Đầu tư nền tảng hội nghị trực tuyến

Thị trường hội nghị truyền hình trực tuyến tại Việt Nam vừa chứng kiến sự ra mắt của hai nền tảng hội nghị trực tuyến gồm giải pháp do doanh nghiệp Việt Nam tự xây dựng, phát triển có tên gọi Zavi và giải pháp phát triển sử dụng mã nguồn mở CoMeet. Đây là điển hình cho sự đầu tư, phát triển, ứng dụng công nghệ… theo hướng “Make in Vietnam”. 

Hai nền tảng hội nghị trực tuyến trên có giá trị đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 phức tạp, trở thành công cụ thiết yếu phục vụ nhu cầu hội họp, làm việc từ xa, học tập của rất nhiều người. Tại thị trường Việt Nam, nền tảng họp trực tuyến hiện có Microsoft Teams, Skype (phiên bản miễn phí của Teams), Google Hangout, Google Meet, Gotomeeting hay Messenger của Facebook… rồi cũng vì có quá nhiều nền tảng để rồi rơi vào cảnh mạnh ai nấy dùng, trong đó có cả nền tảng được cảnh báo mất an toàn thông tin như Zoom.

Đó cũng là lúc chúng ta nhìn thấy sự cần thiết của nền tảng hội nghị trực tuyến do chính các doanh nghiệp Việt Nam phát triển, quản lý, vận hành, dưới sự dẫn dắt của Bộ TT-TT nhằm phục vụ nhu cầu của các tổ chức, doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số đang và đã diễn ra mạnh mẽ. 

Ra đời đầu tiên phải nói đến nền tảng hội nghị trực tuyến Zavi vào giữa tháng 5-2020, cuộc ra mắt khá ấn tượng khi Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Thành Hưng đã thực hiện cuộc họp trực tuyến đầu tiên qua Zavi để chỉ đạo công việc từ xa đến các Sở TT-TT Hà Giang và Quảng Ninh về tình hình triển khai ứng dụng Bluezone (ứng dụng hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19) tại các tỉnh. Nền tảng Zavi được hoàn thành chỉ trong thời gian ngắn giãn cách xã hội đã cho thấy khát vọng lớn lao của các kỹ sư Việt Nam làm ra các sản phẩm tiệm cận đẳng cấp quốc tế; đồng thời thể hiện khát khao của Chính phủ, Bộ TT-TT trong việc thúc đẩy phát triển ngành CNTT. 

Zavi có thể hỗ trợ cuộc họp lên đến 100 người trong thời gian liên tục 24 giờ với thao tác đơn giản, dễ sử dụng với người Việt. Phiên bản gần nhất đã có các tính năng cơ bản của một hệ thống hội nghị truyền hình (video conferencing) và vẫn đang liên tục được nâng cấp, hoàn thiện và phát triển. Người đứng đầu nền tảng này (cũng là đứng đầu Zalo của VNG) cho biết, trong thời gian tới, bên cạnh việc nâng cấp, hoàn thiện và cung cấp trên các nền tảng Android, MAC OS và các trình duyệt, Zavi dự kiến cung cấp dịch vụ giải pháp hội nghị trực tuyến dùng riêng trên hạ tầng đám mây cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu… Zavi cũng đang nghiên cứu phát triển để có thể sử dụng chuyên biệt cho các cơ quan nhà nước.

Mới hơn, cuối tháng 5-2020, giải pháp hội nghị trực tuyến CoMeet đã ra mắt. Liên minh CoMeet gồm 6 thành viên: CMC TS, NetNam, iWay, Cyradar, FDS, DQN và cũng dưới sự bảo trợ của Bộ TT-TT với sự đồng hành của Cục Tin học hóa và Câu lạc bộ Phần mềm tự do nguồn mở Việt Nam (VFOSSA). CoMeet được đưa vào ứng dụng với kỳ vọng kịp thời đáp ứng nhu cầu sử dụng các công cụ làm việc online khi dịch Covid-19 vẫn đang còn nhiều diễn biến phức tạp. 

CoMeet với các tính năng đáng chú ý như tổ chức hội họp trực tuyến, không hạn chế số điểm tham gia, chia sẻ màn hình của tất cả các thành viên theo điều phối của người quản trị, trò chuyện riêng qua tính năng chat, ghi lại nội dung cuộc họp… và đặc biệt hơn, người dùng có thể yên tâm về tính an toàn, bảo mật nhờ mã hóa dữ liệu và chế độ kiểm soát thành viên tham gia họp. Hiện nay, người dùng có thể dễ dàng sử dụng dịch vụ trên tất cả các nền tảng MS Windows, MAC OS, iOS, Android.

Có thể nói, dù qua “đặt hàng” doanh nghiệp công nghệ hay dưới sự bảo trợ của Bộ TT-TT, sự  ra đời của hai nền tảng hội nghị trực tuyến nói trên đã đáp ứng nhu cầu cấp bách của đời sống xã hội nhằm thay thế các nền tảng nước ngoài, góp phần giúp người dân hình thành thói quen học tập, làm việc mới. Zavi và CoMeet ra đời cũng là lời khẳng định của các doanh nghiệp Việt trong tạo ra dịch vụ, sản phẩm “Make in Vietnam” đạt chuẩn quốc tế, thể hiện sự tự chủ công nghệ, giảm phụ thuộc vào các nền tảng nước ngoài, góp phần thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số quốc gia. Song muốn vậy, Bộ TT-TT cần tiếp tục có chính sách thúc đẩy phát triển các ứng dụng, hỗ trợ sử dụng trong các cơ quan nhà nước, trường học, bệnh viện… Doanh nghiệp CNTT cần đầu tư hơn để liên tục cải tiến, nâng cấp nền tảng, quảng bá cho khách hàng tin dùng, từng bước trở thành công cụ số thiết yếu phục vụ phát triển đất nước.

Tin cùng chuyên mục