Dấu ấn lịch sử và bước chân tiên phong

Sẽ không thể có những điều mang ý nghĩa lịch sử nếu thiếu những con người tiên phong. Lĩnh vực nào cũng vậy và câu chuyện bóng đá nữ Việt Nam lần đầu giành quyền dự World Cup cũng thế. Có đến 11 thành viên trong đội tuyển nữ Việt Nam xuất thân từ CLB TPHCM. Đây không phải là điều bất ngờ bởi TPHCM chính là “cái nôi” của bóng đá nữ Việt Nam.
Đội tuyển nữ Việt Nam được chào đón tại TPHCM. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Đội tuyển nữ Việt Nam được chào đón tại TPHCM. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Vai trò quan trọng của thể thao TPHCM đối với quốc gia là điều bình thường, nhưng việc phong trào bóng đá nữ xuất phát từ nơi đây mới là điều đáng nói. Thời điểm cuối những năm 1994-1995, bóng đá TPHCM đang là trung tâm hàng đầu cả nước khi có đến 3 CLB nằm trong tốp đầu ở giải vô địch quốc gia.

Trường Năng khiếu Nghiệp vụ TPHCM lúc đó cũng là thương hiệu đào tạo cầu thủ bậc nhất. Dù vậy, việc mỗi buổi chiều ở sân Kỵ Mã trong công viên Tao Đàn xuất hiện một nhóm cô gái tập luyện bóng đá lại bị xem là điều kỳ quặc. Dư luận cho rằng, bóng đá TPHCM đang làm việc của người khác, đang ở đỉnh cao lại đi làm chuyện phong trào vốn thuộc về những địa phương ít tiềm lực. Hơn nữa, bóng đá nữ là một khái niệm quá mới. Người xây dựng đội bóng đá nữ đầu tiên khi đó là ông Tư Ngữ, Giám đốc Trung tâm TDTT quận 1, nay đã mất, không được đánh giá cao với công việc của mình. Thực tế, ông Tư Ngữ đã phản biện: TPHCM cũng ít người đi xe đạp nhưng lại tiên phong tổ chức nhiều giải đua xe đạp nhất, tại sao không thể phát triển bóng đá nữ dù ít cô gái đô thị chơi bóng đá? Từ “cái nôi” quận 1, bóng đá nữ TPHCM dần lớn mạnh. Ông Tư Ngữ cũng tìm được người đồng cảm với mình là ông Hoàng Vĩnh Giang, Giám đốc Sở TDTT Hà Nội khi đó, nay cũng đã là người thiên cổ. Đến năm 1998, giải vô địch bóng đá nữ đầu tiên được ra đời với chỉ 7 CLB, gồm một đội bóng học sinh nữ đến từ quận Ba Đình, Hà Nội.

Phải đến năm 2002, tức là sau 4 mùa giải vô địch quốc gia, bóng đá nữ TPHCM mới lần đầu lên ngôi vô địch. Nói như vậy để hình dung ra những khó khăn ban đầu của Trung tâm TDTT quận 1 nói chung và ông Tư Ngữ nói riêng. Mọi thứ xây dựng từ con số 0 đúng nghĩa, những người đã làm được việc đó không đơn thuần chỉ cần dũng khí để “cầm đèn chạy trước ô tô”, mà còn cần tầm nhìn dài hạn mới có đủ kiên trì để tự mình tạo phong trào và thúc đẩy được nó đến đỉnh cao trên bình diện quốc gia. Họ là những người tiên phong, dám nghĩ dám làm, kiên định đến cùng cho mục tiêu chung của nền thể thao thành phố. Không nói đâu xa, cả TPHCM lẫn Hà Nội đều từng có giai đoạn sa sút nặng nề ở nội dung nam, đánh mất vai trò trung tâm của mình trong nền bóng đá quốc gia, nhưng vẫn luôn dẫn đầu về bóng đá nữ. Thậm chí, ở vài thời điểm, chính thành tích của các cô gái đá bóng được dùng để tạo cú hích cho công tác đầu tư bóng đá nam ở cả TPHCM lẫn Hà Nội.

Trong lịch sử 20 lần tổ chức giải thưởng Quả bóng vàng Việt Nam ở hạng mục nữ cầu thủ, TPHCM chiếm giữ 13 danh hiệu. Cầu thủ Việt Nam đầu tiên đoạt giải thưởng xuất sắc nhất Đông Nam Á (năm 2012) cũng là một cô gái đến từ TPHCM, thủ môn Đặng Thị Kiều Trinh. Cầu thủ đầu tiên đoạt 4 danh hiệu Quả bóng vàng, cũng là một cô gái đến từ TPHCM - tiền đạo Trần Thị Kim Hồng. Những chiến tích mà bóng đá nữ TPHCM đạt được, đóng góp vào thành công chung của thể thao Việt Nam, chắc chắn là bài học, là hình mẫu của mọi chiến lược phát triển thể thao thành phố nói chung.

Điều này nhắc nhở cho những người làm thể thao TPHCM về vai trò và các dấu ấn tiên phong mà thành phố từng có. Từ các sự kiện thể thao chuyên nghiệp đầu tiên ở xe đạp, bóng chuyền, bóng đá, bóng bàn… đến những con người như ông Tư Ngữ đối với bóng đá nữ, cho thấy tiềm năng con người và sức sáng tạo của TPHCM là một truyền thống đáng quý. Tinh thần tiên phong ấy cần được khôi phục một cách đầy đủ, đầy trách nhiệm và mạnh mẽ hơn để thể thao TPHCM có thêm nhiều sự kiện tôn vinh như đã dành cho bóng đá nữ hôm qua 11-2-2022.

Tin cùng chuyên mục