Đặt và hát lời Việt cho nhạc ngoại có vi phạm pháp luật không?

Hiện đang có trào lưu tự đặt lời Việt cho bài hát nước ngoài và trình diễn đưa lên trang Facebook, hoặc các kênh YouTube, để thu hút lượt xem. Việc này có xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của các nhạc sĩ, chủ sở hữu của các bản nhạc gốc ở nước ngoài hay không?

Theo quy định của Công ước Berne, các nước thành viên Công ước phải có trách nhiệm bảo hộ quyền tác giả của các tác giả là công dân một trong những nước thành viên Công ước, dù những các tác phẩm của họ đã công bố hay chưa.

Việt Nam có tham gia Công ước Berne, do đó, nếu tác giả bài hát là công dân của một trong những nước thành viên Công ước, thì tác phẩm đó được pháp luật Việt Nam bảo hộ quyền tác giả và ngược lại. Ở nước ta, theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ 2005, quyền tác giả của một tác phẩm phát sinh kể từ thời điểm tác giả sáng tạo ra tác phẩm trên cơ sở độc lập, không sao chép từ các tác phẩm khác và được định hình dưới một hình thức vật chất nhất định.

Hay nói cách khác, quyền tác giả của tác phẩm được bảo hộ trên cơ chế tự động phát sinh mà không phụ thuộc vào việc đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Với các quy định trên, các bài hát được nhạc sĩ nước ngoài sáng tác ra tại nước của họ vẫn được bảo hộ quyền tác giả tại Việt Nam. Các nhạc sĩ, chủ sở hữu của các bài hát đó cũng sẽ được hưởng đầy đủ các quyền tác giả (quyền nhân thân và quyền tài sản) theo quy định tại Điều 19 và Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ 2005. Việc tự ý đặt lời Việt cho bài hát nước ngoài là hành vi tạo ra một tác phẩm phái sinh.

Tuy nhiên, theo Luật Sở hữu trí tuệ 2005 thì quyền làm tác phẩm phái sinh và biểu diễn tác phẩm trước công chúng là độc quyền của chủ sở hữu quyền tác giả của bài hát, do đó, trong trường hợp tự ý tạo tác phẩm phái sinh và biểu diễn các tác phẩm phái sinh này mà không xin phép chủ sở hữu quyền tác giả của tác phẩm gốc là hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, theo quy định tại Khoản 7 Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ 2005.

Theo Nghị định 131/2013 (quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan), hành vi tự ý làm tác phẩm phái sinh khi chưa có sự cho phép của chủ sở hữu quyền tác giả sẽ bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng. Đồng thời, còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường Internet và kỹ thuật số đối với các tác phẩm phái sinh.

Tin cùng chuyên mục