Đầu tư công nghệ để phát triển bền vững

Những năm gần đây, nhờ công tác tuyên truyền tốt, nhiều hợp tác xã (HTX) kiểu mới đã hướng đến sản xuất sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn, chất lượng cao, giúp mô hình phát triển bền vững và cải thiện cuộc sống nhiều nông dân. 

Hướng đến sản phẩm sạch

Xuất phát từ tổ hợp tác trồng rau an toàn, nhờ đầu tư nhà màng, công nghệ, sản xuất thủy canh, sau 1 năm sản xuất, HTX Nông nghiệp Tuấn Ngọc (quận 9) đã cho năng suất trung bình đạt 30 tấn rau/tháng trên diện tích hơn 10ha.

Ông Lâm Ngọc Tuấn, Chủ tịch HĐQT HTX Nông nghiệp Tuấn Ngọc, chia sẻ, trồng rau thủy canh cho sản lượng đạt ở mức cao, không sợ ngập úng do mưa hay triều cường, cây phát triển đồng đều so với rau trồng đất; có thể trồng vụ tiếp theo ngay sau thu hoạch, không mất thời gian chờ làm đất, tăng số vụ gieo trồng trong năm. Tuy nhiên để sản xuất theo phương pháp thủy canh, người trồng phải am hiểu kiến thức chuyên sâu từ pha dinh dưỡng, chất lượng đầu vào, nhiệt độ, độ ẩm…

Ở góc nhìn khác, dù trồng trên đất nhưng HTX Rau an toàn Hải Nông (huyện Củ Chi) vẫn cho sản lượng khoảng 2,5-3 tấn/ngày trên diện tích canh tác 10ha. HTX cung ứng vật tư nông nghiệp, giống cây trồng cho xã viên với giá thấp hơn thị trường, sau đó thu mua các sản phẩm với giá ổn định và cao hơn thị trường, để sơ chế đóng gói và bán ra thị trường.

Để ổn định sản lượng, HTX chủ động lập kế hoạch và triển khai sản xuất. Ông Hoàng Thanh Hải, Giám đốc HTX Rau an toàn Hải Nông, cho biết, quy trình sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP cũng là định hướng mà HTX rất quan tâm và đầu tư cơ giới hóa để giảm giá thành sản xuất, tăng lợi nhuận trong canh tác. Vì thế, HTX cho biết chỉ kết nạp thành viên có tâm với sản xuất sạch để phát triển bền vững. 

Mới đi vào hoạt động hơn 1 năm, HTX Cần Giờ Tương Lai (huyện Cần Giờ) mỗi ngày sản xuất trung bình 2 tấn cá khô các loại, chế biến 3kg tổ chim yến cung cấp cho các cửa hàng, hệ thống siêu thị và trường học trên địa bàn huyện Cần Giờ.

Đầu tư công nghệ để phát triển bền vững ảnh 1 Sơ chế rau thủy canh cung cấp cho hệ thống siêu thị và các chợ tại HTX Nông nghiệp Tuấn Ngọc

Ông Huỳnh Văn Thanh, Giám đốc HTX Cần Giờ Tương Lai, chia sẻ, có kết quả trên là nhờ sự phối hợp với địa phương, cơ quan quản lý triển khai các hoạt động quảng bá hình ảnh, thương hiệu. Hiện HTX đang xây dựng trang mạng xã hội, website để quảng bá, kết nối với khách hàng, đồng thời cũng là kênh để khách hàng dễ dàng tra cứu thông tin khi có nhu cầu cung ứng, tiêu thụ sản phẩm.

Để xây dựng được thương hiệu, HTX hướng đến đầu tư thiết bị máy móc, kho lạnh, chủ động tăng mua sản phẩm cho nông dân cũng như sẵn sàng nguồn sản phẩm chất lượng, an toàn khi khách hàng cần. Hiện HTX đã có hợp đồng xuất khẩu sang Nhật Bản và đang trong quá trình làm thủ tục. Trong thời gian tới, HTX mở rộng xuất khẩu sang các nước Đông Nam Á do khách hàng có khẩu vị và thị hiếu tương đồng.

Tạo điều kiện tối đa để phát triển

Tại TPHCM, tuy mô hình HTX phát triển nhưng đất sản xuất nông nghiệp tiếp tục giảm do quá trình đô thị hóa ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất. Một số nhà sản xuất có nhu cầu xây dựng các công trình phụ trợ để phục vụ nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp công nghệ cao như nhà lưới, nhà kính, nhà sơ chế, bao gói sản phẩm... gặp khó khăn do vướng các quy định trong Luật Đất đai.

Ông Huỳnh Văn Thanh kiến nghị, các cơ quan chức năng có thẩm quyền cần xem xét, tạo điều kiện xây dựng các hạng mục công trình tạm trên đất nông nghiệp. Còn ông Lâm Ngọc Tuấn bày tỏ mong muốn các cấp chính quyền sớm tháo gỡ khó khăn mà HTX đang gặp phải để hưởng lợi từ các chính sách, đề án phát triển HTX giai đoạn 2021-2025; chính sách ưu tiên phát triển HTX cũng cần được áp dụng công bằng trên các quận, thay vì chỉ ưu tiên phát triển tại các huyện như hiện nay.

Đồng hành với HTX, UBND huyện Cần Giờ khuyến khích phát triển mô hình nông nghiệp phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu trên địa bàn để hình thành vùng sản xuất nông nghiệp tập trung đối với các sản phẩm chủ lực. Đối với thủy sản, huyện thường xuyên lấy mẫu đánh giá và công bố chỉ tiêu môi trường nước để người dân chủ động sản xuất, hạn chế rủi ro.

Ông Hồ Ngọc Thiện, Trưởng phòng Kinh tế UBND huyện Cần Giờ, cho biết, các HTX mới thành lập sẽ được huyện hỗ trợ cơ sở vật chất ban đầu với mức hỗ trợ tối đa 100 triệu đồng. UBND huyện đã xây dựng 3 sản phẩm của HTX Cần Giờ Tương Lai đạt chứng nhận OCOP của TPHCM và đang chủ động xây dựng sản phẩm thương hiệu của huyện xúc tiến đến các tỉnh, thành phố khác. Bên cạnh đó, huyện cũng phối hợp với HTX để xây dựng, nhân rộng mô hình nuôi cá đù, cá dứa.

Ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở NN-PTNT TPHCM, cho hay, năm 2020, sở đã duyệt 179 lượt vay với tổng vốn vay hơn 241 tỷ đồng. Bên cạnh đó, sở cũng tổ chức mở lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức tiến bộ kỹ thuật theo từng chuyên ngành, tập huấn có bồi dưỡng kiến thức về tiềm năng phát triển của HTX và kỹ năng tìm kiếm thị trường, quảng bá sản phẩm. Sở hỗ trợ HTX xây dựng website, thiết kế logo, nhãn hiệu, bao bì, tem, tổ chức chợ phiên, hội chợ để kết nối. Hiện sở đang điều chỉnh, bổ sung chính sách hỗ trợ, phát triển nhóm sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp thành phố, phát huy vai trò trung tâm của HTX giúp sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định và bền vững.

Cùng với đó là hoàn thiện hệ thống thông tin về vùng trồng, diện tích, chủng loại nông sản, dự kiến sản lượng thu hoạch và dự báo cung cầu một số mặt hàng nông sản chủ lực để cung cấp thông tin cho người sản xuất, tránh tình trạng cung vượt cầu; bản đồ số hóa các vùng sản xuất phục vụ cho công tác điều tra, quy hoạch và quản lý vùng sản xuất an toàn.

Tin cùng chuyên mục