Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng:

Đấu võ không xin phép có thể bị xử lý hình sự!

Hoạt động thi đấu võ thuật có đặc thù có thể gây nguy hiểm, ảnh hưởng sức khỏe, thậm chí tính mạng người khác. Do vậy, trong trường hợp tổ chức, cá nhân vi phạm những điều cấm trong Điều 10 của Luật thể dục, thể thao sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Trong những ngày qua, võ sư người nước ngoài Pierre Francois Flores, được cho là cao thủ Vịnh Xuân Quyền tại Canada, đã liên tiếp có các trận đấu với một số võ sư trong nước. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu tổ chức thi đấu đối kháng có sự cho phép của cơ quan nhà nước hoặc thi đấu trên tinh thần võ học và dừng lại ở việc giao lưu, học hỏi thì sẽ không phát sinh rắc rối về pháp lý.

Tuy nhiên, nếu việc tổ chức đấu võ tự phát hoặc cổ xúy việc thách đấu tràn lan, thiếu luật lệ, thiếu tổ chức, gây mâu thuẫn giữa các môn phái, tăng tính hơn thua trong võ thuật, thì sẽ phải gánh chịu các trách nhiệm pháp lý. Phóng viên SGGP đã trao đổi với ông Vương Bích Thắng, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT xung quanh vấn đề này.

Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng

* Phóng viên: Cơ quan quản lý có nắm bắt được thông tin về các trận đấu võ vừa qua không, thưa ông?

- Ông Vương Bích Thắng: Chúng tôi đã nắm được thông tin và sớm có trao đổi với Sở VH-TT của Hà Nội, địa phương xảy ra 2 cuộc tỉ thí võ nêu trên. Sở VH-TT Hà Nội đã nắm được sự việc từ rất sớm và có văn bản gửi lên Tổng cục. Trên cơ sở này, chúng tôi phối hợp, đề nghị Sở VH-TT Hà Nội phải nắm chắc tình hình. Hiện chúng tôi vẫn đang chờ báo cáo cụ thể để có hướng xử lý tiếp theo.

* Việc thách đấu và nhận lời thách đấu là điều thường thấy trong giới võ thuật. Song về mặt luật pháp thì những trận đấu như vậy là có hợp pháp không, thưa ông?

- Những sự kiện như vậy trước đây cũng từng xảy ra trong các đại hội võ thuật của chúng ta. Trước hết là phải xác định tính chất của nó là một trận thách đấu hay rèn luyện, giao lưu với nhau. Điều 10 của Luật thể dục, thể thao quy định cấm: “Lợi dụng hoạt động thể dục, thể thao xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; gây thiệt hại đến sức khoẻ, tính mạng con người, trái với đạo đức, thuần phong mỹ tục và bản sắc văn hóa dân tộc; bạo lực trong hoạt động TDTT”. Hoạt động thi đấu võ thuật có đặc thù là có thể gây nguy hiểm, làm ảnh hưởng tới sức khỏe, thậm chí tính mạng người khác. Do vậy, trong trường hợp tổ chức, cá nhân vi phạm điều cấm nêu trên sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

* Ở bên lề các đại hội võ thuật đã có các trường hợp giao lưu học hỏi võ thật như vậy, song các trận thách đấu đơn lẻ như trường hợp của võ sĩ Pierre Francois Flores có tiền lệ chưa?

- Việc thách đấu và nhận thách đấu trong võ thuật đã từng xảy ra trước đây đã có và thường được tổ chức kín, trong nội bộ các võ trường. Tuy nhiên để hoạt động trên diễn ra một cách hợp pháp, các tổ chức, cá nhân phải bảo đảm không vi phạm quy định Điều 10 của Luật thể dục, thể thao. Trường hợp tổ chức một giải thi đấu thể thao quần chúng, tổ chức, cá nhân phải thực hiện các quy định tại Thông tư số 09/2012/TT-BVHTDL ngày 19/11/2012 của Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL.

Võ sư Pierre Francois Flores đã liên tiếp có các trận đấu với một số võ sư trong nước

* Nếu xác định là hành vi vi phạm pháp luật thì sẽ có chế tài cụ thể như thế nào?

- Tuỳ theo tính chất và mức độ vi phạm pháp luật về thể dục thể thao, tổ chức, cá nhân sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Về xử lý vi phạm hành chính sẽ thực hiện theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính và Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hoá, thể thao, du lịch và quảng cáo. Về xử lý hình sự thì thực hiện theo quy định của Bộ luật Hình sự.

* Theo ông, làm thế nào có thể quản lý tốt để không xảy ra những hoạt động tự phát tương tự. Quản lý các hoạt động như vậy thuộc quyền của Tổng cục TDTT, Bộ VH-TT-DL hay Bộ Công an?

- Để hoạt động võ thuật nói riêng và hoạt động thể dục thể thao nói chung tuân thủ đúng quy định, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức cho các tổ chức, cá nhân có liên quan; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Về thẩm quyền quản lý hoạt động thể dục thể thao đã có quy định và phân cấp rất rõ ràng giữa các cơ quan, đơn vị. Ngoài ra, năm 2016 Bộ VH-TT-DL, Bộ Công an đã ban hành Thông tư liên tịch số 02/2016/TTLT-BVHTTDL-BCA hướng dẫn phối hợp công tác bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch để phối hợp xử lý những vấn đề liên ngành, trong đó có việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý theo thẩm quyền hành vi bạo lực, gây rối trật tự công cộng và các hành vi tiêu cực khác trong hoạt động thể dục thể thao.

* Rất may mắn là cả hai trận đấu trên, dù cơ sở vật chất, điều kiện thi đấu sơ sài, không an toàn… nhưng không xảy ra thiệt hại về con người. Song nếu trường hợp xấu xảy ra thì sẽ bị áp dụng chế tài gì?

- Việc tổ chức, cá nhân tiến hành tổ chức thi đấu (thách đấu) không tuân thủ các quy định của pháp luật sẽ phải chịu trách nhiệm về hành vi và hậu quả xảy ra.

*Xin cảm ơn ông! 

Tin cùng chuyên mục