Đất nền trầm lắng theo dịch

Khác với cảnh nhộn nhịp đi xem mua từ đầu năm, hiện nay thị trường đất nền khá trầm lắng. Nhìn chung, thị trường giảm tốc cả nguồn cung lẫn sức mua khá nhanh; các tháng cuối năm sẽ khó đoán định rõ nét bởi còn phụ thuộc vào diễn biến và mức độ kiểm soát dịch Covid-19 đến đâu.

TPHCM: Đóng cửa chờ qua dịch

Huyện Cần Giờ, một điểm nóng của “sốt đất” trước đây, nay đìu hiu. Ông Nguyễn Hùng, cổ đông một công ty địa ốc đang triển khai dự án đất nền nằm ở vùng ven thị trấn Cần Thạnh, cho biết, trước đây giá đất tăng vù vù, sáng một giá, chiều một giá, có khi vừa bán xong lại thấy hớ vì giá đất tăng tiếp. Nhưng gần đây, các phương tiện lên xuống hạn chế, người mua cũng chỉ hỏi qua điện thoại, gần một tháng không có giao dịch nào.

Là chủ đầu tư dự án địa ốc 200ha tại phường Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức, bà Nguyễn Hương, Tổng Giám đốc Đại Phúc Land, cho hay, công ty đã đóng cửa hơn 2 tuần nay để chống dịch. Đây là điều khác biệt, vì đợt dịch năm ngoái, công ty vẫn tổ chức làm việc luân phiên. 

Qua ghi nhận từ thị trường tự do, không khí ảm đạm cũng đang bao trùm. Tại dự án Khu dân cư Lập Phúc (xã Phước Kiểng, huyện Nhà Bè), sau Tết âm lịch, giao dịch sôi động, giá đất tăng mạnh từ 32-37 triệu đồng/m2 nhưng nay không có giao dịch.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra đối với các dự án đất nền thuộc khu vực quận 9 cũ, ở những khu vực sôi động như Khang Điền, Hoàng Anh Minh Tuấn, Nam Long…, nhiều công ty môi giới đóng cửa, không trực tiếp đón khách.

Tháng 5 vừa qua, DKRA Vietnam, một công ty nghiên cứu thị trường đã có báo cáo nhận xét: dịch bệnh diễn biến phức tạp đã khiến hầu hết các phân khúc bất động sản (BĐS) trên thị trường giảm tốc. Ở phân khúc đất nền, cơ hội tìm kiếm biên lợi nhuận đang ngày càng yếu đi. Lượng tiêu thụ tập trung vào những dự án đã mở bán trước đó với giao dịch khiêm tốn. Tương tự, ở phân khúc căn hộ, trong tháng 5 ghi nhận sụt giảm mạnh về nguồn cung lẫn số lượng dự án mới. 

Miền Trung, Tây Nguyên: Lỗ nặng vì vay nợ ngân hàng

Sau những “cơn sốt”, thị trường BĐS tại Lâm Đồng thời gian gần đây đã tạm lắng do nhiều yếu tố tác động. Từng rất sôi động phân lô, tách thửa như ở TP Bảo Lộc, huyện Lâm Hà, Bảo Lâm..., nhưng khi “cơn sốt” hạ nhiệt, những nhà đầu tư giữa dòng bắt đầu thấy mệt mỏi. Bên cạnh những người có tiềm lực tài chính vững vàng, ít phụ thuộc nguồn vốn ngân hàng thì có không ít trường hợp đang ở thế “kẹt” như anh Tuấn (phường 10, TP Đà Lạt).

Hơn 1 năm trước, với số tiền tích góp được 1 tỷ đồng, anh vay ngân hàng thêm 1 tỷ để mua miếng đất gần 3.000m2 tại xã Liên Hiệp, huyện Đức Trọng. Giờ có việc cần bán nhưng rao giá cao không ai mua. “Hôm trước dẫn một người đi xem đất, người ta chỉ trả được 2,1 tỷ đồng, nếu bán giá đó thì lỗ vốn sau khi trừ các khoản tiền lãi ngân hàng, chi phí môi giới…”, anh Tuấn thở dài. 

