Dầu mỏ Nga xoay trục về phía Đông

Gazprom vừa công bố một gói đầu tư kỷ lục trong năm 2023 lên tới  2.300 tỷ rouble (35 tỷ USD) trong bối cảnh tập đoàn dầu mỏ này chuẩn bị bắt tay vào các dự án lớn để chuẩn bị cho kế hoạch xoay trục về phía Đông.

Đây cũng là khoản đầu tư lớn nhất của Gazprom kể từ năm 2014 cho đến nay. Theo Công ty môi giới BCS Global Markets có trụ sở tại Moscow, ngân sách cao bất ngờ này có thể dùng cho các khoản đầu tư lớn hơn dự kiến vào loạt các dự án như Power of Siberia 1, khí hóa khu vực, Baltic LNG… Dòng tiền trên có thể là một tín hiệu tích cực về lợi nhuận thu về của Gazprom trong năm nay. 

Sau khi khả năng xuất khẩu khí đốt sang châu Âu của Gazprom bị hạn chế nghiêm trọng do vụ nổ làm vô hiệu hóa hai đường ống dẫn khí đốt Nord Stream vào tháng 9, Gazprom tìm cách chuyển hướng phân phối khí đốt từ Tây sang Đông. Đường ống Yamal Europe chạy qua Ba Lan tới Đức cũng đã bị ngừng hoạt động vào đầu năm nay do các lệnh trừng phạt. Trong khi đó, Gazprom cũng đang được Chính phủ Nga chỉ thị đẩy nhanh chương trình khí hóa quốc gia, nhằm mang lại nhiều nguồn cung cấp khí đốt hơn cho các hộ gia đình, doanh nghiệp và ngành công nghiệp.

Dầu mỏ Nga xoay trục về phía Đông ảnh 1 Cơ sở lưu trữ khí đốt của Gazprom ở Kasimov, Nga

Hiện Nga đang đứng trước sức ép về giá trần dầu mỏ do Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) triển khai từ đầu tháng 12. Theo đó, mức giá trần của dầu mỏ xuất khẩu của Nga vận chuyển sang đường biển là 60 USD/thùng.

Biện pháp mới của G7 cho phép các nước ngoài Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục nhập khẩu dầu thô của Nga vận chuyển bằng đường biển, nhưng sẽ cấm các công ty vận tải, bảo hiểm và tái bảo hiểm nhận các đơn hàng vận chuyển dầu Nga trên toàn thế giới nếu giá bán cao hơn giá trần.

Phía Nga khẳng định, sẽ tiếp tục tìm được khách hàng mua dầu mỏ của nước này và cho rằng việc các chính phủ phương Tây áp giá trần đối với dầu mỏ Nga là động thái “nguy hiểm”. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đề xuất thành lập một Liên minh khí đốt với Kazakhstan và Uzbekistan để thiết lập cơ chế vận chuyển khí đốt tự nhiên giữa 3 nước và các quốc gia khác, bao gồm cả Trung Quốc.

Các khu vực phía Bắc của Kazakhstan phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên được vận chuyển từ Siberia ở Nga, nên sẽ có lợi về mặt kinh tế nếu tăng nguồn cung cấp khí đốt của Nga thay vì làm theo kế hoạch của Chính phủ Kazakhstan nhằm xây dựng một đường ống mới để đảm bảo việc vận chuyển khí đốt của Kazakhstan đến khu vực.

Theo Điện Kremlin, liên minh này sẽ tiết kiệm cho Astana hàng chục tỷ USD. Nga là nhà xuất khẩu khí đốt tự nhiên lớn, trong khi lượng khí đốt tự nhiên do Kazakhstan và Uzbekistan sản xuất hầu như không đủ cho nhu cầu tiêu dùng của chính họ. Hai nền kinh tế lớn của khu vực Trung Á có chung đường ống dẫn khí đốt đến Nga và đường ống vận chuyển khí đốt tự nhiên từ Turkmenistan đến Trung Quốc. Cả Kazakhstan và Uzbekistan đều có nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng, với nhu cầu khí đốt trong nước ngày càng tăng. Ngoài ra, cả 3 quốc gia đều bán khí đốt của họ trên thị trường nước ngoài và có thể hưởng lợi.

Hiện nay, việc chuyển hướng xuất khẩu dầu thô của Nga sang châu Á đang tăng tốc, với khối lượng kỷ lục đưa lên các tàu chở dầu đến cảng ở châu Á. Hai phần ba lượng dầu thô được đưa lên các tàu chở dầu tại các cảng của Nga hiện hướng đến châu Á. Trong những tuần trước khi xung đột Nga - Ukraina bùng phát vào tháng 2, lượng dầu thô Nga lên tàu đưa tới châu Á chỉ chiếm chưa tới 2/5. Trung Quốc và Ấn Độ đang tạo thành xương sống của đợt vận chuyển này, với một khối lượng nhỏ hướng đến những nơi như Sri Lanka và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất 

Tin cùng chuyên mục