Dấu ấn qua các kỳ Đại hội Đảng

Trải qua 12 kỳ Đại hội, Đảng ta đã phát triển ngày càng mạnh mẽ, giành được những thắng lợi hết sức to lớn, chứng minh vai trò lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. 

Đó là cơ sở để nhân dân tin tưởng Đại hội XIII của Đảng sẽ tiếp tục đưa ra được những chủ trương đúng đắn, thể hiện sự đổi mới về tư duy, đặc biệt sẽ chọn được những nhân tố tiêu biểu về trí tuệ, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín để lãnh đạo, đưa đất nước lên tầm cao mới.

Từ ngày 6-1 đến 7-2-1930 tại Hồng Công, Trung Quốc: Hội nghị hợp nhất các tổ chức Cộng sản ở Việt Nam dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, mang tầm vóc lịch sử của Đại hội thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội nghị đã đề ra Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt và Điều lệ vắn tắt của Đảng; vạch ra đường lối giải phóng dân tộc và tiến lên CNXH của cách mạng Việt Nam. Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng là đồng chí Trần Phú. 
Đại hội I (Từ ngày 27 đến 31-3-1935 tại Ma Cao, Trung Quốc): Đại hội lần thứ nhất đánh dấu sự khôi phục được hệ thống tổ chức của Đảng từ Trung ương đến địa phương, từ trong nước ra ngoài nước; thống nhất phong trào đấu tranh cách mạng của công nhân, nông dân và các tầng lớp nhân dân dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đồng chí Lê Hồng Phong được bầu làm Tổng Bí thư. Đại hội cử đồng chí Nguyễn Ái Quốc làm đại diện của Đảng Cộng sản Đông Dương bên cạnh Quốc tế Cộng sản. Tháng 7-1936, đồng chí Hà Huy Tập được cử làm Tổng Bí thư. Tháng 3-1938, đồng chí Nguyễn Văn Cừ được cử làm Tổng Bí thư.
Đại hội II (Từ ngày 11 đến 19-2-1951 tại Chiêm Hóa, Tuyên Quang): Đại hội đã thảo luận và nhất trí thông qua Điều lệ mới của Đảng Lao động Việt Nam. Đại hội đánh dấu một mốc quan trọng trong quá trình lãnh đạo và trưởng thành của Đảng. Đường lối do Đại hội vạch ra đã đáp ứng yêu cầu trước mắt của kháng chiến và yêu cầu lâu dài của cách mạng Việt Nam.  Đồng chí Hồ Chí Minh được bầu làm Chủ tịch Đảng và đồng chí Trường Chinh được bầu làm Tổng Bí thư.
Đại hội III (Từ ngày 5 đến 10-9-1960 tại Hà Nội): Đại hội đã thảo luận và thông qua có tầm quan trọng quyết định phương hướng nhiệm vụ của cuộc cách mạng XHCN ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam. Đại hội xác định, hai nhiệm vụ cách mạng ở miền Bắc và ở miền Nam thuộc hai chiến lược khác nhau, song hai nhiệm vụ đó trước mắt đều có một mục tiêu chung là thực hiện hòa bình thống nhất Tổ quốc. Đồng chí Hồ Chí Minh được bầu lại làm Chủ tịch Đảng và đồng chí Lê Duẩn được bầu làm Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Đại hội IV (Từ ngày 14 đến 20-12-1976 tại Hà Nội): Đại hội quyết định đổi tên Đảng thành Đảng Cộng sản Việt Nam và thông qua Điều lệ mới của Đảng. Đại hội thảo luận, đánh giá quyết định chuyển cách mạng Việt Nam từ cách mạng XHCN ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam sang thực hiện cách mạng XHCN trên toàn đất nước; đề ra đường lối xây dựng CNXH trong phạm vi cả nước, gồm: Đường lối chung cách mạng XHCN và Đường lối xây dựng kinh tế trong thời kỳ quá độ.
Đồng chí Lê Duẩn được bầu làm Tổng Bí thư.
Đại hội V (Từ ngày 27 đến 31-3-1982 tại Hà Nội): Đại hội xác định nhiệm vụ chính là xây dựng CNXH trong phạm vi cả nước, đồng thời khẳng định sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN. Đại hội đã đề ra nhiệm vụ, phương hướng... nhằm giải quyết những vấn đề gay gắt, nóng bỏng đang đặt ra của cách mạng Việt Nam lúc bấy giờ. Đồng chí Lê Duẩn được bầu lại làm Tổng Bí thư.
Đại hội VI (Từ ngày 15 đến 18-12-1986 tại Hà Nội): Đại hội của sự nghiệp đổi mới, khẳng định “Đổi mới là yêu cầu bức thiết, có ý nghĩa sống còn đối với đất nước”, đã đề ra đường lối đổi mới, trước hết là đổi mới tư duy, đổi mới cơ chế kinh tế... từ đó đã lãnh đạo nhân dân ta làm nên thắng lợi to lớn có ý nghĩa lịch sử lần thứ III của dân tộc ta trong thế kỷ XX.  Đồng chí Nguyễn Văn Linh được bầu làm Tổng Bí thư.
Đại hội VII (Từ ngày 24 đến 27-6-1991 tại Hà Nội): Đại hội đã thông qua: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH ở nước ta; Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000; Báo cáo xây dựng Đảng và sửa đổi Điều lệ Đảng. Đại hội khẳng định tiếp tục đổi mới, chỉnh đốn Đảng.  Đồng chí Đỗ Mười được bầu làm Tổng Bí thư. 
Đại hội VIII (Từ ngày 28-6 đến 1-7-1996 tại Hà Nội): Đại hội tiến hành tổng kết chặng đường 10 năm đổi mới, rút ra 6 bài học chủ yếu. Đại hội xác định nhiệm vụ là thực hiện đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, quá độ lên CNXH và bảo vệ Tổ quốc XHCN.  Đồng chí Đỗ Mười tiếp tục được bầu làm Tổng Bí thư. Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ tư, khóa VIII (tháng 12-1997), đồng chí Lê Khả Phiêu được bầu làm Tổng Bí thư.
Đại hội IX (Từ ngày 19 đến 22-4-2001 tại Hà Nội): Đại hội xác định nhiệm vụ chính là phát huy sức mạnh toàn dân tộc, tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đại hội đánh dấu chặng đường 15 năm đổi mới và 10 năm thực hiện Chiến lược kinh tế - xã hội 1991-2000.  Đồng chí Nông Đức Mạnh được bầu làm Tổng Bí thư.
Đại hội X (Từ ngày 18 đến 25-4-2006 tại Hà Nội): Đại hội Tổng kết 20 năm đổi mới, xác định nhiệm vụ chính: Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển. Đồng chí Nông Đức Mạnh được bầu lại làm Tổng Bí thư.
Đại hội XI (Từ ngày 12 đến 19-1-2011 tại Hà Nội): Đại hội đã thảo luận và nhất trí thông qua các văn kiện rất quan trọng, có ý nghĩa chiến lược, lâu dài đối với sự phát triển của đất nước ta: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011); Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020; phương hướng, nhiệm vụ năm 2011 - 2015 và Điều lệ Đảng (bổ sung, sửa đổi). Đồng chí Nguyễn Phú Trọng được bầu làm Tổng Bí thư.
Đại hội XII (Từ ngày 20 đến 28-1-2016 tại Hà Nội): Đại hội xác định nhiệm vụ: Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa. Đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; phát triển kinh tế nhanh, bền vững, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Giữ gìn hòa bình, ổn định, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế để phát triển đất nước; nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng được bầu lại làm Tổng Bí thư.

Tin cùng chuyên mục