Đất nền trầm lắng theo dịch ảnh 1 Những khu đất tại TP Bảo Lộc (Lâm Đồng) từng được quảng cáo rầm rộ nhưng nay vắng bóng người tìm hiểu, mua bán. Ảnh: ĐOÀN KIÊN

Theo nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ tại địa phương, thị trường BĐS tại Lâm Đồng thời gian qua phụ thuộc chủ yếu vào các nhà đầu tư từ Hà Nội, TPHCM và các tỉnh phía Nam. Các đợt dịch Covid-19 liên tiếp xảy ra khiến người dân e ngại đi lại, giao dịch vì vậy cũng đứng im. Ngoài ra, việc UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu tạm dừng giải quyết hồ sơ tách, hợp thửa cũng khiến một bộ phận nhà đầu tư có tâm lý chững lại. 

Tại tỉnh Bình Thuận, trong vài năm qua, sau khi xuất hiện hàng loạt thông tin về các dự án hạ tầng sẽ được đầu tư như sân bay Phan Thiết, đường cao tốc… thì ngay lập tức hàng loạt nhà đầu tư BĐS và người dân địa phương đua nhau “gom” đất rồi chuyển mục đích, phân lô, bán nền tràn lan, gây mất an ninh trật tự và nguy cơ phá vỡ quy hoạch.

Trước tình hình này, UBND tỉnh Bình Thuận ban hành Quyết định 52 quy định về diện tích tối thiểu, cũng như các điều kiện để được tách thửa đối với các loại đất trên địa bàn nên tình hình “sốt đất” đã cơ bản được kiểm soát.

Ông Trần Ngọc Tân, Phó Giám đốc Sở TNMT tỉnh Bình Thuận, cho biết: “Hiện nay, đất nông nghiệp muốn được tách thửa thì phải có quy hoạch khu dân cư và phải chuyển mục đích sử dụng đất lên thổ cư. Đồng thời, đất chuyển mục đích phải có đường hiện hữu. Hai yêu cầu này đã khiến tình hình phân lô, bán nền tại địa phương được hạn chế”.

Tại các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, nhiều phân khúc BĐS du lịch, nghỉ dưỡng bắt đầu chùng xuống, ảm đạm giữa dịch Covid-19. Rảo khắp các phân khúc BĐS từ nội thành đến ngoại ô và khu, tuyến du lịch ven biển của TP Tuy Nhơn, Khu kinh tế Nhơn Hội (Bình Định) không còn cảnh sầm uất như trước. 

ĐBSCL: Nhiều dự án giảm quy mô

Theo Văn phòng đại diện Hội Môi giới BĐS Việt Nam tại ĐBSCL, trong 6 tháng đầu năm 2021, lượng giao dịch tại các dự án ở 13 tỉnh, thành ĐBSCL là khoảng 6.230 nền dự án. Sau thời gian sôi động, đến cuối quý 2-2021, do tình tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, lượng khách tìm mua BĐS khá trầm lắng, không ghi nhận nhiều giao dịch thành công.

Bà Nguyễn Thanh Kiều, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần AV Land Miền Tây, thông tin: “Trong quý 1 và đầu quý 2-2021, việc tiêu thụ các sản phẩm BĐS tại TP Cần Thơ khá tốt, có lúc sôi động. Nhưng đến cuối quý 2, lượng khách từ TPHCM và Hà Nội không vào mua, nhiều khách hàng khác thì do dự nên sức mua sụt giảm”.

Các tỉnh khác như Hậu Giang, Vĩnh Long, Sóc Trăng, An Giang có mức giá BĐS khá cạnh tranh hơn TP Cần Thơ. Đặc biệt, thị trường Vĩnh Long đang được các nhà đầu tư nhắm đến, khi đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ hoàn thành sẽ là cú hích cho thị trường BĐS khu vực này phát triển. 

