Đầu năm về Long Khốt

Những gốc sấu, phượng vĩ được gói ghém kỹ, mang từ thủ đô Hà Nội, thành phố cảng Hải Phòng đã cắm rễ trên mảnh đất Long Khốt - vùng biên viễn phương Nam, nơi giáp biên với Campuchia. Mầm xanh đã nảy lộc, như gửi gắm tình cảm quê nhà đến với liệt sĩ nằm ở nơi này.
Thỉnh chuông trong lễ dâng hương tại Đền thờ liệt sĩ, Khu di tích lịch sử đồn Long Khốt
Thỉnh chuông trong lễ dâng hương tại Đền thờ liệt sĩ, Khu di tích lịch sử đồn Long Khốt

Trở về địa chỉ đỏ  

4 giờ sáng ngày đầu năm 2022, chúng tôi hành trình về di tích lịch sử đồn Long Khốt (xã Thái Bình Trung, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An) - khu di tích lịch sử quốc gia để kịp tham dự Tết trồng cây nhớ ơn liệt sĩ. Vượt chặng đường hơn 120km hướng về biên giới Việt Nam - Campuchia, 8 giờ chúng tôi đã có mặt ở khu vực đồn Long Khốt. Lúc này, xe của Trung tướng Lưu Phước Lượng, nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 9, nguyên Chính ủy Sư đoàn 5, đơn vị chủ lực bám trụ ở khu vực Long Khốt trong những ngày chống Mỹ cứu nước cũng vừa tới. 

Đại tá Trần Thế Tuyển, một người lính Sư đoàn 5, nguyên Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng, nguyên Trưởng ban Liên lạc Trung đoàn 174 (Sư đoàn 5) và ông Trình Tự Kha, Trưởng ban Liên lạc Trung đoàn 174, chưa kịp ngồi xuống, Trung tướng Lưu Phước Lượng đã vồn vã: “Không biết có phải vì hẹn với  anh em lên Long Khốt hay không mà đêm qua tôi ngủ lại mơ thấy mình đang ra trận”. Nghệ sĩ điêu khắc Trần Thanh Phong, một cựu chiến binh, cho biết, đêm qua ngủ ông cũng mơ gặp đồng đội. “Có lẽ mấy hôm nay, cứ vào ra khu vực tìm ý tưởng sáng tác tượng đài, nên chuyện chiến đấu năm xưa lại đi vào giấc mơ”, ông nói.

Khi tiếng chuông trong Đền thờ liệt sĩ vừa dứt, Đại tá Trần Thế Tuyển men theo bức tường đá, tay lần theo từng con chữ, bồi hồi xúc động kể lại những ngày cùng đồng đội - lính Sư đoàn 5 bám dân đánh giặc. Lớp lớp lính trẻ lớn lên trên quê hương đồng bằng Bắc bộ vào chiến đấu ở đồng bằng Nam bộ và nhiều đồng đội ngã xuống ở mảnh đất Long Khốt này. Trưởng ban Liên lạc Trung đoàn 147 (Sư đoàn 5) Trình Tự Kha cho biết, những người lính Trung đoàn 174 đã tham gia hàng chục trận chiến đấu. Giọng ông trầm xuống: “Khu vực đồn Long Khốt san bằng, Sư đoàn 5 tiến về giải phóng Sài Gòn đã để lại mảnh đất này 1.100 cán bộ, chiến sĩ, riêng Trung đoàn 174 gần 800 liệt sĩ”.

Những dòng tên trên bia đá có nhiều đồng đội thuộc Trung đoàn 174: liệt sĩ Nguyễn Văn Thuận, sinh năm 1947, quê quán ở Đông Vinh, Đông Sơn (Thanh Hóa), nhập ngũ tháng 4-1970, cấp bậc chiến sĩ, đơn vị D5 E174, hy sinh tháng 6-1972, cha Nguyễn Văn Xuyến; liệt sĩ Hoàng Văn Danh, sinh năm 1954, quê quán Đông Hà, Đông Hưng (Thái Bình), nhập ngũ tháng 12-1972, cấp bậc BP, đơn vị D6 E174, hy sinh ngày 20-3-1975, cha Hoàng Văn Mụi… “Nhiều ngày chiến đấu ác liệt, đồng đội hy sinh nhiều. Có những khi anh em chôn cất đồng đội giữa lúc nổ súng nên việc tìm kiếm, quy tập liệt sĩ hiện đang gặp không ít khó khăn”, câu nói của ông Trình Tự Kha dừng lại, nước mắt của người lính già lại rơi.

