu xí mở bao lì xì rồi bình phẩm loạn xạ như vậy? Tui giận đám cháu thì ít mà giận người lớn thì nhiều. Tại sao không dạy trẻ về ý nghĩa của việc lì xì? Lì xì là để mang lại điều may mắn. Khả năng mình như thế nào thì cứ lì xì như vậy, đâu cần đu đeo theo người khác làm gì? Căng thẳng hơn thua nhau chỉ tổ viêm màng túi mình. Năm sau, gặp đứa cháu nào láo nháo là tui dẹp luôn, khỏi lì xì gì hết trơn”. 

Như anh Bình còn đỡ, trường hợp chị Phạm Thị Phương (quận Thủ Đức, TPHCM) mới sốc. Trưa mùng 2 Tết, chị Phương và mấy người bạn đến thăm, chúc tết gia đình đồng nghiệp. Chị đã chuẩn bị sẵn vài phong bao lì xì tiền mới, mệnh giá nhỏ để mừng tuổi con bạn. Vừa vào phòng khách, đứa con gái 8 tuổi lanh lợi của bạn đã ra chào, chúc tết rôm rả. Chị Phương giở túi rút ra bao lì xì cho bé. Bất ngờ, bé rút ngay kiểm tra tiền lì xì, rồi trề môi: “Gì mà có 50.000 đồng?”. Khi chị Phương trố mắt ngạc nhiên, cháu bé vội dúi bao lì xì vô tay mẹ, kêu: “Thôi, mẹ giữ đi. Con chạy ra ngoài chơi xíu. Lì xì keo thấy ghê…”. Mẹ của bé cầm bao lì xì mà đỏ mặt với chị Phương, nói thanh minh: “Cháu còn nhỏ, chưa biết gì đâu nên mới nói vậy đó…”.

Đến nay, chị Phương vẫn còn cảm giác khó chịu. Chị nói: “Con cháu ở nhà tôi, đứa nào cũng được giáo dục cẩn thận, không bao giờ tự mở phong bì trước mặt khách, nhận xong thì để vào túi, hoặc đưa bố mẹ cầm giùm. Được bao nhiêu cũng vui, chứ ai đời mở ra trước mặt khách, rồi chê bai này nọ. Chắc năm sau khỏi tới nữa, sốc một lần là quá đủ”.

Mà đâu chỉ đám con nít, chính người lớn trong nhà đôi khi lại là người “nhiều chuyện”, cân đo đong đếm tiền lì xì, rồi tụi nhỏ ảnh hưởng theo. Chị Ngô Thị Thu Hằng (huyện Củ Chi, TPHCM) kể đã rất sốc khi cùng chồng về quê và chứng kiến người trong nhà điểm mặt, điểm tiền lì xì. Chị kể: “Các cháu được lì xì xong là bà nội lại kêu khui ra coi các thím, các dượng lì xì bao nhiêu. Bao nào tiền mừng tuổi nhiều thì bà khen nức nở, bao nào của ai ít, bà bĩu môi. Thậm chí, có cái bà chì chiết chê ít, lì xì cho con cháu mà keo kiệt… Thật sự, mình thấy áp lực, không vui khi chứng kiến điều này”. 

Bài học từ tiền mừng tuổi

Trước những biến tướng của lì xì, đối tượng cần điều chỉnh trước là người lớn, điều chỉnh cách dạy con hiểu về tiền mừng, điều chỉnh cách lì xì. 

Chị Hoàng Thị Thanh (thị xã Dĩ An, Bình Dương) chia sẻ: “Tui có khoảng 12 đứa cháu, lớn nhỏ gì cũng ráng lì xì cho nó vui. Tui thường bỏ tiền nhiều mệnh giá vào các bao lì xì. Xong đâu đó, ngày sum họp cho tụi nhỏ bốc, trúng cái nào lấy cái đó. Vừa đúng ý nghĩa lì xì, vừa hợp khả năng tài chính. Đứa bốc được 20.000 đồng mặt có hơi xìu chút so với đứa khác. Nhưng không có một đưa nào dám ồn ào. Ai ồn ào, càm ràm thì năm sau không cho rút.

Cách này áp dụng 2 năm nay, tui thấy khá ổn”. Còn anh Lê Văn Thành chia sẻ: “Anh em trong nhà tôi có hơn 10 đứa con cháu lớn nhỏ. Chúng tôi hay bảo nhau lì xì cho các cháu trong nhà không nên nhiều, tối đa là 100.000 đồng với mấy bé lớn, còn lại thường chỉ nên 50.000 đồng thôi. Tụi trẻ con thì không ý thức được nhưng mình là người lớn, mình tự bảo nhau được mà. Tết là dịp gia đình gặp mặt, trò chuyện vui vẻ. Đừng để vì chuyện tế nhị như lì xì mà mất đi ý nghĩa thực sự của ngày này”. 

Lì xì mừng tuổi cho trẻ con là một tục lệ tốt đẹp ngày tết. Tuy nhiên, trẻ nhận tiền mừng nhưng lại ít được cha mẹ chia sẻ về nguồn gốc, ý nghĩa của việc này. Do đó, điều quan trọng nhất là mỗi bậc cha mẹ cần giáo dục cho con biết cách ứng xử với tiền mừng tuổi. Đừng nhồi nhét vào đầu con trẻ chuyện so sánh tiền mừng tuổi mà nên dạy trẻ biết trân trọng vì đây là sự tượng trưng cho sự may mắn năm mới. Cha mẹ có thể làm mẫu để trẻ tập theo những động tác đơn giản như đưa 2 tay nhận, khoanh tay nói lời cảm ơn, gửi lời chúc sức khỏe, may mắn. Đặc biệt, cha mẹ không nên “phân tích” bao lì xì trước mặt con. Hãy để con hồn nhiên vui tết và lại háo hức chờ tết sau.

Dạy con cách xài tiền lì xì cũng là một việc khá quan trọng, cần định hướng cho trẻ sử dụng tiền hợp lý, không lãng phí. Chị Hồ Thị Mỹ Linh (42 tuổi, quận 3, TPHCM) chia sẻ cách dạy con: “Con trai tôi đã học lớp 7. Qua mấy ngày tết, con nhận gần 5 triệu đồng tiền lì xì, đây là số tiền lớn đối với con. Tôi dạy con bài học về sự lễ phép, về lòng biết ơn và về quản lý tài chính. Tôi nói rõ ràng với con, rằng sẽ được giữ một khoản tiền vừa phải để mua những thứ con thích. Còn lại mẹ sẽ để vào sổ tiết kiệm. Khi nào có việc cần kíp phải lo cho con như đóng học phí, mua xe đẹp, mua điện thoại… thì mới dùng số tiền đó. Mình không để cho con ngợp trước tiền triệu, rồi cứ nghĩ nó đang có nhiều tiền và muốn mua gì cũng được”.

Tin cùng chuyên mục