Đâu nhất thiết phải đặt máy chủ mới quản lý được an ninh mạng?

Tại buổi thảo luận các tổ ĐBQH chiều nay về dự án Luật An ninh mạng và Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước, ĐB Nguyễn Việt Dũng cho rằng quy định đặt máy chủ là khó chấp nhận đối với các nhà cung cấp mạng xã hội và về mặt kỹ thuật thì không nhất thiết phải đặt máy chủ mới quản lý được các tài khoản ở Việt Nam.

ĐB Nguyễn Việt Dũng (tổ ĐBQH TPHCM) phát biểu về dự án Luật An ninh mạng
ĐB Nguyễn Việt Dũng (tổ ĐBQH TPHCM) phát biểu về dự án Luật An ninh mạng

Chiều 13-11, Quốc hội thảo luận tại các tổ Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) về dự án Luật An ninh mạng và Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước.

Tại tổ ĐBQH TPHCM, ĐB Ngô Minh Châu thống nhất cao với sự cần thiết ban hành hai đạo luật trên trong bối cảnh tội phạm lừa đảo thông qua môi trường mạng đã phát triển với mức độ ngày càng tinh vi, nghiêm trọng.

“Báo cáo tổng quan về kinh tế - xã hội năm 2017 của Chính phủ cũng đã nói rõ, chỉ riêng Youtube năm qua đã phải gỡ bỏ 3.000 thông tin độc hại, còn mạng xã hội Facebook đã khoá 6.000 tài khoản giả mạo, nhất là tài khoản giả mạo lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Không lẽ chúng ta chịu bó tay trước tình trạng này”?, ĐB Ngô Minh Châu nêu.

ĐB Dương Ngọc Hải cho rằng nhiều khái niệm trong cả 2 dự thảo luật còn khá định tính, phạm vi “mật” còn quá rộng dẫn đến việc lẽ ra nhiều thông tin có thể cung cấp rộng rãi bị đóng dấu “mật”.

“Tôi cho rằng việc giải thích từ ngữ phải rất kỹ, rất thận trọng. Đồng thời, cũng cần giải thích những căn cứ để quy định thời gian bảo vệ bí mật nhà nước (30 năm với tuyệt mật, 20 với tối mật, 10 với mật - PV), thời hạn gia hạn là bao nhiêu, có thể gia hạn bao nhiêu lần, có những thứ có thể có thời gian bảo mật lâu hơn, thậm chí vĩnh viễn không công bố rộng rãi…”, ĐB Dương Ngọc Hải trình bày.

ĐB Dương Ngọc Hải cũng yêu cầu Chính phủ phải công bố nghị định hướng dẫn để trình kèm theo đúng quy trình xây dựng pháp luật  

Thẳng thắn chỉ ra hàng loạt điểm chồng chéo giữa các Luật Viễn thông, Công nghệ thông tin, An toàn thông tin với Luật  An ninh mạng, từ đối tượng điều chỉnh đến chức năng nhiệm vụ, ĐB Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ TPHCM nhận xét: Dường như do các cơ quan soạn thảo khác nhau nên đã không có sự kế thừa, thống nhất trong quá trình xây dựng luật.  

ĐB Nguyễn Việt Dũng nêu ý kiến: “Một yêu cầu không thể không chú ý là khi ban hành, luật cần phải đảm bảo cho công dân quyền tự do, quyền sáng tạo. Tôi rất quan tâm đến quy định đặt máy chủ ở Việt Nam. Ban soạn thảo cần làm rõ khái niệm nhà cung cấp mạng xã hội với nhà cung cấp dịch vụ viễn thông, internet. Quy định đặt máy chủ là khó chấp nhận đối với các nhà cung cấp mạng xã hội. Chẳng lẽ khi hoạt động ở 200 thị trường, Facebook lại phải đặt máy chủ ở 200 nước với đội ngũ quản lý và chi phí cực kỳ lớn? Cho nên việc quản lý tập trung là bình thường, bắt họ đặt máy chủ là không khả thi. Về mặt kỹ thuật thì không nhất thiết phải đặt máy chủ mới quản lý được các tài khoản ở Việt Nam”.

"Quy định đặt máy chủ là khó chấp nhận đối với các nhà cung cấp mạng xã hội. Chẳng lẽ khi hoạt động ở 200 thị trường, Facebook lại phải đặt máy chủ ở 200 nước với đội ngũ quản lý và chi phí cực kỳ lớn?"

ĐB Trương Trọng Nghĩa đồng tình với quan điểm trên và phân tích thêm: “Cần rà soát lại hệ thống pháp luật hiện hành để gom lại trong 1 trong 2 luật thôi, cho người dân dễ hiểu và chấp hành, đảm bảo quyền tự do sáng tạo, quyền bồi dưỡng trí tuệ, giải trí, kinh doanh… Bây giờ trẻ con 12-13 tuổi cũng dùng mạng thành thạo rồi, quy định quá phức tạp, lẻ mẻ chỗ này quyền, chỗ kia trách nhiệm, chỗ nọ nghĩa vụ quá thì người dân không nắm được, không thực hiện được”.

Vẫn theo ĐB Trương Trọng Nghĩa, nhiều điều “cấm” trong luật lại không đi kèm với biện pháp chế tài, không rõ nếu vi phạm xử lý thế nào.

“Chúng ta đang muốn quy định về an ninh mạng hay là an ninh quốc gia trên không gian mạng? Tôi hiểu điều chúng ta muốn bảo vệ là an ninh quốc gia trên không gian mạng. Nói rõ như thế mới hình dung đúng về luật và có quy định phù hợp”, ĐB Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh .

Tin cùng chuyên mục