Đất rừng Tây Nguyên “bay màu” - Bài 3: Kiên quyết thu hồi, trồng lại rừng

Sau khi đăng loạt bài Đất rừng Tây Nguyên “bay màu”, Báo SGGP đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi từ phía chính quyền địa phương và giới chuyên gia, nêu bật quyết tâm truy quét, điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng phá rừng, mua bán đất rừng, đồng thời gợi mở một số giải pháp để ngăn chặn tình trạng chuyển đổi, thuê đất rừng thực hiện dự án không đạt hiệu quả. 
Rừng tại tiểu khu 274A, lâm phần do Ban Quản lý rừng phòng hộ Lâm Hà quản lý (xã Gia Lâm, huyện Lâm Hà, Lâm Đồng) tiếp tục bị cưa hàng trăm cây thông
Rừng tại tiểu khu 274A, lâm phần do Ban Quản lý rừng phòng hộ Lâm Hà quản lý (xã Gia Lâm, huyện Lâm Hà, Lâm Đồng) tiếp tục bị cưa hàng trăm cây thông

- Ông LÊ NGỌC TUẤN, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum: 

Buộc các đối tượng vi phạm phải trồng lại rừng

Trước vấn nạn phá rừng, UBND tỉnh vừa có văn bản đề nghị các địa phương tăng cường công tác bảo vệ rừng trên địa bàn, trong đó nâng cao trách nhiệm của chủ rừng, thường xuyên tuần tra, truy quét các đối tượng phá rừng. Ngoài ra, UBND tỉnh cũng yêu cầu, bên cạnh việc xử lý hành chính, xử lý hình sự các đối tượng phá rừng làm nương rẫy, cấp ủy, chính quyền địa phương và chủ rừng phải có biện pháp bắt buộc các đối tượng vi phạm phải trồng lại rừng trên diện tích đã bị phá; thường xuyên đôn đốc, giám sát, nghiệm thu, quản lý đối với diện tích đã trồng lại và chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh về kết quả thực hiện.

- Ông VÕ DANH TUYÊN, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng: 

Xử lý điểm nóng, đôn đốc chủ rừng tăng tỷ lệ che phủ

Từ nay đến cuối năm, chúng tôi sẽ tập trung rà soát, xử lý các vụ phá rừng, trước mắt tập trung rà soát xử lý các vụ phá rừng trên địa bàn huyện Lạc Dương, Đam Rông. Phấn đấu trong năm 2022, giảm 20% trở lên về số vụ, diện tích rừng và khối lượng lâm sản thiệt hại so với năm 2021. Bên cạnh đó, phối hợp giải tỏa và trồng lại rừng trên toàn bộ diện tích rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm mới; số vụ không phát hiện đối tượng vi phạm giảm dưới 15%; tiếp tục đôn đốc chủ rừng trồng rừng để tăng tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh.

- Ông ĐỖ XUÂN DŨNG, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT  tỉnh Đắk Lắk: 

Xử lý nghiêm đối tượng mua bán đất lâm nghiệp trái pháp luật

Liên quan đến việc mua bán, sang nhượng đất tại dự án của Công ty 27-7 thuộc tiểu khu 251 xã Ea Bung, huyện Ea Súp (tỉnh Đắk Lắk), Sở NN-PTNT đã đề nghị các đơn vị liên quan báo cáo về vụ việc, đồng thời tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk giao trách nhiệm công an tỉnh chỉ đạo điều tra, phát hiện và xử lý nghiêm, đúng pháp luật đối với tổ chức, cá nhân lợi dụng chủ trương thực hiện các dự án nông lâm nghiệp để trục lợi, mua bán sang nhượng dự án, đất đai trái quy định của pháp luật. 

Hiện UBND tỉnh Đắk Lắk cũng giao thanh tra tỉnh chủ trì phối hợp các đơn vị có liên quan xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra, đánh giá hiệu quả việc thực hiện các dự án trên địa bàn huyện Ea Súp nói riêng và toàn tỉnh nói chung, trong đó có dự án của Công ty 27-7. Qua đó kết luận có hay không việc mua bán đất rừng tại dự án này để làm cơ sở xem xét trách nhiệm của ban giám đốc cũ, mới và các cá nhân liên quan. Nếu có xảy ra việc mua bán đất rừng trái pháp luật thì sẽ xử lý theo quy định của Luật Đất đai và pháp luật có liên quan. 

Năm 2021, UBND tỉnh đã thành lập tổ công tác và bộ phận giúp việc rà soát, xử lý các dự án đầu tư nông lâm nghiệp trên đất lâm nghiệp chậm triển khai thực hiện, kéo dài nhiều năm trên địa bàn tỉnh (Tổ công tác 1453). Hiện nay Tổ công tác 1453 đang lập và triển khai kế hoạch rà soát năm 2022.

