Dấu ấn xuất siêu

Chiều 30-10, Bộ Công thương thông báo tin vui: mặc dù trải qua 2 đợt dịch Covid-19, rồi thiên tai xảy ra dồn dập, nhưng sau 10 tháng của năm 2020, cả nước vẫn lập thành tích xuất siêu gấp 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái. 

Cụ thể, trong 10 tháng năm 2019 xuất siêu 9,3 tỷ USD; 10 tháng năm 2020 xuất siêu tới 18,72 tỷ USD. Đây là mức xuất siêu kỷ lục từ trước đến nay. Có được điểm sáng này là nhờ sự nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp trong thực hiện “mục tiêu kép” - vừa phòng chống dịch Covid-19, vừa phục hồi nhanh các hoạt động kinh tế, phấn đấu hoàn thành mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020. 

Các tổ chức quốc tế cũng đánh giá cao và đặt niềm tin vào sức phục hồi của nền kinh tế Việt Nam. Theo báo cáo cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam của Ngân hàng Thế giới công bố tháng 10, GDP của Việt Nam có thể tăng 2,5%-3% và lạm phát được giữ vững dưới 4% trong năm 2020, với sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ và sâu rộng hơn trong thời gian tới… 

Trong báo cáo triển vọng kinh tế thế giới công bố vào tháng 10, Quỹ Tiền tệ quốc tế cũng dự báo, năm 2020, GDP của Việt Nam có thể đứng thứ 4 Đông Nam Á (vượt Singapore, Malaysia). 

Tuy nhiên, chúng ta không thể tự mãn với những kỳ tích đạt được về xuất khẩu và không được chủ quan trước những khó khăn, thách thức kép ngày càng gia tăng. Bởi, kinh tế thế giới vẫn còn diễn biến phức tạp, có nhiều yếu tố bất lợi. Kinh tế thế giới, thương mại toàn cầu tăng trưởng chậm lại. Cạnh tranh chiến lược và căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn gia tăng. Nhiều quốc gia vẫn phải đối mặt với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 ảnh hưởng toàn diện, sâu rộng đến mọi mặt của nền kinh tế. Trong khi đó ở trong nước, các hình thái thiên tai nguy hiểm dồn dập, gây thiệt hại nặng nề về con người lẫn cơ sở hạ tầng. Dù chúng ta rất kiên trì, nỗ lực, nhưng sức chịu đựng của nền kinh tế có hạn. Những “khó khăn trong và thách thức ngoài” chắc chắn sẽ có ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu dùng, xuất nhập khẩu hàng hóa cũng như hoạt động sản xuất của nước ta trong thời gian tới. 

Thời gian còn lại của năm 2020 chỉ là 2  tháng và đây cũng là năm cuối, có ý nghĩa quyết định trong việc hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, 2016-2020. Do đó, để tiếp sức cho xuất khẩu tăng trưởng mạnh, cần phải thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp mà Quốc hội, Chính phủ đã đề ra, nhất là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong phiên họp thường kỳ tháng 10. Tiếp tục rà soát, thực hiện đồng bộ, hiệu quả hơn các chính sách xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu.

Đặc biệt là triển khai hiệu quả kế hoạch xúc tiến thương mại giai đoạn 2020-2025, thúc đẩy xuất khẩu bền vững trong bối cảnh thực thi các hiệp định quan trọng như EVFTA, CPTPP và các hiệp định thương mại tự do khác. Cùng với nhanh chóng hoàn thành chương trình phát triển thương hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao, cần có biện pháp quyết liệt hơn nữa để khai thác, tiếp cận những thị trường trọng điểm, không để giảm thị phần, mất thị trường xuất khẩu, nhất là đối với các mặt hàng chủ lực. Tập trung rà soát thủ tục hành chính về xuất nhập khẩu nhằm thúc đẩy xuất khẩu, tạo thuận lợi và hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp. 

Tin cùng chuyên mục