Đầu tư hạ tầng giao thông quốc gia: Đề xuất phân cấp, phân quyền mạnh cho các địa phương

Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch của 4 lĩnh vực đường bộ, hàng hải, đường sắt, đường thủy và sắp tới là hàng không. Hiện người dân đang rất kỳ vọng vào các dự án hạ tầng giao thông đang và sắp được triển khai, nhất là tại khu vực phía Nam. Phóng viên Báo SGGP có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn (ảnh) xung quanh lộ trình, nguồn vốn thực hiện các dự án này.

* PHÓNG VIÊN: Xin Thứ trưởng cho biết, lộ trình cụ thể của những dự án giao thông quan trọng sắp được triển khai?

* Thứ trưởng LÊ ANH TUẤN: Bộ GTVT được giao là cơ quan có thẩm quyền, chuẩn bị đầu tư 6 dự án quan trọng quốc gia. Trong đó, dự án quan trọng nhất là đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025 đang hoàn thiện hồ sơ để trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư tại kỳ họp tháng 12; 2 dự án gồm đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và đường Vành đai 4 TP Hà Nội đã trình Chính phủ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Hội đồng Thẩm định nhà nước đang tổ chức thẩm định; 2 dự án gồm đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột và mở rộng đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây đang hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, phấn đấu trình Chính phủ vào cuối năm 2021; dự án cuối cùng là Vành đai 3 TPHCM, Chính phủ đang giao các địa phương phối hợp Bộ GTVT thống nhất việc giao cơ quan có thẩm quyền. 

Bên cạnh đó, có một số dự án giao thông thuộc nhóm A cũng đang được rốt ráo chuẩn bị để đầu tư. Trong đó, có nhiều dự án khu vực phía Nam như đường cao tốc Chơn Thành - Đức Hòa, đường cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh, cầu Đại Ngãi, cầu Rạch Miễu 2, đường cao tốc Cao Lãnh - Lộ Tẻ và Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, dự án logistics khu vực phía Nam…

* Bộ GTVT dự liệu những khó khăn, vướng mắc gì khi triển khai các dự án quan trọng nói trên?

* Toàn bộ dự án đường bộ cao tốc nêu trên dự kiến thực hiện theo phương thức đối tác công - tư (PPP). Trong giai đoạn hiện nay, việc triển khai theo phương thức PPP đối với các dự án đường bộ cao tốc là hết sức khó khăn, liên quan đến khả năng huy động vốn tín dụng của nhà đầu tư. Một số dự án không thực sự hấp dẫn được nhà đầu tư, đặc biệt là với các dự án đường vành đai, có chi phí giải phóng mặt bằng lớn.

Để tháo gỡ khó khăn về cân đối nguồn vốn triển khai các dự án, Bộ GTVT đang phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan đề xuất Chính phủ báo cáo Quốc hội đề án thí điểm tách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư và chuyển đổi sang đầu tư công với một số dự án có nhu cầu cấp bách, cần sớm triển khai. 

* Bộ đã có định hướng đầu tư thế nào cho khu vực Đông Nam bộ và ĐBSCL - vốn là khu vực kinh tế quan trọng nhưng việc đầu tư hạ tầng giao thông lâu nay chưa tương xứng?

* Đối với khu vực Đông Nam bộ và ĐBSCL, trong kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025, Bộ GTVT đã xây dựng kế hoạch, tập trung bố trí 102.000 tỷ đồng trên tổng số 304.000 tỷ đồng cho nhiều công trình động lực trong các chuyên ngành giao thông. Trong đó, khu vực này sẽ được đầu tư 759km đường bộ cao tốc, đầu tư hoàn chỉnh tuyến luồng sông Hậu để đảm bảo tàu tải trọng lớn vào được cụm cảng Cần Thơ; cải tạo tuyến luồng vào cụm cảng Cái Mép - Thị Vải để đảm bảo tiếp nhận tàu 200.000T không giảm tải; đầu tư hoàn chỉnh tuyến Kênh Chợ Gạo; nâng tĩnh không các cầu trên một số tuyến đường thủy nội địa quốc gia có lưu lượng vận tải lớn; cải tạo các tuyến luồng thủy nội địa khu vực phía Nam để nâng cao năng lực kết nối, vận tải hàng hóa giữa khu vực ĐBSCL với khu vực Đông Nam bộ và cụm cảng Cái Mép - Thị Vải; cải tạo khu bay cảng hàng không Côn Đảo, nhà ga T3 Tân Sơn Nhất; cải tạo một số ga đường sắt để tăng năng lực xếp dỡ, gom hàng...

* Trách nhiệm của Bộ GTVT là gì để đảm bảo dự án đúng tiến độ, đạt tiêu chuẩn chất lượng đề ra?

* Thực hiện chủ trương phân cấp, phân quyền, Bộ GTVT đang phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước theo hướng các địa phương có thể chủ trì đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông quốc gia trên địa bàn. Sau khi luật được sửa đổi, Bộ GTVT vẫn thực hiện chức năng là cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành về đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông. 

Để đảm bảo chất lượng và tiến độ, Bộ GTVT sẽ thực hiện một số giải pháp, trong đó, sẽ thực hiện công tác kiểm tra, đánh giá hoạt động đầu tư xây dựng; kiểm tra tình hình thực hiện giám sát đánh giá đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông; thực hiện nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo nhà nước các công trình, dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải trên phạm vi cả nước…

Tôi tin rằng, những giải pháp đề ra sẽ giúp các dự án giao thông mới triển khai đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, hiệu quả đầu tư, từng bước kéo giảm chi phí logistics, đáp ứng mong mỏi của doanh nghiệp và người dân.

Dự án đường bộ cao tốc TPHCM - Mộc Bài có tổng chiều dài khoảng 50km. Hiện, các địa phương liên quan là TPHCM và tỉnh Tây Ninh đều đã đồng thuận với đề xuất thực hiện dự án. Với trách nhiệm là cơ quan có thẩm quyền, UBND TPHCM đang triển khai các thủ tục và hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án để trình Thủ tướng Chính phủ. 

Với dự án tuyến đường sắt TPHCM - Cần Thơ, dài 174km, đường đôi, khổ 1.435mm, dự kiến sẽ đầu tư trong giai đoạn đến năm 2030. Hiện, Bộ GTVT đang giao Ban Quản lý dự án đường sắt nghiên cứu, chuẩn bị đầu tư dự án để báo cáo cấp có thẩm quyền về chủ trương đầu tư, tìm kiếm nguồn vốn để triển khai nhằm sớm hình thành phương thức vận tải mới kết nối TPHCM với các tỉnh ĐBSCL.

Tin cùng chuyên mục