Các nhà chuyên môn dự kiến ở ĐBSCL trong năm 2021 sẽ tung ra thị trường trên 10.000 sản phẩm đất nền dự án. Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại, chủ đầu tư một số dự án đã co cụm, giảm quy mô, giãn tiến độ thực hiện vì thiếu hụt nhân công, nguồn vốn…, xuất phát từ tình hình dịch bệnh. 

Tại TP Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), từ đầu năm đến nay, nhiều doanh nghiệp kinh doanh địa ốc, các tập đoàn lớn đưa ra nhiều sản phẩm BĐS cao cấp ở Bắc và Nam đảo. Tuy nhiên, các nhà môi giới BĐS tại Phú Quốc cho biết, giao dịch vẫn không nhiều; nhiều căn hộ nghỉ dưỡng cao cấp, những shop thương mại tại các dự án lớn vẫn còn trống.

Hiện nhiều nhà đầu tư BĐS trên đảo Phú Quốc đang kỳ vọng UBND tỉnh Kiên Giang ban hành quyết định về điều kiện tách thửa, hợp thửa và diện tích tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất trên địa bàn (thay thế Quyết định số 16/2019/QD-UBND ngày 16-7-2019 của UBND tỉnh Kiên Giang). Tuy nhiên, UBND TP Phú Quốc cho rằng, theo định hướng của dự thảo thì UBND tỉnh Kiên Giang không cho phép tách thửa, hợp thửa kiểu phân lô, bán nền. 

Thị trường phía Bắc: BĐS “ăn theo” quy hoạch tuột dốc

Thị trường BĐS khu vực phía Bắc những ngày gần đây đã tỏ rõ dấu hiệu sụt giảm so với đầu năm, đặc biệt là ở phân khúc đất nền. Theo thông tin từ sàn giao dịch Batdongsan.com.vn, dữ liệu thống kê mới nhất cho thấy, mức độ quan tâm đến phân khúc đất nền tiếp tục sụt giảm mạnh.

Các tỉnh thành có mức độ quan tâm giảm sâu nhất là Bắc Giang (49%), Bắc Ninh và Hà Nam (46%), Vĩnh Phúc (38%), Đà Nẵng (36%), Quảng Nam (35%). Khu vực “sốt” đất nền hồi đầu năm, điển hình là Bắc Ninh, nếu như cách đây 3 tháng các dự án đất nền đều đắt khách; một số dự án tại xã Phù Khê, Phù Chẩn (huyện Từ Sơn) xuất hiện nhiều “chợ cóc” BĐS, đất nền được mua bán trao tay, “lướt sóng” rất sôi động thì nay các “chợ cóc” đã biến mất. 

Tương tự, ở khu vực Bắc Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, nhiều nhà đầu tư từng mạnh tay xuống tiền với kỳ vọng đất nền khu vực này sẽ theo đà tăng giá mạnh; tuy nhiên, thị trường “dứt sốt” quá nhanh khiến nhiều người trở tay không kịp.

Đặc biệt, tại Hà Nội, thông tin thành phố vừa công bố tạm dừng triển khai 82 dự án giao thông theo hình thức BT, tạm dừng triển khai 6 cây cầu qua sông Hồng và sông Đuống đã khiến thị trường BĐS “ăn theo” quy hoạch nhanh chóng tuột dốc.

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng, thị trường đất nền chững lại một phần do sự vào cuộc của chính quyền địa phương, các bộ ngành nhằm cắt cơn “sốt đất”. Trong đó, đáng chú ý là việc các địa phương minh bạch thông tin về quy hoạch để ngăn chặn “cò” đất tung thông tin ảo và “thổi” giá; kiểm soát chặt các hoạt động mua bán đất trái quy định. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các ngân hàng thương mại kiểm soát chặt tín dụng đổ vào thị trường BĐS. Bộ Xây dựng đang tiếp tục theo dõi, bám sát diễn biến tình hình thị trường BĐS, kịp thời đề xuất các giải pháp để đảm bảo thị trường phát triển một cách ổn định và bền vững. 

Tin cùng chuyên mục