Đâu phải đền tiền là xong?

Thời gian qua, nhiều vụ việc do cự cãi hoặc mâu thuẫn thường ngày mà không ít người chọn cách “trút giận” lên tài sản của đối phương.

Lê Cảnh D. (28 tuổi, trú tại TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị) cho một người thuê mặt bằng kinh doanh trước sân nhà. Một buổi sáng, D. thấy người thuê nhà cùng với anh H. đốt vàng mã cúng khai trương quán. Do cãi nhau với anh H. từ mấy ngày trước nên D. cầm cây kéo đi ra chửi bới, đe đọa khiến anh H. bỏ chạy. D. đuổi theo một đoạn thì quay trở lại vị trí chiếc ô tô của anh H. đang đỗ gần đó, dùng kéo đâm lên trên nắp capô xe. D. tiếp tục vào nhà lấy cây gậy bằng kim loại đi ra phía ô tô của anh H. đập vỡ vỏ nhựa đèn hậu và đèn pha, rồi đi vào nhà. 

Bản định giá tài sản cho thấy, chiếc xe bị hư hỏng thiệt hại hơn 9,7 triệu đồng. Anh H. yêu cầu bồi thường 21,3 triệu đồng. TAND TP Đông Hà xét thấy hành vi của bị cáo Lê Cảnh D. đủ yếu tố cấu thành tội “Cố ý làm hư hỏng tài sản”. Dù tại tòa, bị cáo đã thỏa thuận với anh H. sẽ bồi thường 21,3 triệu đồng, nhưng hội đồng xét xử vẫn nhận định hành vi của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội.

Ngoài việc trực tiếp xâm phạm đến quyền sở hữu về tài sản của người khác được pháp luật bảo vệ, bị cáo còn xâm phạm đến trật tự trị an trên địa bàn, ảnh hưởng xấu đến tình hình an toàn xã hội. Chưa kể, D. lại có nhân thân xấu. Điều đó thể hiện bản tính hung hăng, gây rối, bất chấp lẽ phải, coi thường pháp luật, không tôn trọng tài sản, công sức, thành quả lao động của người khác. Vì vậy, cần xử phạt bị cáo nghiêm minh và cách ly bị cáo ra khỏi đời sống xã hội một thời gian mới có tác dụng cải tạo, giáo dục bị cáo và phòng ngừa chung. D. bị tuyên phạt 12 tháng tù giam. 

Thời gian qua, nhiều vụ việc do cự cãi hoặc mâu thuẫn thường ngày mà không ít người chọn cách “trút giận” lên tài sản của đối phương. Cơn giận qua đi, dù tích cực bồi thường hay hối hận cỡ nào về việc mình làm thì vẫn phải trả giá đắt, vì hành vi này có thể bị xử lý hình sự. Ở tỉnh Bình Phước, một thanh niên 25 tuổi chỉ cãi mấy câu với dượng, cãi xong rồi mà vẫn ức nên thấy xe của dượng để trước nhà, người này đã tháo ống dây bình xăng, châm lửa. Sau khi đốt xe, thanh niên này còn chạy tới nhà dượng dùng rựa chém vỡ hai tấm cửa kính. Thanh niên này phải hầu tòa vì tội Hủy hoại tài sản, bị phạt 9 tháng tù giam. Tới phiên phúc thẩm, tòa xử cho hưởng án treo. 

Trong cuộc sống sẽ không tránh khỏi những lúc tức giận, nhưng giải tỏa sự tức giận bằng cách đốt phá, hủy hoại tài sản của người khác, rõ ràng là sai trái và sẽ phải gánh chịu hậu quả nặng nề khi dính líu đến pháp luật hình sự. Bởi vậy, học cách kiềm chế, giải quyết mâu thuẫn trong cuộc sống thường ngày là một kỹ năng cần được xem trọng.

Tin cùng chuyên mục