Đầu tư xanh không còn khó

Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam - châu Âu (EVFTA) đã được thông qua. Trước đó, 13 FTA khác cũng đã được Việt Nam ký kết với nhiều nước trên thế giới, mở ra những cơ hội thâm nhập thị trường lớn cho hàng Việt Nam xuất khẩu. Tuy nhiên, cơ hội trên chỉ có thể tận dụng được khi doanh nghiệp (DN) Việt vượt qua được hàng loạt rào cản kỹ thuật, trong đó có rào cản về môi trường.
Sử dụng robot trong xử lý trứng, thực hiện sản xuất xanh tại doanh nghiệp ở TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG
Sử dụng robot trong xử lý trứng, thực hiện sản xuất xanh tại doanh nghiệp ở TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Muốn ra biển lớn, phải vượt “rào cản xanh”

Phân tích về rào cản kỹ thuật, ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM, cho biết muốn xuất khẩu hàng hóa sang thị trường nước ngoài (nhất là những thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản), ngoài những tiêu chuẩn chất lượng, hình thức bao bì, thông tin sản phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm… thì tiêu chuẩn môi trường cũng là tiêu chí bắt buộc. 

Việc đánh giá tiêu chuẩn này sẽ có 2 dạng. Một là DN tự thuê các tổ chức kiểm định độc lập kiểm tra và chứng nhận. Tuy nhiên, cũng có trường hợp sẽ do tổ chức kiểm định độc lập của thị trường các nước xuất khẩu thực hiện kiểm tra và đánh giá. Các chuyên gia của các tổ chức trên sẽ sang làm việc trực tiếp với DN mà DN không tốn bất kỳ chi phí nào. Những tiêu chí được căn cứ để đánh giá DN cũng hết sức khắt khe và tiêu chí này thay đổi hàng năm, theo hướng ngày càng khó hơn. Do vậy, chỉ có những DN thực sự có quy trình sản xuất đạt chuẩn quốc tế mới có thể đáp ứng được các yêu cầu đặt ra.

Trên thực tế, với những DN đã và đang xuất khẩu hàng hóa vào các thị trường Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản… thì rất quen với các đánh giá này. Thế nhưng, với những DN mới tham gia vào thị trường xuất khẩu, điều này sẽ không dễ dàng. Trước tình hình đó, Bộ TN-MT đã triển khai mạnh chương trình hỗ trợ tài chính xanh cho DN chuyển đổi công nghệ sản xuất. Theo ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ TN-MT, tính đến hết năm 2018, Quỹ Bảo vệ môi trường đã hỗ trợ cho 294 dự án vay vốn với tổng số tiền hơn 2.500 tỷ đồng. Hiện quỹ đã ký kết hợp đồng tín dụng đạt 379,99 tỷ đồng, giải ngân vốn vay 324,77 tỷ đồng, đạt mức tăng trưởng hơn 33% so với năm 2017. Về thu hồi nợ gốc, đạt 161,23 tỷ đồng. 

Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động cũng đã bộc lộ một số tồn tại, vướng mắc về cơ chế huy động vốn, cơ chế cho vay, hỗ trợ lãi suất, tài trợ. Đồng thời, số lượng các dự án bảo vệ môi trường được hỗ trợ tài chính của quỹ cũng còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn. Đại diện Công ty cổ phần Đầu tư phát triển nhà và khu công nghiệp Đồng Tháp chia sẻ, trong quá trình nâng cấp mở rộng Khu công nghiệp Sadec, đơn vị cần Quỹ Bảo vệ môi trường hỗ trợ vốn vay để nâng cấp hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung. Thế nhưng, với cơ chế tài sản đảm bảo bằng bảo lãnh của các tổ chức tín dụng, sẽ làm gia tăng chi phí do bảo lãnh ngân hàng khá cao. Ngoài ra, để được tổ chức tín dụng cấp khoản bảo lãnh này, DN cần có tài sản đảm bảo tại ngân hàng, cùng với đó là việc tổ chức tín dụng thẩm định dự án. Điều này đã hạn chế đáng kể DN tham gia đầu tư trong lĩnh vực môi trường tiếp cận nguồn vốn vay của quỹ. Mặt khác, thời gian vay vốn của quỹ chỉ kéo dài được 5 - 7 năm, không tương xứng với thời gian hoạt động dự án môi trường. 

Rộng cửa với vốn vay ưu đãi

Trước thực tế trên, hiện Bộ TN-MT đã tham mưu và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về việc tăng vốn điều lệ của Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam, kết hợp sửa đổi thông tư hướng dẫn việc cho vay với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ lãi suất sau đầu tư. Về lĩnh vực cho vay cũng được mở rộng hơn. Cụ thể, đối tượng vay sẽ đa dạng ở nhiều lĩnh vực như thu gom, vận chuyển và xử lý nước thải; xây dựng hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề. Đặc biệt, DN có nhu cầu xây dựng hệ thống sử dụng năng lượng gió, mặt trời, hoặc cải tạo dây chuyền sản xuất sẽ được hỗ trợ vốn vay để mua hoặc nhập khẩu máy móc, thiết bị, phương tiện chuyên dùng. Ngoài ra, trong giai đoạn 2019-2021, quỹ sẽ tập trung hỗ trợ mạnh cho các chương trình mục tiêu, trọng điểm của Chính phủ là cải tạo môi trường các lưu vực sông, ô nhiễm làng nghề, ô nhiễm môi trường khu công nghiệp; ô nhiễm chất thải sinh hoạt; ứng dụng và triển khai công nghệ sạch, thân thiện môi trường; tiết kiệm năng lượng...

Bà Dương Thị Phương Anh, Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam, cho biết thêm, mức lãi suất vay, thời gian vay cũng được điều chỉnh theo hướng thuận lợi hơn cho DN. Trường hợp DN được cho vay, sẽ được hưởng lãi suất vay ưu đãi từ 2,6% - 3,6%/năm, cố định trong suốt thời gian vay. Mức vay tối đa 70% tổng mức đầu tư nhưng không quá 36,6 tỷ đồng đối với một dự án và không quá 73,2 tỷ đồng đối với một chủ đầu tư. Thời gian vay tối đa 10 năm và được ân hạn thêm không quá 2 năm.

Cùng với những cải cách trong hoạt động cho vay vốn, Bộ TN-MT cũng cam kết sẽ cải cách thủ tục hành chính để đơn giản hoạt động cho vay vốn; từng bước, đáp ứng tối đa nhu cầu cải thiện môi trường sản xuất, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của DN trong bối cảnh hội nhập hiện nay.

Tin cùng chuyên mục