Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tạo lan tỏa

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 13/CT-TTg về đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. 

Rất rõ ràng và quyết liệt, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan Trung ương, lãnh đạo địa phương trực tiếp chỉ đạo, quán triệt, yêu cầu các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý triển khai thực hiện ngay các nhiệm vụ nêu tại chỉ thị này và chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chất lượng, hiệu quả, tiến độ của việc xây dựng, triển khai kế hoạch đầu tư công; cập nhật trên hệ thống thông tin quản lý đầu tư công quốc gia, gửi báo cáo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 tới Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính trước ngày 25-5.

Chỉ thị được ban hành đúng vào thời điểm các cơ quan chức năng đang hoàn thiện phương án phân bổ, sử dụng 2,87 triệu tỷ đồng dự kiến dành cho kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Theo quy định, 10% vốn ngân sách trung ương được để lại dự phòng; số còn lại được phân bổ cho các bộ, ngành, địa phương để thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Nhìn lại việc xây dựng và thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 có thể thấy, tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán đã dần được hạn chế; tốc độ giải ngân vốn đầu tư công cũng được cải thiện, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế… Với 2,87 triệu tỷ đồng, nguồn vốn đầu tư công giai đoạn này cơ bản cân đối đủ để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản nguồn ngân sách trung ương; hoàn trả một phần số ứng trước kế hoạch vốn ngân sách trung ương, kiểm soát chặt chẽ ứng trước kế hoạch vốn, không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản trong giai đoạn 2016-2020. Số lượng dự án mới giảm dần, tập trung đầu tư hoàn thiện các dự án dở dang, tỷ lệ dự án hoàn thành trong giai đoạn đạt 66,2%. 
Tuy nhiên, một trong những hạn chế lớn nhất là tiến độ các dự án quan trọng quốc gia và dự án trọng điểm còn chậm; thậm chí không có dự án trọng điểm mới nào được hoàn thành trong nhiệm kỳ vừa qua. Đây cũng chính là nhược điểm đã được Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ trong cuộc làm việc gần đây với Bộ KH-ĐT mà Chỉ thị số 13/CT-TTg chính là kết quả từ cuộc họp đó. 
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh yêu cầu khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, kéo dài; cương quyết xóa bỏ xin - cho và siết chặt kỷ luật, kỷ cương đầu tư công, không khoan nhượng với mọi hiện tượng tiêu cực. Thủ tướng cũng nêu rõ yêu cầu đầu tư phải có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực then chốt, các dự án lớn, quan trọng của quốc gia, có ý nghĩa liên vùng, có tác động lan tỏa mạnh mẽ. Tuân thủ nguyên tắc này, theo Bộ KH-ĐT, giai đoạn 2021-2025 sẽ chỉ còn khoảng 5.000 dự án sử dụng đầu tư công, giảm rất mạnh so với giai đoạn 2011-2015 (22.000 dự án) và giai đoạn 2016-2020 (11.000 dự án). Một số dự án cụ thể đã được xác định. Theo đó, bên cạnh 3 chương trình mục tiêu quốc gia, đầu tư công sẽ được tập trung cho công tác giải phóng mặt bằng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đáp ứng yêu cầu tiến độ hoàn thành toàn tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, tuyến đường ven biển... 
Nhưng đáng lưu ý hơn cả, Thủ tướng khẳng định sẽ bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Trong đó, những vấn đề chưa có quy định hoặc vượt quy định thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn nhưng cũng không nóng vội. 
Trong tình hình kinh tế thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; tác động của đại dịch Covid-19 dự báo còn kéo dài, ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước như hiện nay, việc xây dựng và thực hiện có hiệu quả kế hoạch đầu tư công trung hạn có vai trò, ý nghĩa rất quan trọng, góp phần tạo năng lực sản xuất mới, thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cả trong ngắn hạn, trung và dài hạn.

Tin cùng chuyên mục