Xanh mãi Long Khốt  

Những ngày giáp Tết cổ truyền, huyện biên giới Vĩnh Hưng thắm trong màu xanh của ruộng lúa, vườn cây ăn trái. Ông Trần Văn Cường, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Hưng, cho biết, khu di tích nằm trên vùng đất “lửa” năm xưa thuộc xã Thái Bình Trung và Thái Trị. Trước đây, người dân huyện biên giới gặp nhiều khó khăn, nhưng nay đã khá lên từng ngày. Xã Thái Bình Trung nơi đặt Đền thờ liệt sĩ đã đạt 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. “Niềm vui lớn nhất của thế hệ hôm nay là đã đưa các liệt sĩ vào đền thờ tự. Đền thờ liệt sĩ là công trình quy mô, hoành tráng bậc nhất của huyện”, ông Trần Văn Cường tự hào.  

Đứng dưới tán cây xanh, Trung tướng Lưu Phước Lượng, nguyên Chính ủy Sư đoàn 5, chia sẻ tri ân đồng đội, những người lính đã nằm lại mảnh đất này, Ban liên lạc Trung đoàn 174 đã khởi xướng, vận động xây dựng khu di tích. Giai đoạn 1 khu di tích đã hoàn thành, bao gồm khu đền thờ chính tổng diện tích 1.245m2, cổng tam quan, 2 miếu thờ… tổng kinh phí trên 54 tỷ đồng, phần lớn từ nguồn xã hội hóa. Giai đoạn 2 của dự án có giá trị 31 tỷ đồng, trong đó điểm nhấn là khu tượng đài đang chuẩn bị khởi công. Năm 2019, Bộ VH - TT DL đã có quyết định xếp hạng Khu di tích lịch sử khu vực đồn Long Khốt là di tích lịch sử cấp quốc gia.

Ông Trần Thiện Hà, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Công viên cây xanh Việt Nam, tâm sự, chiến tranh đã lùi xa nửa thế kỷ, việc quy tập, tìm kiếm liệt sĩ ngày càng khó và sẽ có những liệt sĩ mãi mãi nằm lại với Long Khốt. Các anh sẽ không về. Những gốc sấu từ thủ đô Hà Nội, cây phượng vĩ của thành phố cảng Hải Phòng… được gói ghém cẩn thận, mang vào trồng ở khu di tích sẽ đơm hoa kết trái, là tình cảm của quê nhà, gia đình mãi bên cạnh các liệt sĩ. 

Tết trồng cây lần này có 25 đơn vị thuộc hiệp hội công viên cây xanh ở khắp mọi miền từ thủ đô Hà Nội, thành phố cảng Hải Phòng, thành phố Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam), các tỉnh Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Vĩnh Long, Trà Vinh… tham gia. Chắc rằng, Tết trồng cây nhớ ơn liệt sĩ những năm sau sẽ có nhiều đơn vị tham gia hơn.

Không riêng chúng tôi, những cựu binh Sư đoàn 5, nhân viên công ty cây xanh khắp mọi miền, còn có nhiều người dân cả nước tìm về địa chỉ đỏ. Những dòng lưu bút trong sổ cảm tưởng đặt trang trọng ở Đền thờ liệt sĩ ngày một dày thêm. Mỗi dòng chữ thấm đẫm tình đồng chí, đồng đội.

Ông Trần Thiện Hà ở TPHCM viết: “Mình không chết với anh em trong những ngày chiến đấu thì giờ mình phải ở đây sống với hương hồn!”.

Đoàn cán bộ Nhà Thiếu nhi huyện Bình Chánh, TPHCM, viết những dòng cảm xúc: “Viếng các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập dân tộc, chúng em sẽ cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao để xứng đáng với công sức ông cha”.

Tin cùng chuyên mục