Đấu tranh đẩy lùi cái ác

Trong thời gian gần đây, trong dòng thông tin xuất hiện một vệt đen rất đáng lo ngại, đó là có nhiều vụ trọng án thảm sát rất dã man, tàn độc, giết hại ngay chính cha mẹ ruột. 

Thường là đối tượng gây án trong trạng thái tâm lý bị kích động, mất kiểm soát của ý thức - do dùng chất kích thích, do tham lam, do mâu thuẫn trong gia đình, hoặc chỉ vì bốc đồng thiếu kiềm chế khi gặp chuyện xích mích không đáng.

Căn nguyên của những hành vi tội ác đó là do thiếu đạo đức, không được trang bị đúng đắn về ý thức hướng thiện, lòng hiếu thảo và lòng nhân ái. Lớp trẻ rất dễ bị tác động tiêu cực bởi những hành vi bạo lực xuất hiện nhan nhãn trong các phim hành động, video clip, game, truyện tranh... Chưa kể một số trang mạng còn sốt sắng khai thác thông tin các vụ trọng án kể chi tiết từng hành vi tội ác man rợ. Trong khi đó, nhiều phụ huynh bận bịu kiếm sống, bản thân không sống gương mẫu, thiếu ý thức trách nhiệm, ngược đãi và thiếu kỹ năng giáo dục con cái. Có những trường hợp gia đình có tình trạng hành xử bạo lực. Thế nên, không ít trẻ em lớn lên bị lệch lạc nghiêm trọng về đạo đức, rối loạn nhân cách, lệch chuẩn về hành vi, chai sạn cảm xúc, có tâm lý chạy theo đồng tiền để thỏa mãn nhu cầu bản thân một cách bản năng. Không hiểu biết pháp luật, không có lòng nhân ái, không biết hiếu kính, nên dễ gây tội ác. Cũng có những thanh thiếu niên phạm tội giết cha mẹ vì bị dồn đến đường cùng, cảm thấy không thể sống nổi trong căn nhà của mình, nhưng lại không có cách giải quyết.

Theo quy định của Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015, hành vi giết ông bà, cha mẹ, người nuôi dưỡng mình là tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự so với trường hợp giết người thông thường. Bởi lẽ, hành vi giết hại cả những người mà mình phải biết ơn, kính trọng, không chỉ vi phạm pháp luật, mà còn vi phạm nghiêm trọng đạo đức, là trường hợp giết người mang tính chất phản trắc, bội bạc mất hết nhân tính, phải bị trừng trị để giáo dục ý thức tôn trọng pháp luật và giữ gìn đạo đức xã hội. Người bị áp dụng tình tiết tăng nặng này có thể bị áp dụng mức hình phạt cao nhất là bị phạt tù từ 12 - 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Pháp luật nghiêm minh, vậy mà những vụ trọng án như vậy vẫn cứ liên tiếp xảy ra. Ngăn chặn, đẩy lùi cái ác, nâng cao sức đề kháng cho xã hội đang là một vấn đề rất cấp bách.

Những năm gần đây, nạn ngáo đá dẫn đến ảo giác, hoang tưởng, hành động ngông cuồng ngày càng kinh khiếp. Nhiều vụ kẻ ngáo đá phá hoại tài sản, tự sát, bắt cóc con tin, giết người và không run tay khi giết hại những người thân của mình. Pháp luật cần sửa đổi, bổ sung theo hướng nghiêm trị hành vi buôn bán và sử dụng ma túy đá; cho phép công an dùng biện pháp mạnh với những đối tượng có hành vi uy hiếp, gây nguy hiểm tính mạng người khác. 

Cần rất nhiều giải pháp để ngăn chặn sự xuống cấp đạo đức xã hội, cả ở tầm vĩ mô, như tuyên truyền, giáo dục, tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước, xây dựng nền nếp gia đình, thực hiện việc nêu gương của người lớn với trẻ nhỏ… Thực tế cho thấy nếu chỉ tuyên truyền, giáo dục công dân sống tuân thủ pháp luật là chưa đủ, để đấu tranh đẩy lùi cái ác, cần phải đặc biệt quan tâm làm sống lại những giá trị đạo đức truyền thống. Phải xem gia đình là thành trì trong việc bảo vệ các giá trị truyền thống, trong đó có đạo đức. Chương trình giáo dục ở nhà trường cần chú trọng giáo dục học sinh lòng tôn kính, hiếu thảo với cha mẹ, hòa thuận với anh em, lễ phép với người cao tuổi, có ý thức hướng thiện và biết xây dựng quan hệ tình người trong cuộc sống. Các đoàn thể quần chúng nên thoát tình trạng hành chính hóa trong hoạt động, mà cần phải vào cuộc tham gia giải quyết vấn đề xã hội xã hội này, bằng việc tuyên truyền vận động, giáo dục đẩy lùi các hiểm họa thiếu đạo đức, ngáo đá, say rượu, bạo lực gia đình, xâm hại tình dục trẻ em, khắc phục tình trạng lệch lạc về nhận thức, lệch chuẩn hành xử trong cuộc sống. Về xã hội học, cần đặc biệt quan tâm nghiên cứu tìm “thuốc đặc trị” cho tình trạng nhiều thanh thiếu niên trầm cảm, có tâm trạng cô độc, bất mãn, căm hận mọi người.

Tin cùng chuyên mục