- Tiến sĩ PHAN VIỆT HÀ Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên (Bộ NN-PTNT): 

Thẩm định năng lực và tính hiệu quả dự án

Theo luật, đất rừng lấn chiếm thì phải thu hồi, nhưng một số nơi chưa mạnh tay làm. Trước mắt, đối với những vùng xung yếu, các địa phương cần có biện pháp mạnh để thu hồi, trồng rừng nhằm giữ đất, bảo vệ nguồn nước, bảo vệ dân cư… Còn những vùng không phải xung yếu, khó thu hồi hoặc chưa thu hồi được thì có thể tìm biện pháp hài hòa để khôi phục lại rừng, như khuyến khích dân trồng các cây lâm nghiệp trên diện tích đó. Ngoài ra, đối với các dự án cho thuê đất lâm nghiệp, các tỉnh nếu phê duyệt dự án thì phải rà soát kỹ tính hiệu quả dự án cũng như thẩm định kỹ năng lực nhà đầu tư.

- GS-TS BẢO HUY, Chuyên gia tư vấn Quản lý tài nguyên và môi trường rừng, nguyên Trưởng Khoa Lâm sinh, Trường Đại học Tây Nguyên: 

Hạn chế thấp nhất lấy rừng tự nhiên thực hiện dự án

Đánh giá một trong những nguyên nhân khiến diện tích đất rừng bị lấn chiếm nhiều nhất ở Tây Nguyên là do tình trạng phá rừng làm nương rẫy của đồng bào dân tộc thiểu số. Do đó, hiện nay các cấp ngành, chính quyền địa phương phải tăng cường công tác vận động tuyên truyền để người dân nắm, hiểu pháp luật. Bên cạnh việc thu hồi diện tích rừng bị lấn chiếm trái pháp luật, ngành chức năng phải có những giải pháp mang tính nhân văn, tạo điều kiện sinh kế cho người dân để hạn chế tác động vào rừng… Đối với các doanh nghiệp thuê đất rừng để thực hiện dự án, ngành chức năng phải sát sao hơn nữa trong công tác thẩm định, đánh giá năng lực, tiềm năng của doanh nghiệp để hạn chế rủi ro, đảm bảo tính hiệu quả của dự án.

Mặc dù diện tích rừng trồng ở các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông đang tăng, tuy nhiên về tính đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường từ rừng trồng không đảm bảo bằng rừng tự nhiên. Do đó, ngành chức năng phải có những giải pháp bằng mọi giá bảo vệ, giữ rừng tự nhiên hiện có. Hạn chế thấp nhất chuyển đổi rừng tự nhiên để thực hiện các dự án kinh doanh khác.

UBND tỉnh Lâm Đồng vừa quyết định phê duyệt dự án trồng rừng sau giải tỏa năm 2022 diện tích 236,46ha thuộc đề án Tăng cường quản lý bảo vệ rừng, ngăn chặn phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp, khôi phục và phát triển rừng trên địa bàn với tổng chi phí 19,1 tỷ đồng bằng ngân sách địa phương. Cụ thể, có 13 đơn vị chủ rừng trên địa bàn gồm các ban quản lý rừng, công ty lâm nghiệp, Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà sẽ tiến hành trồng các loại cây như thông ba lá (diện tích hơn 220ha), cây dầu rái (5,54ha), sao đen, keo lai… Dự án được trải đều từ TP Đà Lạt xuống các huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Di Linh, Đạ Tẻh, Đạ Huoai, Bảo Lâm.

Tây Nguyên cần chú trọng khôi phục, phát triển rừng gắn với giữ vững, bảo vệ rừng 

Vừa qua, trong phát biểu tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XIII về Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở vùng Tây Nguyên, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Bên cạnh những kết quả, thành tích đã đạt được, vùng Tây Nguyên hiện vẫn còn không ít những khó khăn, thách thức lớn. Đó là: Phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; tốc độ tăng trưởng kinh tế thiếu bền vững, có xu hướng chậm lại.

Thu nhập bình quân đầu người thấp nhất cả nước. Khoảng cách giàu - nghèo giữa các nhóm dân tộc, nhất là của nhóm các dân tộc bản địa, chậm được thu hẹp. Giảm nghèo chưa bền vững; số hộ nghèo và cận nghèo còn nhiều, nguy cơ tái nghèo còn cao; tỷ lệ xã đạt chuẩn “Nông thôn mới” còn thấp. Tình trạng thiếu đất sản xuất, đất ở của đồng bào dân tộc thiểu số chậm được giải quyết. Công tác xử lý đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường còn bất cập. Tỷ lệ che phủ rừng giảm mạnh và không đạt được mục tiêu đề ra; rừng tự nhiên bị xuống cấp cả về diện tích và chất lượng...”. 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Phát triển vùng Tây Nguyên phải phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, bảo đảm thống nhất với hệ thống quy hoạch quốc gia, phù hợp với chiến lược quốc gia về phát triển bền vững, tăng trưởng xanh và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế vùng gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp hiệu quả cao, dựa trên cơ sở ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số. Chú trọng khôi phục, phát triển rừng gắn với giữ vững, bảo vệ rừng, ổn định và nâng cao đời sống, sinh kế của người dân gắn với rừng…”. 

Tin cùng chuyên mục